Bình Định là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, hội tụ đủ các vùng sinh thái: đồng bằng, miền núi, ven biển, hải đảo...; có vị trí địa lý và điều kiện giao thông thuận lợi, nằm trên ngã ba của Quốc lộ 1A và Quốc lộ 19 nối liền với Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái và Đông Bắc Campuchia; có ga đường sắt, sân bay và cảng biển nên có điều kiện giao lưu văn hóa với các vùng miền trong cả nước và quốc tế. Bình Định có bề dày lịch sử và văn hóa, gắn kết giữa đồng bào kinh với đồng bào các dân tộc thiểu số anh em: Chăm, Bana, H’rê. Bình Định còn là cái nôi của phong trào Tây Sơn, và là một trong những cái nôi của nghệ thuật tuồng, dân ca bài chòi và Võ cổ truyền Việt Nam. Với một nền văn hóa lâu đời, đa dạng, trải qua quá trình lao động, sáng tạo; đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã hình thành nên truyền thống và để lại những di sản văn hóa vô cùng quý giá; đồng thời tạo cho người dân Bình Định vừa có những phẩm chất cao quý của người Việt Nam, vừa có sắc thái riêng của người Bình Định. Truyền thống đó hòa quyện với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội tạo thành động lực to lớn góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Trong 15 năm qua, , các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh đã tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là thế hệ trẻ về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, giáo dục lòng yêu quê hương, gia đình, lòng tự hào dân tộc.
Trong thời gian đó, Bình Định đã tổ chức hơn 300 lớp bồi dưỡng chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cho hơn 35.000 lượt cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng; đặc biệt đã triển khai việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các hội, đoàn thể trong tỉnh đã phát động và tổ chức nhiều phong trào hoạt động thiết thực trong hội, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân…Thông qua các hoạt động trên, hầu hết cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh vững vàng về tư tưởng chính trị, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng; có ý thức bảo vệ và xây dựng cộng đồng dân cư; có tinh thần học tập, lao động sáng tạo, thi đua yêu nước, đoàn kết giúp đỡ nhau; phấn đấu thực hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, một lòng một dạ tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đây là những nhân tố góp phần quan trọng để Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức và giành được những thành tựu quan trọng trong xây dựng quê hương, đất nước.
Việc xây dựng môi trường văn hóa được chú trọng, số lượng gia đình văn hóa, làng văn hoá, khu dân cư tiên tiến, cơ quan, đơn vị văn hóa ngày càng cao. Tính đến nay, toàn tỉnh có 89,7% số hộ được công nhận gia đình văn hóa; có 90,45% khu dân cư đăng ký xây dựng làng văn hóa, khu phố, thôn văn hóa; có 54,8% làng, khu phố, thôn được công nhận danh hiệu văn hóa. Toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật, chính trị - xã hội; có 69/159 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; có 85 khu sinh hoạt văn hóa - thể thao cấp xã có sân khấu ngoài trời kiên cố, được trang bị âm thanh, ánh sáng; 105 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng; 784 trụ sở thôn có khả năng đảm trách một số hoạt động văn hóa; 70% số thôn, làng, khu phố có thiết chế đáp ứng những hoạt động văn hóa ở cơ sở. Bước đầu đã xây dựng được một số mô hình văn hóa phù hợp với pháp luật và phong tục, tập quán của địa phương. Cùng với các cơ sở văn hóa của Nhà nước, hàng nghìn tổ chức dịch vụ văn hóa tư nhân, các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Hệ thống tổ chức bộ máy của các cơ quan hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật được củng cố một cách đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.
Trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật cũng có bước khởi sắc. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu văn hóa, văn nghệ dân gian ngày càng được đẩy mạnh. Các bộ môn nghệ thuật truyền thống (tuồng, dân ca, bài chòi…) được bảo tồn và phát triển, khẳng định những đặc trưng văn hóa truyền thống của tỉnh nhà. Hiện nay, Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định có 258 hội viên, sinh hoạt ở 8 chi hội chuyên ngành. Việc duy trì giải thưởng Văn học nghệ thuật Đào Tấn - Xuân Diệu (tổ chức 5 năm 01 lần) đã có tác dụng thúc đẩy chất lượng các tác phẩm ngày càng tốt hơn; trong 15 năm qua đã có 139 lượt tác giả, 139 tác phẩm đạt giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu. Số lượng văn nghệ sĩ được phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú ngày càng nhiều; đến nay toàn tỉnh có 10 nghệ sĩ nhân dân, 34 nghệ sĩ ưu tú và có 02 cá nhân được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.
Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được chú trọng. Hiện nay, tỉnh Bình Định có 34 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 68 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; đang lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng 2 di tích. Nhiều di tích lịch sử được đầu tư tôn tạo, trùng tu, chống xuống cấp, hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống với hàng chục ngàn tư liệu, hiện vật có giá trị (Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã xây dựng được bộ sưu tập với hơn 10.000 hiện vật; Bảo tàng Quang Trung có trên 11.000 tư liệu, hiện vật quý về phong trào nông dân Tây Sơn). Các đoàn nghệ thuật sân khấu truyền thống của tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển; nhiều vở tuồng và các làn điệu dân ca, bài chòi cổ được phục hồi, biểu diễn và thu hình phát sóng. Tỉnh đã tổ chức dạy hát tuồng, dân ca trong một số trường học; một số lễ hội văn hóa dân gian truyền thống được khôi phục và phát triển; duy trì tổ chức lễ hội Đống Đa hàng năm, Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam và lễ hội văn hóa thể thao miền biển và lễ hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số của tỉnh và các huyện (được tổ chức định kỳ hai năm 1 lần), nhiều địa phương còn tổ chức ngày hội văn hóa thể thao cấp xã.
Bình Định còn chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số. Công tác nghiên cứu, giới thiệu văn hóa, văn nghệ dân gian của các dân tộc thiểu số được đẩy mạnh; đã tổ chức biên soạn sách dạy và học tiếng 3 dân tộc thiểu số trong tỉnh (Chăm, Bana, H’rê); hoàn thành các dự án văn hóa phi vật thể: Lễ mừng cốm mới của dân tộc Bana, Lễ hội mừng mưa của dân tộc Chăm H’roi, Lễ cưới và sinh hoạt âm nhạc dân gian của dân tộc H’rê, Ngày hội cồng chiêng của người Chăm, Bana…; duy trì nghề thủ công truyền thống, khôi phục các làn điệu dân ca, dân vũ, các loại nhạc cụ, trang phục truyền thống và các loại dụng cụ lao động sản xuất, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đến nay đã có 76 nhà rông làng Bana và Chăm, 28 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng H’rê được xây dựng kiên cố.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có bước phát triển. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 642 trường học thuộc các bậc học, cấp học; tổng số cán bộ, giáo viên toàn ngành giáo dục là 20.354 người; toàn tỉnh đã đưa vào sử dụng 1.646 phòng học và 297 phòng ở kiên cố cho giáo viên; 100% các trường phổ thông và 78,23% trường mầm non được trang bị máy tính. Một số chính sách khuyến học, khuyến tài được triển khai thực hiện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 108 phó giáo sư, tiến sĩ; 829 thạc sĩ; từ năm 2000 đến nay đã có 1.050 người được hưởng chính sách thu hút nhân lực trình độ cao với tổng kinh phí hỗ trợ 12,229 tỷ đồng. Việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống có tiến bộ; trong 15 năm qua, toàn tỉnh có 250 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh và 20 đề tài nghiên cứu cấp Bộ.
Những năm qua, hệ thống báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình được quy hoạch, sắp xếp lại và hoạt động đi vào nền nếp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 cơ quan báo chí, với 4 loại hình báo chí phát triển tương đối đồng đều là: báo viết, báo nói, báo hình và báo điện tử. Bên cạnh đó, còn có Trung tâm Truyền hình Cáp Quy Nhơn, 11 Đài truyền thanh huyện, thị, thành phố và 159 đài truyền thanh xã, phường, thị trấn. Báo Bình Định không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức, phát triển mạnh về chất lượng và số lượng (từ 4.000 tờ/kỳ năm 2003 tăng lên 8.000 tờ/kỳ năm 2012; xuất bản 5 kỳ/tuần năm 2001 tăng lên 7 kỳ/tuần năm 2012). Năm 2003, Báo Bình Định điện tử ra đời, mỗi ngày có khoảng 300 - 400 ngàn lượt truy cập. Đặc biệt từ năm 2007, Báo Bình Định điện tử khai trương trang Tiếng Anh, đã góp phần quảng bá hình ảnh, con người Bình Định đến với bạn bè thế giới. Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định được đầu tư xây dựng với trang thiết bị tương đối hiện đại. Hiện nay thời lượng phát sóng truyền hình là 17 giờ/ngày và phát thanh là 6 giờ/ngày; đã phủ sóng 100% địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh các chương trình tiếng Việt phổ thông, Đài còn phát chương trình tiếng Chăm, Hrê, Bana và tiếng Anh. Từ giữa năm 2010, Đài đã lập Website song hành với việc phát sóng. Cuối năm 2011, Đài đã đưa sóng lên vệ tinh Vinasat, mở ra giai đoạn mới trong việc tuyên truyền hình ảnh của Bình Định đến với khán giả trong nước và ngoài nước. Năm 2002, Trung tâm Truyền hình Cáp Quy Nhơn được thành lập với 15 kênh, đến nay đã phát triển lên 72 kênh với hơn 55.000 thuê bao. Sự góp mặt của Truyền hình Cáp Quy Nhơn đã góp phần làm phong phú thêm sự hưởng thụ thông tin và văn hóa của nhân dân Bình Định.
Về công tác tôn giáo, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 tôn giáo, với 484 cơ sở thờ tự và 178.923 tín đồ. Trong 15 năm qua, Bình Định đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách đối với các tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác, đấu tranh ngăn chặn kịp thời các phần tử xấu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện ý đồ chính trị. Mỗi dịp lễ, tết hàng năm hoặc nhân các ngày lễ hội của các tôn giáo, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở luôn cử đại diện đến tham dự hoặc tổ chức gặp mặt, tọa đàm, thăm viếng. Chú trọng công tác vận động các tín đồ, đạo hữu sống tốt đời đẹp đạo, tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, tạo ra không khí thân thiện và hòa đồng giữa chính quyền địa phương với đồng bào có đạo.
Hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế của Bình Định ngày càng được mở rộng. Định kỳ hai năm 1 lần, tỉnh tổ chức Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định; thông qua đó các đoàn, các võ đường trong nước và quốc tế đã tham gia thi đấu, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Đặc biệt, cuối năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Bình Định. Ngoài ra, Bình Định còn tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Festival Tây Sơn - Bình Định, Hội nghị khoa học quốc tế tại Trường Đại học Quy Nhơn, tổ chức Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành tại phường Ghềnh Ráng (thành phố Quy Nhơn),… đây là điều kiện để bạn bè trong nước và quốc tế đến với Bình Định, góp phần đưa những nét đặc sắc của văn hóa Bình Định đến với bạn bè thế giới.
Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, Bình Định đã thể chế hóa Nghị quyết thành những chính sách cụ thể, quan tâm đầu tư nhiều hơn về nguồn lực và phương tiện hoạt động cho văn hóa, từ đó số lượng và chất lượng các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, báo chí, phát thanh truyền hình… ngày càng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh.
Với những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh nhà, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ; tạo được sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Võ Xuân Sơn
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định