Thứ Bảy, 21/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Hai, 8/8/2016 17:33'(GMT+7)

Bình Phước: Đổi mới công tác tuyên truyền về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016 - 2020

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020”; Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 10/5/2013 của Tỉnh ủy “về việc thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020”; xuất phát từ tình hình hình thực tế của công tác tuyên truyền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước đã xây dựng Kế hoạch đổi mới công tác tuyên truyền về công tác BHXH, BHYT, BHTN giai đoạn 2016-2020, nhằm mục đích đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền bằng việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tập trung tuyên truyền có chiều sâu và đi vào từng nhóm đối tượng cụ thể.

Theo đó, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý nội dung thông tin tuyên truyền với các cơ quan tuyên truyền về công tác BHXH, BHYT, BHTN, với các nội dung trọng tâm sau:

Nội dung tiếp tục tuyên truyền nội dung cơ bản Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 10/5/2013 của Tỉnh ủy Bình Phước về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020”. Làm rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và sự tham gia của công tác tuyên truyền trong việc góp phần xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Tuyên truyền về lợi ích, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN, nêu bật những điểm ưu việt của chính sách an sinh xã hội nói chung và chế độ chính sách bảo hiểm xã hội nói riêng, trong đó chú trọng hướng đến nhóm đối tượng tiềm năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (người lao động tự tạo việc làm, lao động di cư,..).

Cần đi sâu vào những vấn đề cụ thể, thiết thực, hữu ích, tư vấn giúp nhân dân có đầy đủ thông tin về cách thức, quy trình, địa chỉ đăng ký hoặc hỗ trợ nhân dân giải quyết khó khăn khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Phát hiện, giới thiệu mô hình điển hình, kinh nghiệm hay trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp để nêu gương tốt học tập; phê phán những biểu hiện tiêu cực, sai trái, thiếu trách nhiệm.

 Ban Tuyên giáo các cấp ở Bình Phước sẽ tiếp tục phát huy lợi thế của loại hình tuyên truyền miệng, như: nói chuyện chuyên đề, thông tin thời sự, đối thoại chính sách,... nhất là những hình thức đã khẳng định thành công trong thực tế như: đối thoại chính sách, cung cấp thông tin qua tin nhắn điện thoại với công nhân các khu công nghiệp; hệ thống đài truyền thanh cơ sở, tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn; các hình thức văn hóa, văn nghệ, thi tìm hiểu đối với các đối tượng là nông dân, phụ nữ, thanh niên; hội nghị báo cáo viên phổ biến, tập huấn chuyên đề cho cán bộ, đảng viên...
   

Tùy theo đặc điểm về địa lý, hành chính và dân cư, nghề nghiệp của từng nhóm đối tượng dân cư,… ở từng địa bàn trong tỉnh mà sử dụng hiệu quả ưu thế các loại phương tiện thông tin đại chúng, bảo đảm cho người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin.

Phát huy vai trò của báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, trong đó có vai trò quan trọng của bí thư chi bộ ở cơ sở, trưởng thôn, ấp, khu phố, đội ngũ y bác sĩ và người nhà bệnh nhân… trong công tác tuyên truyền.

Kết hợp song song giữa tuyên truyền thường xuyên với tuyên truyền sự kiện, điểm nhấn; giữa tuyên truyền lưu động, phát động phong trào (pano, áp phích, triển lãm...) với tuyên truyền tĩnh, sâu (hội nghị, hội thảo, tập huấn...).

Biên soạn các tài liệu tuyên truyền theo hướng dễ hiểu, thiết thực, gọn nhẹ, phù hợp với từng loại đối tượng. Chú trọng các loại tài liệu như sổ tay bỏ túi, tờ rơi, tờ gấp,...

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện tốt Chương trình phối hợp số 02-CTPH/BTGTU-BHXH ngày 27/6/2016 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Bảo hiểm Xã hội tỉnh “về chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Bảo hiểm Xã hội tỉnh trong tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016-2020”.  Tổ chức tuyên truyền qua hội nghị báo cáo viên (1 lần/quý); qua chuyên mục Tuyên truyền chính sách bảo hiểm trên website và 02 bản thông tin của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; định kỳ hàng tháng định hướng các cơ quan báo chí của tỉnh tuyên truyền. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền.

Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ cung cấp nội dung, thông tin cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan tuyên truyền, làm rõ sự cần thiết, ý nghĩa, quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH, BHYT; những điển hình thực hiện tốt, những đơn vị chưa thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN,…Chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức các hoạt động tuyên truyền, như: Đối thoại, tọa đàm, tập huấn, hội nghị báo cáo viên, hội nghị tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho các nhóm đối tượng như công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, các hội viên của các đoàn thể chính trị - xã hội, người lao động, chủ doanh nghiệp... Phối hợp biên soạn, cung cấp tài liệu. Đề xuất với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy những nội dung định hướng chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin, tuyên truyền các chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp trong công tác định hướng tuyên truyền: Có văn bản yêu cầu các đơn vị chủ quản các bản tin, website của các địa phương, cơ quan, đơn vị mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị xã hội tỉnh: Căn cứ vào nội dung tuyên truyền, chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Bảo hiểm Xã hội tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền, chú trọng đổi mới về hình thức, phương pháp và tổ chức tuyên truyền cho hội viên trong hệ thống của mình (ưu tiên những hội viên ở vùng sâu, vùng xa, người có hoàn cảnh khó khăn, nơi khó tiếp cận với các thông tin tuyên truyền).

Ban Tuyên giáo các huyện, thị, đảng ủy trực thuộc, căn cứ nội dung của kế hoạch này, có kế hoạch đổi mới tuyên truyền trên địa bàn huyện, thị, đơn vị mình một cách thiết thực, hiệu quả. Tổ chức ký kết chương trình phối hợp với Bảo hiểm xã hội huyện, thị. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Bảo hiểm Xã hội tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền khi có yêu cầu.

Các cơ quan báo chí của tỉnh, chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; những cách làm sáng tạo, kinh nghiệm hay trong thực hiện chính sách bảo hiểm. Nghiên cứu cách thể hiện mới, hấp dẫn, thuyết phục để tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong thực hiện các chính sách BHYT, BHXH, BHTN. Chủ động đặt bài, mời cộng tác ghi hình, phỏng vấn các đồng chí trong Ban Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh và huyện, lãnh đạo các huyện, thị để có những bài viết sâu sắc về chủ đề này. Định kỳ báo cáo kết quả công tác tuyên truyền nội dung này về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trước ngày 25 hàng tháng.

Anh Đức
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất