Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới, đa dân tộc, đa tôn giáo; thuộc khu vực Đông Nam Bộ, giáp Tây Nguyên; có chiều dài đường biên giới với Campuchia là 260,4 km; là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất và dân số thấp nhất trong các tỉnh miền Đông Nam bộ, với 6.857,35 km2, 933.013 người, đồng bào dân tộc tộc thiểu số chiếm 20%.
Toàn tỉnh có 111 xã, phường, thị trấn; trong đó, có 92 xã, 14 phường, 5 thị trấn. Hiện nay cán bộ xã, phường, thị trấn là 4.641 người, trong đó cán bộ, công chức là 2.405 người, không chuyên trách là 2.336 người, nam chiếm tỷ lệ 71,15% %, nữ tỷ lệ 30,98%, dân tộc thiểu số tỷ lệ 0,95%, tôn giáo chiếm 2,60%; tuổi đời của cán bộ cấp xã khá trẻ, dưới 35 tuổi chiếm 44,26%; 35 - 50 tuổi chiếm 35,78%, trên 50 tuổi 19,96%. Ngoài ra, còn có 11.453 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố.
Nhìn chung, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cũng như trình độ quản lý hành chính, tin học của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở xã, phường, thị trấn còn thấp, không đồng đều, chưa đạt chuẩn theo yêu cầu, thấp hơn so với mặt bằng chung của cán bộ cấp xã cả nước và khu vực Đông Nam bộ. Chỉ tính riêng trình độ về lý luận chính trị của cán bộ xã, phường, thị trấn thì có đến gần 50% chưa qua đào tạo lý luận chính trị (riêng cán bộ, công chức cấp xã là 46%), trình độ sơ cấp và trung cấp cũng chỉ mới đạt 34,13%; vẫn còn 0,67% cán bộ, công chức cấp xã về trình độ học vấn mới ở bậc tiểu học.
Thực tế nêu trên đã tác động không thuận, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác tuyên giáo ở cấp xã, phường. Trước yêu cầu mới, các cấp ủy đảng đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao để từng bước đổi mới công tác tuyên giáo, góp phần đưa nghị quyết Đảng đi vào cuộc sống, tạo dựng niềm tin trong nhân dân đối với Đảng.
Những năm qua, các cấp ủy Đảng ở Bình Phước từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo đổi mới việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng cho cán bộ cấp xã, nên đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Trong quá trình kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Tỉnh ủy Bình Phước đã xác định: “Trong Đảng bộ tỉnh tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị biểu hiện phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức trong tỉnh là cán bộ, đảng viên ngại học tập nghị quyết của Đảng, tham gia học không đầy đủ, thái độ học tập đối phó, không nghiêm túc”. Công tác học tập nghị quyết của Đảng ở cơ sở xã, phường, thị trấn trong tỉnh nhìn chung chậm đổi mới, chất lượng chưa cao. Hình thức học tập còn đơn điệu, chủ yếu theo một chiều truyền đạt từ báo cáo viên, rất ít trao đổi, gắn với tình hình thực tế của địa phương. Sự kết hợp giữa luận giải của báo cáo viên với tự đọc, nghiên cứu tài liệu của người học còn hạn chế. Nhiều cấp ủy đảng chưa thực sự coi trọng xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết. Nhiều chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng chưa thực sự thấm nhuần trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, thậm chí chưa đến được nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Để nâng cao chất lượng học tập nghị quyết của Đảng đối với cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn ở tỉnh Bình Phước trong giai đoạn hiện nay, cần đổi mới như sau:
Một là, nâng cao nhận thức về việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng đối với cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn
Trước hết, các đồng chí trong ban thường vụ, thường trực cấp ủy, nhất là Bí thư, Phó bí thư phải xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là một trong những hoạt động trọng tâm, cơ bản và có ý nghĩa thiết thực nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Từ nhận thức như vậy, các đồng chí trong cấp ủy phải đầu tư nhiều công sức lãnh đạo, chỉ đạo học tập, triển khai thực hiện, đôn đốc kiểm tra, sơ kết nghị quyết.
Đồng thời phải có các biện pháp nâng cao nhận thức của cán bộ cấp cơ sở xã, phường, thị trấn. Để nâng cao nhận thức của cán bộ xã, phường, thị trấn cần xác định yêu cầu, nhiệm vụ học tập lý luận chính trị đối với mọi đảng viên là vấn đề thuộc nguyên tắc xây dựng Đảng bắt buộc phải thực hiện. Các cấp ủy Đảng ở cơ sở cần đưa quy định về ý thức, tinh thần thái độ nghiên cứu lý luận chính trị, chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành tiêu chí quan trọng trong việc phân loại cán bộ, đảng viên hàng năm.
Hai là, đổi mới quy trình, nội dung, nâng cao chất lượng xây dựng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn học tập, quán triệt Nghị quyết
Để nâng cao chất lượng xây dựng chương trình, kế hoạch của cấp ủy thực hiện nghị quyết, trước hết cần đổi mới cách thức tổ chức. Theo đó, thành lập tổ xây dựng chương trình, kế hoạch của cấp ủy do đồng chí bí thư, hoặc phó bí thư thường trực cấp ủy làm tổ trưởng; các thành viên, ngoài đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn liên quan trực tiếp đến nghị quyết, phải có sự tham gia của ban tuyên giáo, văn phòng cấp ủy, văn phòng UBND, Mặt trận Tổ quốc. Kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết cần được xây dựng một cách cụ thể, thiết thực sát đúng với đặc thù từng xã, phường, thị trấn.
Ba là, đa đạng hóa các hình thức học tập, quán triệt nghị quyết; tăng cường công tác quản lý và kiểm tra việc học tập, quán triệt nghị quyết
Tổ chức học tập thành các lớp: lớp cho cán bộ chủ chốt các xã, phường thị trấn; lớp cho tất cả cán bộ xã, phường, thị trấn và lớp cho đảng viên ở cơ sở. Học tập bằng hình thức trực tuyến sử dụng đường truyền nội bộ; bằng hình thức truyền hình trực tiếp trên sóng Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Phước; bằng hình thức báo cáo viên trình bày nội dung nghị quyết rồi sau đó phát trên sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước (hình thức này không nhất thiết phải tổ chức đồng loạt mà có thể sản xuất ra đĩa cung cấp cho các đảng bộ cơ sở xã, phường, thị trấn để tổ chức học tập tùy theo điều kiện của từng địa phương).
Có thể tổ chức đồng loạt các lớp cho cơ sở song cũng có thể căn cứ vào tình hình cụ thể của từng xã, phường, thị trấn mà tổ chức học tập cho phù hợp; ở nông thôn, miền núi cần chú ý đến yếu tố mùa vụ.
Các cấp ủy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc học tập nghị quyết, việc thực hiện chương trình, kế hoạch của cấp ủy thực hiện nghị quyết phải thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những hạn chế để khắc phục sửa chữa.
Tổ chức lấy ý kiến sau khi học tập nghị quyết. Cần bố trí thời gian thích hợp để cán bộ, đảng viên viết phiếu. Ban quản lý lớp học và chi ủy chi bộ có trách nhiệm tổng hợp kết quả phiếu, báo cáo cấp ủy nơi tổ chức hội nghị.
Bốn là, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; năng lực chuyên môn, kỹ năng truyền đạt, tác phong sư phạm cho đội ngũ báo cáo viên
Báo cáo viên là người phát ngôn truyền tải những nội dung cốt lõi, điểm mới của nghị quyết Đảng, vì vậy đòi hỏi người báo cáo viên phải có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và những yêu cầu về năng lực chuyên môn mang tính đặc thù, nhất là trình độ lý luận chính trị, am hiểu trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, khoa học, lại có những kiến thức bổ trợ như tâm lý học, phương pháp sư phạm và nghiệp vụ tuyên truyền; ngoài ra, còn cần có năng khiếu, sở trường về khả năng tuyên truyền miệng.
Trong quá trình xây dựng đội ngũ báo cáo viên cần coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng. Trong thực tế cho thấy hiện nay danh sách báo cáo viên các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở rất nhiều, đến năm 2013, ở tỉnh Bình Phước báo cáo viên Trung ương công tác tại tỉnh 5 đồng chí, báo cáo viên cấp tỉnh 36 đồng chí, báo cáo viên cấp huyện là 186 đồng chí, báo cáo viên cấp cơ sở là 732 đồng chí; nhưng số lượng báo cáo viên hoạt động thường xuyên, nhất là ở cơ sở rất ít, phần lớn các đợt học tập, quán triệt nghị quyết ở cơ sở xã, phường, thị trấn là mời báo cáo viên cấp trên.
Ban hành chính sách thu hút, đãi ngộ thỏa đáng đối với báo cáo viên có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, gương mẫu, tâm huyết với nghề nghiệp; đồng thời có phương pháp và kỹ năng tuyên truyền miệng giỏi.
Bản thân mỗi báo cáo viên phải tự mình tích cực rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tận tụy tâm huyết với nghề; đồng thời phải tự học tập nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, đặc biệt là phương pháp sư phạm và kỹ năng tuyên truyền miệng.
Năm là, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí cho công tác tổ chức học tập, quán triệt nghị
Các cấp ủy đảng cần quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị phục vụ học tập nghị quyết. Phải có hội trường đầy đủ chỗ ngồi, thoáng mát, tạo không khí thoải mái cho người học; âm thanh phải rõ; đảm bảo đầy đủ tài liệu. Bên cạnh đó, cần bố trí đầy đủ, kịp thời kinh phí cho việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết…
Công tác học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng, nghị quyết dù có hay mấy đi chăng nữa nhưng nó cũng không có ý nghĩa thực tiễn nếu không được các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, quán triệt sâu sắc. Trước yêu cầu của tình hình mới, đòi hỏi ngành Tuyên giáo các cấp phải đẩy mạnh việc đổi mới học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, trong đó quan tâm nhiều đối với cấp cơ sở xã, phường, thị trấn. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI: "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"./.
Phạm Văn Triều
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước