Chủ Nhật, 6/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 20/3/2011 16:5'(GMT+7)

Bình ổn lòng dân

Tình hình bất ổn chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi, động đất ở Nhật Bản, lạm phát leo thang ở Trung Quốc… là những câu chuyện quốc tế nhưng nó đã, đang và chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp, bất lợi đến nền kinh tế và đời sống xã hội nước ta. Điều này càng gia tăng sức ép đối với Chính phủ trong thực thi trọng trách chèo lái nền kinh tế vượt qua cơn bão lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Chủ trương thì đã rõ, 6 nhóm giải pháp đồng bộ và toàn diện Chính phủ cũng đã đề ra, nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào để có hiệu quả cao nhất trong bối cảnh hiện nay.

Bất lợi từ bên ngoài…

Trước hết phải nói đến tình hình lạm phát đang leo thang ở Trung Quốc mà Chính phủ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này khó có thể kiểm soát theo đúng mục tiêu đã đề ra. Lạm phát ở Trung Quốc tăng cao cũng đồng nghĩa giá đầu vào các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ nước này cũng tăng theo. Lo ngại là ở chỗ kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc, nhất là hàng tiêu dùng vào Việt Nam liên tục tăng cao trong 3 năm gần đây với hàng tỷ USD mỗi năm và hiển nhiên với giá cả như hiện nay là thách thức lớn trong bài toán kiểm soát nhập siêu của Chính phủ.

Tiếp theo là trận động đất kinh hoàng vừa gây thiệt hại nặng nề đối với Nhật Bản khiến nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này phải chi hơn 180 tỷ USD để cứu nền kinh tế và con số này sẽ chưa dừng lại. Vấn đề là Nhật Bản đang là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với kim ngạch khoảng 20 tỷ USD và cũng là quốc gia cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam. Thảm họa xảy ra tại quốc gia này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu và nguồn vốn ODA của Việt Nam.

Câu chuyện về cuộc giải cứu công dân Việt Nam ở Lybia lớn nhất từ trước tới nay của Chính phủ hầu như ai cũng biết. Những bất ổn chính trị ở Lybia nói riêng và ở Trung Đông nói chung theo quy luật sẽ đẩy giá dầu thế giới tiếp tục leo thang và nguy cơ giá mặt hàng này ở trong nước tăng giá là điều không thể tránh khỏi….

Liên tiếp từ đầu năm đến nay, nền kinh tế nước ta phải chịu tác động dồn dập áp lực từ bên ngoài với cường độ ngày càng cao và gay gắt hơn. Bối cảnh này đã, đang và chắc chắn sẽ tác động trực tiếp bất lợi đến nền kinh tế nước ta, nhất là khó khăn nay càng khó khăn hơn trong việc thực hiện mục tiêu cấp bách là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

... Đến thuận lợi và khó khăn bên trong

Sau 20 ngày các bộ, ngành và các địa phương nghiêm túc, khẩn trương quán triệt nội dung và cụ thể hóa kế hoạch hành động gắn với chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ và các giải pháp mà Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 11, có thể thấy rõ nhất những phản ứng tích cực từ thực tế đó là tỷ giá ngoại hối bắt đầu ổn định, bước đầu Nhà nước đã kiểm soát được hoạt động mua bán kinh doanh ngoại hối, kinh doanh vàng trái pháp luật. Lãi suất cũng không còn tùy tiện như trước, riêng lãi suất huy động VND bình quân ở mức 13,04%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu Quý I ước đạt 18,8 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2010 và cao gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội thông qua. Lĩnh vực thu ngân sách cũng đang chuyển biến tích cực với lũy kế đến ngày 15/3 đạt trên 126.000 tỷ đồng, bằng 21,2% dự toán và cao hơn cùng kỳ năm ngoái…

Những tín hiệu khả quan bước đầu này là minh chứng cụ thể về sự kịp thời của các chính sách và giải pháp trúng và đúng trong Nghị quyết 11 của Chính phủ đang nhận được sự đồng thuận của xã hội và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là lạm phát đang tăng cao và có thể lên tới 6% trong Quý I, đà tăng trưởng kinh tế cũng có xu hướng chậm lại trong bối cảnh kinh tế thế giới không thể sáng sủa ngay trong một sớm một chiều.

Một số vấn đề nổi lên từ thực tiễn cuộc sống đòi hỏi cũng phải có định hướng và câu trả lời rõ ràng, đó là một bộ phận người dân băn khoăn quản lý ngoại hối như thế nào để đáp ứng được nhu cầu cần thiết của người dân và doanh nghiệp; tiến tới không kinh doanh vàng miếng có ảnh hưởng ra sao khi vàng vừa là phương tiện cất giữ, vừa sử dụng để thanh toán và làm đồ trang sức; lãi suất vẫn còn cao gây khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ giải quyết như thế nào, chế tài xử lý các hành vi kinh doanh ngoại tệ, buôn bán vàng trái phép vẫn còn nhiều bất cập, thông tin chính sách ở nhiều lĩnh vực vẫn còn mập mờ chưa minh bạch…

Hành động cụ thể, quyết liệt và đồng bộ

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục tập trung quán triệt Nghị quyết 11 của Chính phủ bằng kế hoạch và chương trình hành động cụ thể, thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp đã đề ra. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tăng tổng dư nợ tín dụng, không để “giật cục” và dứt khoát phải giảm cung tiền.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa đối với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan là kiểm soát kinh doanh ngoại hối trái pháp luật, đảm bảo ổn định tỷ giá nhưng phải đáp ứng nhu cầu mua bán ngoại tệ chính đáng của người dân và doanh nghiệp với tỷ giá thỏa đáng. Phân tích rõ 5 nguồn thu ngoại tệ hiện nay là từ xuất khẩu, kiều hối, du lịch, vay vốn bên ngoài và ODA, FDI, Thủ tướng yêu cầu: nghiên cứu ban hành chính sách để người dân và doanh nghiệp không bị thiệt khi bán ngoại tệ; chỉ trong hệ thống của nhà nước mới được thu đổi ngoại tệ nhưng phải đáp ứng nhu cầu ngoại tệ chính đáng của doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thiết yếu, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận ra ngoài theo đúng luật pháp và người dân khi đi du học, công tác và chữa bệnh ở nước ngoài.

Với tình hình hiện nay không có cách nào khác là phải tiết kiệm ngoại tệ nhưng vẫn cần bảo đảm cân đối cho các mặt hàng thiết yếu và siết chặt quản lý kinh doanh vàng theo đúng quy định pháp luật.

Liên quan đến Bộ Công thương, Thủ tướng chỉ đạo phải ưu tiên đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu không quá 16% kim ngạch xuất khẩu, trong đó tập trung kiềm soát nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu như ô tô, xe máy, rượu, thực phẩm… đồng thời xây dựng kế hoạch tiết kiệm điện cụ thể, nhất là cắt giảm điện cho quảng cáo, điện chiếu sáng công cộng và các nhà máy sản xuất tiêu hao nhiều năng lượng.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu tháng 4 tới công bố danh mục công trình, dự án cần ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ trong năm 2011; Bộ Tài chính khẩn trương sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên trong 9 tháng còn lại của năm 2011. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, không để đầu cơ tăng giá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như thuốc chữa bệnh, sữa, xăng dầu, sắt, thép…

Thủ tướng đồng ý đề xuất của Bộ Công an thành lập tổ công tác liên ngành giữa các bộ ngành liên quan để kiểm soát giá cả, thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…

Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đề ra giải pháp đồng bộ và toàn diện nhưng một vấn đề quan trọng là sự đồng thuận trong xã hội. Các thành viên Chính phủ và lãnh đạo chính quyền các địa phương đã và đang đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền công khai, minh bạch và kịp thời từng lĩnh vực được phân công quản lý để người dân hiểu, an tâm và chia sẻ.

Bài học kinh nghiệm cho thấy nếu không nhận được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, sự chia sẻ và chung sức của người dân bằng những việc làm thiết thực thì khó có thể đem lại hiệu quả cao. Đây là đòi hỏi tất yếu để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào. "Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong"  - câu nói và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là kim chỉ nam của đất nước và dân tộc Việt Nam./.

(Thành Chung/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất