Thứ Tư, 9/10/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 21/7/2023 15:15'(GMT+7)

Bình Phước: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền trao tặng bằng khen cho em Lê Hữu Nghĩa đoạt huy chương bạc kỳ thi Olypic Tin học Quốc tế năm 2022 và thầy Đỗ Thái Thanh, Tổ trưởng tổ Tin học, người trực tiếp tuyển chọn và bồi dưỡng em Lê Hữu Nghĩa

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền trao tặng bằng khen cho em Lê Hữu Nghĩa đoạt huy chương bạc kỳ thi Olypic Tin học Quốc tế năm 2022 và thầy Đỗ Thái Thanh, Tổ trưởng tổ Tin học, người trực tiếp tuyển chọn và bồi dưỡng em Lê Hữu Nghĩa

CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN NGHỊ QUYẾT ĐỔI MỚI ĐA DẠNG, HIỆU QUẢ

Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, cửa ngõ, cầu nối của vùng Đông Nam bộ với Tây nguyên và Campuchia; có đường biên giới dài trải đều trên 3 huyện với 15 xã biên giới với 41 dân tộc thiểu số sinh sống đan xen, chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, tập trung ở địa bàn miền núi, vùng sâu, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh. Đó là những yếu tố thuận lợi, nguồn lực tiềm năng và cũng là thách thức để tỉnh Bình Phước nỗ lực đổi mới, phát triển nền giáo dục. 

Để thực hiện thành công Nghị quyết, ngay từ đầu Tỉnh ủy đã xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết đến với tất cả người dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng như: trang thông tin điện tử của Đảng bộ tỉnh, các trang, nhóm, fanpage, pano, áp phích, công tác tuyên truyền miệng. Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đã đăng hơn 1.711 tin, bài (phát trong chương trình phát thanh, truyền hình từ năm 2013 đến nay khoảng 686 tin, bài; trên báo in, báo điện tử khoảng 1.025 tin, bài).

Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh trước thềm các năm học mới về nhiệm vụ trọng tâm của năm học, xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên tham gia mạng lưới công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, các sở, ngành, địa phương đã chú trọng đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền ngắn, gọn, dễ hiểu trên các Fanpage, Trang, nhóm của các đơn vị, địa phương, các trang Facebook của tỉnh và của ngành để đạt được hiệu quả cao, mang lại sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh.

CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG ĐƯỢC NÂNG CAO

Công tác đổi mới nội dung theo Chương trình giáo dục phổ thông cơ bản đạt kết quả, 100% trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, 100% giáo viên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được tham gia bồi dưỡng các module theo đúng lộ trình, đồng bộ đổi mới sách giáo khoa, kế hoạch bài giảng theo Chương trình phổ thông 2018 .. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục gắn với xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được tích cực chỉ đạo; tỉnh đề ra các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 

Ở bậc phổ thông, đã chuyển mạnh từ chú trọng trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, chú ý bồi dưỡng năng lực tư duy độc lập, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, kích thích học sinh yêu thích học bộ môn, tích hợp nội dung giáo dục kĩ năng sống, dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số vào tất cả các môn học thường xuyên có hiệu quả, đồng thời tổ chức dạy học phân hoá theo năng lực của học sinh dựa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018,  nhiều Đề án, mô hình sáng tạo được Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai như “ Đề án xây dựng trường học thông minh”, “Đề án dạy song ngữ Việt - Anh trong các trường học”…

Tỉnh đoàn Bình Phước chúc mừng em Nguyễn Phúc Lâm học sinh trường THPT chuyên Quang Trung đạt huy chương đồng kỳ thi Olympic Quốc tế môn sinh học.

Tỉnh đoàn Bình Phước chúc mừng em Nguyễn Phúc Lâm học sinh trường THPT chuyên Quang Trung đạt huy chương đồng kỳ thi Olympic Quốc tế môn sinh học.

TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC NHÂN CÁCH, ĐẠO ĐỨC LỐI SỐNG, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC KỸ THUẬT, SÁNG TẠO

Bên cạnh việc dạy và học văn hóa, ngành Giáo dục Bình Phước cũng chỉ đạo các trường tăng cường việc giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho học sinh thông qua việc dạy lồng ghép vào các môn văn hóa, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, để tạo ra những thế hệ học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ với nhiều hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và trong trường học đem lại nhiều hiệu quả tích cực, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em và đồng thời ngành giáo dục cũng phối hợp chặt chẽ với nhà trường, địa gia đình trong việc bàn giao, quản lý trẻ em trong dịp hè để bảo đảm an toàn cho trẻ em, giảm thiểu trẻ em bị tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước và hạn chế tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại. 
 
Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Phước được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 và được tổ chức xuyên suốt qua các năm, đã thu hút nhiều sản phẩm sáng tạo dự thi, trở thành phong trào thi đua sáng tạo của thanh thiếu niên nhi đồng trên toàn tỉnh. Nhiều Hội thi cấp cơ sở được tổ chức như: “Hội thi thí nghiệm - thực hành của học sinh”, “Hội thi tự làm và sử dụng thiết bị dạy học của giáo viên”, “Ngày hội công nghệ thông tin”…tổ chức tốt và động viên học sinh tham gia. Năm 2022 cuộc thi có 64 sản phẩm, năm 2023 với 89 sản phẩm vào vòng cấp tỉnh. Các sản phẩm đều được đánh giá là sáng tạo và có đầu tư nhiều vào đa dạng các đề tài khác nhau, đặc biệt là các mô hình về phòng, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường nhằm khơi dậy tiềm năng và tư duy sáng tạo khoa học kỹ thuật trong đội ngũ thanh thiếu niên, nhi đồng; hướng các hoạt động của tuổi trẻ vào các hoạt động hiện hữu, qua đó rèn luyện các kỹ năng sáng tạo xây dựng ước mơ thành nhà sáng chế trong tương lai.

ĐỔI MỚI DẠY HỌC NGOẠI NGỮ, TIN HỌC THEO HƯỚNG CHUẨN HÓA, THIẾT THỰC, ĐẢM BẢO NĂNG LỰC SỬ DỤNG CỦA NGƯỜI HỌC

Sau khi tỉnh xây dựng Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, đến năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 68/166 trường mầm non có 8.342/47.122 trẻ tham gia chương trình làm quen Tiếng Anh. Ở bậc Tiểu học, tỉnh đã triển khai cho học sinh lớp 3 (tại 164/164 trường với 687 lớp, 20.891 học sinh, đạt 100%; chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm từ lớp 4 đến lớp 5 có 44 lớp/1.524 học sinh tham gia, đạt 3,45% so với tổng số học sinh lớp 4 và lớp 5.

Từ học kỳ 2, năm học 2019-2020, tỉnh Bình Phước tổ chức thí điểm dạy học song ngữ Việt - Anh đối với môn Toán và các môn Khoa học bằng tiếng Anh tại 02 trường THPT chuyên Quang Trung, THPT chuyên Bình Long và một số trường trên địa bàn thành phố Đồng Xoài. Kết quả sau hai năm triển khai đã có 2.849 học sinh/73 lớp học/8 trường tham gia, tổng số tiết đã được giảng dạy là 2.234 tiết . Qua chương trình dạy học song ngữ, học sinh bước đầu được làm quen với từ ngữ khoa học của các môn học bằng tiếng Anh, có hứng thú trong học tập, tạo ra môi trường học tập đa dạng và tích cực. 

Giáo dục Bình Phước hiện đã cất cánh vươn xa, trở thành tỉnh top đầu cả nước về chất lượng giáo dục mũi nhọn. Trong ảnh: Các đơn vị thuộc ngành GD&ĐT tỉnh nhận cờ thi đua của UBND tỉnh.

Giáo dục Bình Phước hiện đã cất cánh vươn xa, trở thành tỉnh top đầu cả nước về chất lượng giáo dục mũi nhọn. Trong ảnh: Các đơn vị thuộc ngành GD&ĐT tỉnh nhận cờ thi đua của UBND tỉnh.

CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP


Với 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hiện có, tỉnh đã xây dựng ban hành nhiều chính sách để phát triển nguồn nhân lực, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, việc chú trọng phân luồng học sinh ở các trường THCS, THPT được ngành giáo dục phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện hiệu quả. Kết quả, tính đến quý I năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 64,45%, trong đó lao động có chứng chỉ, bằng cấp đạt khoảng 17%.

Mặt khác, để thu hút, chuyển đổi cơ cấu lao động đủ về số lượng, có chất lượng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS, ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thu hút ít nhất 1 phân hiệu đại học với quy mô đào tạo từ 1.000 sinh viên/năm; 40% lao động được hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn giới thiệu việc làm, phấn đấu thu hút lao động ngoài tỉnh trên 10.000 lao động/năm. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được rà soát, sắp xếp ngày càng tinh gọn, phù hợp với nhu cầu thực tế và từng bước gắn kết với doanh nghiệp. Các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn; góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NGÀNH GIÁO DỤC

Công nghệ thông tin được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động dạy và học; dạy học qua internet, mỗi cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều được bố trí 1 giáo viên, nhân viên chuyên trách kiêm nhiệm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học. Các cơ sở giáo dục cấp tiểu học và THCS đã được bố trí biên chế 284 giáo viên dạy môn Tin học. Các cấp học được trang bị 8.381 máy vi tính và 2.121 máy chiếu, tivi, bảng tương tác thông minh phục vụ dạy môn Tin học, đến nay, trong ngành giáo dục đã đầu tư 5 hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý nhà nước và chuyên môn. Các quy trình giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực giáo dục được chuẩn hóa với 121 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt 100%” và được phát huy hiệu quả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đã có 14.531 học sinh nhận được hỗ trợ trang thiết bị học trực tuyến; 100% trường và học sinh được cấp tài khoản học trực tuyến; sử dụng học liệu dạy học trực tuyến như: oLM, Vioedu, onluyen.vn. Bên cạnh đó đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn tỉnh được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ, về kỹ năng tổ chức và quản lý lớp học trực tuyến, xây dựng học liệu, khai thác các nguồn học liệu, tìm kiếm thông tin trên internet; kỹ năng sử dụng phần mềm trình chiếu, soạn bài giảng e-learning, câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, các kỹ năng về quản lý, triển khai hiệu quả các phần mềm quản trị trong nhà trường. Kết quả này đã tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục trong thời gian tới.

 Có thể nói rằng, qua 10 năm đổi mới Nghị quyết số 29-NQ/TW, giáo dục tỉnh Bình Phước đã có đạt nhiều thành công nhất định. Từ một tỉnh trẻ mới thành lập, Bình Phước đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia qua các năm cụ thể năm 2021 đạt 04 giải nhất, 2022 01 giải nhất, 2023 đạt 02 giải nhất và năm 2022 đạt 03 huy chương Kỳ thi Olympic. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 30 Trung tâm văn hoá học tập cộng đồng thường xuyên tổ chức các lớp học, chuyên đề, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kỹ năng, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, ...dưới nhiều hình thức tạo điều kiện cho người dân học tập;  Chất lượng của đội ngũ giáo viên qua từng năm được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh giỏi và đậu tốt nghiệp THPT, Đại học năm sau luôn cao hơn năm trước; đồng thời nguồn lực tài chính cho giáo dục được quan tâm đầu tư, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Chất lượng giáo dục của tỉnh từng bước được khẳng định, là điểm sáng trong giáo dục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong những năm tiếp theo. 

Trương Thị Ngọc

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất