Chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm không còn công
chức, viên chức giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng và có chế độ đãi
ngộ lớn, đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều ý kiến
cho rằng việc bỏ biên chế giáo viên cần thực hiện có lộ trình.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đã tới lúc phải đẩy mạnh
tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh
giá cán bộ, và tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo
viên.
“Mọi thay đổi hay đổi mới của ngành đều phải hướng tới mục đích tốt
hơn hiện tại. Vấn đề sâu xa chúng ta đang giải quyết là thu nhập, môi
trường làm việc, tạo động lực tinh thần cho giáo viên để họ thấy lao
động của mình được coi trọng xứng đáng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn
mạnh.
Để xóa bỏ được quan niệm về biên chế với sự ổn định lâu dài trong đội
ngũ giáo viên không phải việc có thể làm được ngay. Nhưng tạo ra một
lối suy nghĩ khác, coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất, tự
tin vào năng lực làm việc để khẳng định dù không dạy ở trường này có thể
dạy ở trường khác, tạo ra một thị trường lao động thực sự, trong đó
chất lượng là thước đo hàng đầu, năng lực của người giáo viên được thể
hiện qua thu nhập là việc cần phải làm.
Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT
dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng, đây là một chủ trương mới,
hay. Lâu nay ngành giáo dục chưa vận dụng được nhiều mặt tích cực của cơ
chế thị trường nhưng lại bị mặt trái của kinh tế thị trường làm méo mó.
Trong kinh tế thị trường, sức lao động cũng cần phải được đối xử sòng
phẳng mới mong có người tài. Nhiều ngành của chúng ta không tuyển được
người tài mà khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hút hết.
Tại sao chúng ta không vận dụng tích cực của cơ chế thị trường để xây
dựng lại đội ngũ nhà giáo cho có hiệu quả.
Thứ hai, chất lượng của giáo dục có nhiều yếu tố tác động. Trong đó, tác động lớn nhất là đội ngũ nhà giáo.
Thứ ba chúng ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng chỉ là trên
Nghị quyết, còn thực tế, nhiều năm nay không có sinh viên giỏi vào học
ngành sư phạm. Vì đội ngũ không được chọn lọc, không được đãi ngộ một
cách thỏa đáng.
“Đây là công việc tốt, nên làm nhưng không dễ. Theo tôi, đã sử dụng
quy luật kinh tế thị trường trong xây dựng giáo viên thì tất cả đội ngũ
của ngành giáo dục phải được tuyển chọn và chung một quy chế. Bước đầu
tiên phải làm từ cán bộ quản lý là hiệu trưởng, hiệu phó. Cấp phòng, cấp
sở, cấp bộ cũng phải thay đổi theo”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.
Bất cứ một mắt xích nào vẫn còn loanh quanh, luẩn quẩn với bao cấp
thì cuộc cách mạng đội ngũ nhà giáo không bao giờ thành công. Ngành giáo
dục có thể đi trước để thí điểm nhưng thực sự toàn bộ đội ngũ công
chức, viên chức của cả đất nước phải đi theo, không phải biến đội ngũ
của ngành giáo dục thành "chuột bạch", cô độc, nhiều thứ khác không thay
đổi.
Cần phải có lộ trình rõ ràng
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc bỏ công chức, viên chức sẽ
thúc đẩy các thầy, cô giáo nâng cao chất lượng giảng dạy, phát triển
nghề nghiệp. Tuy nhiên, sẽ có nhiều giáo viên chưa sẵn sàng đón nhận chủ
trương trên của Bộ GD&ĐT vì nhiều người đã quen được hưởng lương
“bao cấp”. Do đó, quá trình thực hiện phải có lộ trình, không nên quá
đột ngột.
Khi bỏ công chức, viên chức giáo viên thì phải gắn với chế độ lương
bổng, đãi ngộ xứng đáng đủ để họ có thể nuôi sống bản thân và gia đình.
Trao đổi với phóng viên VOV, GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội
Khuyến học Việt Nam cho rằng, điều mà chúng ta cần chú ý là các giáo
viên dạy ở vùng sâu, vùng xa. Bởi nếu bỏ biên chế, đương nhiên, khó có
giáo viên nào tình nguyện ký hợp đồng ở các điểm trường vùng khó khăn.
Vì thế, giờ muốn thu hút giáo viên theo chế độ hợp đồng lên vùng sâu,
vùng xa thì phải có chế độ đãi ngộ hợp lý và có tính hấp dẫn.
Để chủ trương này có hiệu quả thực sự, PGS. Văn Như Cương kiến nghị:
“Khi triển khai phải có lộ trình rõ ràng và phải đồng bộ. Nếu chuyển
sang chế độ hợp đồng mà chúng ta bảo đảm được cho giáo viên có thể sống
bằng lương của mình thì tôi nghĩ sẽ không đáng lo ngại lắm”.
Liên quan đến chủ trương thí điểm bỏ biên chế giáo viên của Bộ
GD&ĐT đang được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây, bên hành
lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, phải có
lộ trình cũng như sự tham vấn rộng rãi từ dư luận xã hội và các giáo
viên.
Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau cho rằng, bỏ biên chế giáo viên,
nếu làm đúng thì sẽ là bước đột phá trong nhận thức, nhưng nếu triển
khai không tốt sẽ bị lợi dụng, nhất là đối với những người đứng đầu các
cơ sở giáo dục. Họ sẽ lợi dụng chủ trương này để thanh trừng và loại bỏ
giáo viên một cách tùy tiện và tạo ra sự lệ thuộc giữa giáo viên với
người đứng đầu.
Để chủ trương này thực hiện tốt, đại biểu Vân cho rằng, cần có cơ chế
giám sát minh bạch, khách quan. Muốn vậy phải tuyển được người đứng đầu
cơ sở thực sự có lương tâm, trách nhiệm, năng lực./.
Theo chinhphu.vn