Thứ Bảy, 12/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 24/7/2014 23:26'(GMT+7)

Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên ở quận Phú Nhuận hiện nay

1. Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của Đảng đã chỉ rõ một trong ba vấn đề cấp bách nhất hiện nay là ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Để ngăn chặn được sự suy thoái trên đòi hỏi phải triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần nghị quyết quan trọng này. Trong đó, công tác chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống có vị trí vai trò rất quan trọng.

Trong những năm gần đây, đảng bộ quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh luôn coi  trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đảng bộ coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng và phòng chống sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn quận.

Đặc biệt, trong hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng, công tác giáo dục đạo đức, lối sống của đảng bộ quận đã đạt được một số kết quả bước đầu, tạo đà cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng những năm tiếp theo. Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên được các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể của quận đã được quan tâm đúng mức. Các chi, đảng bộ cơ sở đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị mình, lựa chọn khắc phục những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thống nhất nhiệm vụ, các giải pháp khắc phục; gắn với nhiệm vụ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chuyên đề từng năm, lồng ghép vào các đợt sinh hoạt chính trị, học tập nghị quyết, triển khai các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Đến nay, 100% chi, đảng bộ của quận đã xây dựng chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay; hàng năm, có trên 90% cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch phấn đấu, rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức; cam kết tự giác, gương mẫu thực hiện nội dung nêu gương. 828/828 tổ dân phố đã  tiến hành xây dựng, bổ sung chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào quy ước của tổ dân phố, góp phần quan trọng trong việc chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.  Đa số chương trình, kế hoạch, công trình đăng ký làm theo đều bám sát tình hình, điều kiện thực tế và chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; nhiều cách làm, mô hình hay được tuyên truyền, nhân rộng.

Mặt khác, các cấp uỷ, chính quyền và đoàn thể đã chú trọng cải tiến phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Các lực lượng làm công tác tuyên giáo từ quận đến cơ sở được củng cố và nâng chất hoạt động.

Tuy nhiên, trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống của đảng bộ quận vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, đặt ra không ít vấn đề phải giải quyết, thể hiện ở một số mâu thuẫn cơ bản sau:

Thứ nhất, mâu thuẫn giữa yêu cầu phải nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống với  hạn chế về nhận thức, ý chí, trách nhiệm của bản thân cả chủ thể và khách thể của quá trình này. Thực tiễn tại quận Phú Nhuận - thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong sinh hoạt đảng, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên ở không ít tổ chức đảng chưa thường xuyên; nhiều nơi trong sinh hoạt chi bộ chỉ mới quan tâm việc phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Ðảng, chưa chú trọng giáo dục, bồi dưỡng, kiểm tra việc thực hiện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống của tổ chức đảng có mặt chưa phù hợp, mới chú trọng việc truyền đạt một chiều, chưa hình thành được ý thức tự giác trong việc thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tuy đã đạt một số kết quả nhất định nhưng ở một số nơi, vẫn có những cán bộ, đảng viên không tự giác rèn luyện. Hoặc một số nơi, tinh thần tự phê bình và phê bình còn khá hình thức. Hằng năm, hầu như mọi đảng viên đều được đánh giá đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, trừ trường hợp vi phạm, có khuyết điểm rõ ràng đã bị kỷ luật. Chính sự xuê xoa ấy đã dẫn đến chủ quan trong tự rèn luyện đạo đức, lối sống.

Thứ hai, mâu thuẫn giữa yêu cầu phải nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống với sự yếu kém trong quản lý xã hội, nhất là khả năng ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Cũng như ở nhiều địa phương của cả nước, quận Phú Nhuận cũng đã, đang phải đối mặt với những tác động, hệ luỵ lớn từ mặt trái của cơ chế thị trường. Song, do chưa có nhiều sự trải nghiệm đối phó với nó nên nhìn chung các cấp uỷ đảng còn nhiều lúng túng trong việc chuẩn bị tư tưởng và khả năng tự đề kháng cho cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy nên chưa có những biện pháp khả thi ngăn ngừa, khắc phục một cách hiệu quả sự suy thoái về đạo đức lối sống do tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường.

Thứ ba, mâu thuẫn giữa mục tiêu xây dựng nền tảng đạo đức xã hội với sự yếu kém trong quản lý, phát triển nền kinh tế thị trường. Những biến đổi và biến động trong hệ chuẩn đạo đức đang diễn ra ngày càng phức tạp, đan xen những nhân tố tích cực và tiêu cực, trong đó xu hướng tiêu cực có lúc “trồi” lên mạnh, trở thành nỗi lo chung của toàn xã hội. Sự biến đổi và biến động đó diễn ra trên tất cả các khía cạnh trong đời sống, từ đạo đức đến lối sống, từ lao động, công tác đến giao tiếp và ứng xử xã hội, từ gia đình, nhà trường đến các cơ quan công sở, xí nghiệp,... Đáng lưu ý nhất là đã xuất hiện sự lệch chuẩn về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ của xã hội:

- Từ một xã hội mang tính cộng đồng, đề cao tính cộng đồng, đã xuất hiện lối sống ích kỷ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, coi nhẹ lợi ích cộng đồng.

- Từ một xã hội coi trọng tình nghĩa nhân ái, bao dung, đã xuất hiện lối sống vô cảm, thờ ơ với những khó khăn và khổ đau của người khác.

- Từ một xã hội đề cao các giá trị tinh thần, đã xuất hiện lối sống tôn thờ đồng tiền, chạy theo các giá trị vật chất, bỏ qua phẩm giá và nhân cách con người.

Thực tiễn cuộc sống hiện nay có thể giúp chúng ta nhận diện những lệch chuẩn trên đã, đang và sẽ tác động xấu đến mọi quan hệ xã hội và làm phát sinh các tệ nạn xã hội. Chủ nghĩa thực dụng, tâm lý ích kỷ đang làm suy yếu các quan hệ thiêng liêng trong gia đình. Nó làm rạn vỡ các thuần phong mỹ tục, kỷ cương và gia phong mà dân tộc ta đã xây nên qua nhiều thế hệ. Ngay trong hôn nhân - một bảo đảm chắc chắn cho sự tồn tại và phát triển của gia đình cũng đang bị những tính toán vật chất lấn át. Xu hướng lấy chồng nước ngoài với lý do chính nhằm vào lợi ích vật chất đang gia tăng, khiến nhiều phụ nữ trở nên bất hạnh...

2. Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) mà đảng bộ quận Phú Nhuận - thành phố Hồ Chí Minh đã đề  ra, cần chú trọng thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là,  nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể  trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống. Tạo sự chuyển biến thật sự sâu sắc trong toàn đảng bộ quận, trước hết trong các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về tính nghiêm trọng và nguy cơ của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí đối với sự ổn định, phát triển của đất nước.

Trên cơ sở đó, Đảng bộ quận xây dựng quyết tâm chính trị cao từ quận đến các chi, đảng bộ cơ sở, các ban ngành đoàn thể và từng cơ quan, đơn vị thuộc quận nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn này bằng việc bố trí đúng cán bộ, nhất là người đứng đầu, có đức, có tài, có bản lĩnh, tâm huyết và bằng chương trình hành động cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian, phù hợp với từng ngành, từng cơ quan, đơn vị; nêu cao trách nhiệm của mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện.

Trong chỉ đạo thực hiện (cả trong xử lý sai phạm) cần kiên quyết, ráo riết hơn. Phải chỉ đạo đồng bộ cả chống suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống; cả phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác.

Đề cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết của người đứng đầu của Đảng bộ quận đến cơ sở và thực sự dựa vào nhân dân để ngăn ngừa sự suy thoái trong đảng, đẩy lùi tệ quan liên, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu dân, nhất là sự tha hóa về đạo đức, lối sống.

Hai là, tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị và kỹ năng sư phạm cho đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục đạo đức, lối sống

Để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức lối sống, bản thân đội ngũ làm công tác này phải được được nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao nhận thức và phẩm chất chính trị, đạo đức.  Nêu cao tính chuẩn mực, gương mẫu của đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên thông qua việc nâng cao nhận thức chính trị, trau dồi đạo đức nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức, lối sống.

Mặt khác, cần tăng cường đổi mới cả về nội dung, phương pháp, kỹ năng giảng dạy cho cán bộ, đảng viên..... Đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống là cần thiết. Cán bộ, đảng viên là đối tượng đặc biệt, vì thế cũng phải có phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp. Vì vậy, cần quan tâm tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục đạo đức, lối sống về phương pháp tích hợp, lồng ghép các nội dung giáo dục chính trị tưởng, đạo đức lối sống và kỹ năng sống. Đổi mới quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, lấy tự học là chính. Bản thân của sự giáo dục là sự tự giáo dục. Những gì mà con người đạt được bằng sự tự lực, bằng ý chí, bằng những hoạt động tự giác của mình thì những điều đó sẽ trở nên hết sức bền vững. Điều đó lại càng có ý nghĩa với quá trình tự học, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống. Do đó, muốn học tập đạt hiệu quả cao, ngoài việc nắm vững được những vấn đề lý luận cơ bản, có khả năng vận dụng nó một cách nhuần nhuyễn trong thực tiễn thì cán bộ, đảng viên phải thực hiện chủ yếu bằng con đường tự học. Đối với công tác giáo dục đạo đức, lối sống, đây chính là phương pháp hiệu quả nhất, có khả năng đáp ứng, phù hợp với tất cả các đối tượng học viên ở các trình độ khác nhau, đặc biệt là cán bộ, đảng viên.

Ba là, tạo sự chuyển biến thực sự trong rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng thông qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Để có sự chuyển biến tích cực mang tính lâu dài, bền vững, cần tăng cường và tạo sự thay đổi về chất trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Thời gian qua một số cấp ủy Đảng chưa nhận thức đầy đủ tính chất phức tạp của những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường, của đời sống xã hội cũng như yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của đạo đức cách mạng trong điều kiện mới hiện nay, do đó chưa thường xuyên, tích cực và chủ động tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Vì thế, chưa kịp thời và kiên quyết ngăn chặn có hiệu quả những tiêu cực nảy sinh trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, thậm chí có cả một số cán bộ cao cấp của Đảng, cán bộ công an cũng vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Do vậy, trong thời gian tới, mỗi cấp ủy, mỗi chi bộ cần có kế hoạch định kỳ kiểm điểm việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, chống tư tưởng cơ hội, thực dụng. Mặt khác, cần thường xuyên làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý quá trình rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu của cán bộ, đảng viên, tạo điều kiện cho họ thường xuyên làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, phải xây dựng môi trường sống của cơ quan, đơn vị, trong sạch vững mạnh và làm cho cán bộ, đảng viên có nếp sống lành mạnh, có đạo đức cách mạng trong sáng; cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ, đảng viên nêu gương cho quần chúng, nói và làm đi đôi với nhau. 

Đặc biệt, các cấp uỷ đảng cần coi trọng việc nêu cao tính tích cực tự giác tu dưỡng rèn luyện phấn đấu về mọi mặt của mỗi cán bộ, đảng viên; chú trọng việc nêu gương, động viên các cá nhân, tập thể có tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; có cơ chế tạo mọi điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát hoạt động, công tác của cán bộ, đảng viên. 

Bốn là, nâng cao chất lượng kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng hằng tháng và trong đánh giá, xếp loại đảng viên cuối năm. Để làm được việc đó, các cấp uỷ đảng phải xác định chỉ có kiểm điểm từ phê bình và phê bình một cách thật sự mới có ý nghĩa thiết thực trong giáo dục đạo đức lối sống. Vì vậy, cần có cơ chế, khơi dậy tính tiền phong gương mẫu, sự dũng cảm trong tự phê bình và phê bình của người lãnh đạo đứng đầu cấp uỷ để làm gương cho các cán bộ, đảng viên trong từng chi bộ. Chỉ có vậy mới có thể phát hiện các hành vi tham nhũng, suy thoái đáo đức, lối sống sau kiểm điểm. Đây là cách tốt nhất để làm tốt công tác “xây” và “chống” trong công tác xây dựng và chính đốn Đảng hiện nay.

Năm là, đổi mới cơ chế chính sách, pháp luật trong việc biểu dương, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và  xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.       

Phải có chính sách khen thưởng, biểu dương đúng đắn. Kinh phí khen thưởng và các hình thức khen thưởng, biểu dương phải thiết thực mới có sức thuyết phục đông đảo quần chúng nhân dân. Tăng cường nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lối sống nhất là các gương từ quần chúng nhân dân.

Cần khuyến khích các tài năng trong xã hội, chẳng hạn như những người quản lý kinh doanh có tài, những người lãnh đạo có năng lực. Muốn vậy, phải có chính sách hợp lý tạo động lực cho mỗi cá nhân không ngừng phấn đấu vươn lên bằng cách gắn chặt giữa quyền lợi với  nghĩa vụ, giữa cống hiến và hưởng thụ. Cùng với chính sách đãi ngộ hợp lý, còn phải có chế độ thưởng - phạt nghiêm minh. Thưởng, là để động viên, khuyến khích kịp thời những người có công lao đóng góp cho tập thể, xã hội. Phạt, là để mỗi người phải có tinh thần trách nhiệm đối với công việc của mình. Đối với người cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao thì trách nhiệm của họ càng lớn. Vì vậy, thưởng - phạt không rõ ràng, nghiêm minh thì một mặt không tạo được động lực cho họ hoạt động, mặt khác không phát huy được tinh thần trách nhiệm cá nhân của họ trong công việc.

 Đối với các các hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh từ hành vi nhỏ đến những hành vi nghiêm trọng. Việc xử lý được tiến hành đảm bảo các nguyên tắc về công bằng, công khai, dân chủ, không phân biệt đối tượng hoặc có những chính sách ưu đãi, miễn trừ cho một người hoặc nhóm người, đối tượng ưu tiên,… làm ảnh hưởng kỷ cương phép nước, trật tự xã hội, nhất là trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống. Xử lý kịp thời và nghiêm minh những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, vi phạm pháp luật nhất là tha hóa về đạo đức, lối sống. Cần phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên cơ hội về chính trị, nói và làm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham nhũng, quan liêu sa đoạ về đạo đức, lối sống. Việc xử lý kịp thời và nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức và pháp luật dù ở bất cứ cương vị nào sẽ có tác dụng to lớn đối với việc củng cố lòng tin  trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Thông qua đó, sẽ khơi dậy quần chúng nhân dân tích cực tham gia  đấu tranh bảo vệ cái đúng, cái thiện, cái đẹp, phê phán cái sai, cái ác, cái xấu và góp phần ngăn chặn từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Mặt khác, cũng rất cần có cơ chế bảo vệ những người dũng cảm đấu tranh, phát giác những hành vi tham nhũng./. 

Nguyễn Thị Hồng Thắm

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất