(TG) - Căn cứ vào kết quả xếp hạng hàng năm theo tiêu chí điểm trung bình tốt nghiệp của các địa phương trong giai đoạn 2017 - 2021, vùng đồng bằng Sông Hồng có 7 địa phương nằm trong tốp 20 địa phương có chất lượng giáo dục phổ thông tốt và ổn định.
Theo đó, tỷ lệ học sinh lên lớp ở cả 3 cấp Tiểu học, THCS, THPT có chiều hướng gia tăng, cao hơn bình quân cả nước và đứng đầu trong sáu vùng kinh tế - xã hội.
Năm học 2020 - 2021, trung bình tỷ lệ học sinh Tiểu học lên lớp của vùng là 99,64% (cao hơn bình quân cả nước 0,43%, đứng đầu trong sáu vùng kinh tế - xã hội). 100% tỉnh, thành phố của Vùng đều có tỷ lệ học sinh Tiểu học lên lớp cao hơn bình quân cả nước. Trong đó, Thái Bình có tỷ lệ học sinh Tiểu học lên lớp đạt 100%.
Tỷ lệ học sinh lên lớp các cấp học theo vùng
(Nguồn: Tổng hợp từ niên giám thống kê và CSDL ngành)
Đối với cấp THCS, tỷ lệ học sinh lên lớp trung bình là 99,36% (cao hơn bình quân cả nước là 1,2%, đứng đầu trong sáu vùng kinh tế - xã hội). 100% tỉnh, thành phố của Vùng đều có tỷ lệ học sinh THCS lên lớp cao hơn bình quân cả nước. Trong đó, Thái Bình có tỷ lệ học sinh THCS lên lớp đạt 99,92%, đứng thứ hai cả nước.
Đối với cấp THPT, tỷ lệ học sinh lên lớp trung bình là 99,22% (cao hơn bình quân cả nước 1,39%, đứng đầu trong sáu vùng kinh tế - xã hội). 100% tỉnh, thành phố của Vùng đều có tỷ lệ học sinh THPT lên lớp cao hơn bình quân cả nước. Trong đó, Bắc Ninh có tỷ lệ học sinh THPT lên lớp đạt 99,78%, đứng thứ hai cả nước.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cấp THPT đạt 98,99% (cao hơn 2,25% so với bình quân cả nước, đứng đầu trong sáu vùng kinh tế - xã hội).
Đồng bằng Sông Hồng cũng là Vùng có tỷ lệ học sinh lưu ban thấp nhất cả nước (lần lượt các cấp Tiểu học, THCS và THPT là 0,42 %, 0,48% và 0,64.
|
|
Tỷ lệ học sinh lưu ban các cấp học theo vùng kinh tế - xã hội |
Tỷ lệ học bỏ học các cấp học theo vùng kinh tế - xã hội |
(Nguồn: Tổng hợp từ niên giám thống kê và CSDL ngành)
Đối với tình trạng học sinh bỏ học, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục, chính vì vậy, trong các năm qua, tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm đáng kể. Tỷ lệ học sinh bỏ học các cấp lần lượt là 0,01% đối với cấp Tiểu học (thấp hơn 0,08% so với bình quân cả nước, thấp nhất cả nước); 0,16% đối với cấp THCS (thấp hơn 0,57% so với bình quân cả nước, thấp nhất cả nước); và 1,49% đối với cấp THPT (cao hơn 0,3% so với bình quân cả nước, là Vùng có tỷ lệ học sinh bỏ học cấp THPT đứng thứ hai trong sáu vùng kinh tế - xã hôi, chỉ sau vùng đồng bằng sông Cửu Long (1,66%) và tương đương với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ).
Năm học 2021 - 2022, tỷ lệ tốt nghiệp cấp THCS đạt 99,41% (cao hơn 1,23% so với bình quân cả nước) và tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT toàn vùng đạt 99,41% (cao hơn bình quân cả nước 0,75%).
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm học 2021 - 2022
(Nguồn: Tổng hợp từ niên giám thống kê và CSDL ngành)
Trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của vùng đồng bằng Sông Hồng là 7,53 điểm (cao hơn 0,33 điểm so với trung bình điểm thi của cả nước). Trong đó, 06/11 địa phương trong Vùng nằm trong Top 10 địa phương điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước năm 2022. Vĩnh Phúc dẫn đầu cả nước về điểm thi trung bình tốt nghiệp THPT với 6,954 điểm (tăng hơn 0,251 điểm so với năm 2021).
Trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022
(Nguồn: Tổng hợp từ niên giám thống kê và CSDL ngành)
Bên cạnh đó, các địa phương, cơ sở giáo dục đã tích cực đổi mới nội dung chương trình, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá môn học, các hoạt động giáo dục theo hướng giảm áp lực cho học sinh, giáo viên; giáo dục hài hòa đức, trí, thể, mỹ cho học sinh; chú trọng vào việc thực hành, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã được trang bị trong quá trình học tập để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống./.
* 7 tỉnh gồm: Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương.
Duy Tuấn