Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 10/8/2013 21:29'(GMT+7)

“Bỏ cách làm tiền ấy đi”

                             
                                                                         
Đó là tên một bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết với bút danh Chiến Thắng, đăng trên Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17-10-1945 (1), khi nước nhà mới giành được độc lập, còn chồng chất khó khăn: Nạn đói, nạn dốt, thù trong giặc ngoài đang hoành hành nhằm phá hoại chính quyền cách mạng còn non trẻ của ta. 

Bài báo phê phán một cách “làm tiền” trái với mục tiêu của Đảng, làm ảnh  hưởng đến chính quyền cách mạng.

Nội dung bài báo ngắn gọn, súc tích, phê phán: “Một ông chủ tịch Ủy ban nhân dân xã nọ, sang dự cuộc họp tại một thôn bên cạnh, nhân nói chuyện về những việc cải cách trong làng mình lại khoe rằng thôn ông trong tháng vừa qua đã bán thứ vị như chánh phó lý, khán thủ, v.v.. và đã thu được một món tiền khá lớn!”.

Câu chuyện tưởng chừng như đơn giản, một việc làm của một chính quyền mới được thành lập, đang còn mang nặng lề thói của chế độ phong kiến, thực dân, để có tiền phục vụ các công việc cải cách trong làng, trước những bề bộn khó khăn, thì việc bán thứ vị có gì là lớn, như các ông nói: “Miễn sao có tiền cho dân là được?”

Nhưng với cương vị của một vị Chủ tịch Nhà nước mới, Hồ Chí Minh không coi đó là chuyện nhỏ: Người viết: “Thật là trái ngược! Nói một hội đồng kỳ mục cũ làm tiền cho dân bằng cách bán thứ vị, còn nghe được. Một Ủy ban nhân dân tổ chức theo một tinh thần dân chủ mới, rất cấp tiến lại đi làm tiền theo một phương pháp cũ rích chả có ý nghĩa gì, có ảnh hưởng xấu vô cùng là khác”.
Hồ Chí Minh cho rằng: “Không được! Tiền là mạch máu cho mọi công việc, tiền là cần thật nhưng không phải vì cần tiền mà cứ đi đè đầu bóp cổ hay dùng những thủ đoạn không chính đáng để vơ vét lấy tiền”. Rồi, Người phân tích: “Làm tiền bằng cách bán ngôi thứ tức là gây cho dân chúng có óc hiếu danh, trong khi cần phải trừ tiệt óc đó để gây cho mọi người có óc thiết thực, góp sức vào công cuộc giữ gìn và xây dựng đất nước”.

Phê phán cách làm của ủy ban nọ, Hồ Chí Minh chỉ ra những cách làm ra tiền trong sáng, có lợi cho dân, cho chính quyền, cho cách mạng, đồng thời kiên quyết đả phá cách làm tiền do bán thứ vị: “Trong lúc xung quanh mình, người ta mở ngày Vàng, ngày Văn hóa, diễn kịch để lấy tiền giúp quỹ này, quỹ khác, Ủy ban nọ còn quay lại lối làm tiền cũ rích, bán ngôi thứ, thật đã tỏ rõ một khối óc đặc sệt. Những cuộc “làm tiền” phải đem theo nó một ý nghĩa tuyên truyền nữa mới được. Sao cho người ta nhận thấy rằng đồng tiền của người ta bỏ ra là một viên gạch để góp vào việc xây đắp nền móng quốc gia”.

Với một thái độ không khoan nhượng với thói hư tật xấu, Hồ Chí Minh kịch liệt phê phán và cũng chỉ ra tội lỗi rất nguy hại của cách làm tiền ấy: “Bán ngôi thứ làm cho óc người ta đen tối thêm! Tiền lấy như vậy cũng là một thứ tiền phi nghĩa”. Người cho rằng: “Lòng sốt sắng làm tiền cho dân của ông chủ tịch nọ đáng hoan nghênh thật, nhưng cách làm tiền của ông có hại cho sự tiến hóa của dân, cần phải bỏ ngay đi, cũng như cần phải phủi đi hết những hủ tục khác: làm rượu ăn mừng được bầu vào Ủy ban, dùng chữ nho trong những tờ thông đạt, v.v..”.

Bài báo nhỏ chưa đầy 400 chữ, nhưng đã phản ánh một vấn đề rất lớn, rất hiện thực của xã hội lúc bấy giờ. Và đặc biệt lớn hơn cả, là tính giáo dục của bài báo, của những điều Hồ Chí Minh dạy dỗ, uốn nắn cán bộ cách mạng, đến tận hôm nay, sau gần bảy thập niên vẫn vẹn nguyên giá trị, nóng hổi và cấp thiết.

Đáng tiếc, trong thế hệ cán bộ hiện nay, việc học tập và làm theo Bác còn chưa được bao nhiêu. Có một bộ phận không nhỏ những người có chức có quyền, nhân danh tổ chức Đảng, nhân danh chính quyền Nhà nước vẫn “làm tiền” theo kiểu “cũ rích” - bán thứ vị, với những hành vi tinh xảo mà ít ai “bắt được tận tay, day tận mặt”. Từ nhiều năm nay, việc bán thứ vị đã và đang ngày càng có nguy cơ trở nên phổ biến ở nhiều nơi, nhiều cấp, từ cơ sở đến Trung ương, dưới nhiều hình thức: trực tiếp, gián tiếp qua trung gian, qua vợ con, người thân, với giá “cắt cổ”, do kẻ bán, người mua tự định đoạt, có chỗ được ngã giá, có chỗ trá hình dưới những món quà “hậu tạ” bằng tiền mặt, bằng đô la, bằng vàng, bằng đất đai, nhà cửa, ô tô, xe máy… thậm chí bằng cả “thân xác” phụ nữ. Nếu thứ vị có ít mà người mua nhiều thì mỗi người mua phải tự định giá và tự ngầm “đấu thầu” với nhau.

Điều đáng buồn nữa là, ngay cả trong lúc Đảng ta đang tiến hành rất quyết liệt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thì việc mua bán thứ vị vẫn đội lốt, diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Việc chạy chức, chạy quyền vẫn đang là một vấn nạn lớn tác oai, tác quái trong Đảng và trong xã hội. Có kẻ bán, thì ắt có người mua. Nhưng điều đau xót, tiền thu được không phải đem phục vụ cải cách như ủy ban nọ làm năm 1945 mà tất cả đều vào túi tham của những kẻ bán thứ vị, nói gì đến chuyện: “Đồng tiền của người ta bỏ ra là một viên gạch để góp vào việc xây đắp nền móng quốc gia”!!!
Còn kẻ mua, với “lòng hiếu danh” và “một khối óc đặc sệt” thì ắt sẽ là hệ lụy khôn lường đối với xã hội.

Nếu ai đó có liêm sỉ, chắc họ sẽ biết rõ ý nghĩa của những điều Bác Hồ dạy: “Bán ngôi thứ làm cho óc người ta đen tối thêm! Tiền lấy như vậy cũng là một thứ tiền phi nghĩa”./.

Phương Vinh
----------------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H, 2002, t.4, tr. 54,55.                         
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất