Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của
đội ngũ cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức (CNVC) và người lao động (NLĐ) cả
nước.
Đại hội diễn ra trong bối cảnh nước ta có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đan xen
không ít khó khăn, thách thức; đội ngũ cán bộ, đoàn viên, CNVC và NLĐ trong cả
nước đang cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua quyết tâm thực hiện
thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20, ngày
28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai
cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”; đẩy mạnh thực hiện
Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính
trị, Ban Bí thư, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, góp
phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, tạo nền tảng để đến năm
2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đặc biệt,
những thành tựu quan trọng, toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội,
quốc phòng-an ninh và đối ngoại sau 27 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng
ta khởi xướng và lãnh đạo là điều kiện hết sức thuận lợi để tổ chức công đoàn và
đội ngũ CNVC, NLĐ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng
đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã
hội.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đánh dấu
bước phát triển mạnh mẽ và khá toàn diện của giai cấp công nhân Việt Nam nói
chung, tổ chức công đoàn và đội ngũ CNVC, NLĐ nói riêng trong giai đoạn cách
mạng mới. Không chỉ tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của tổ chức công đoàn,
tình hình cán bộ, đoàn viên, CNVC và NLĐ trong 5 năm qua (2008-2013), đại hội
còn tập trung thảo luận xây dựng nội dung, chương trình thực hiện thắng lợi mục
tiêu: Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo hướng vì
đoàn viên và NLĐ, vì sự phát triển bền vững của đất nước; hướng về cơ sở, thực
hiện tốt chức năng chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp,
chính đáng của đoàn viên và NLĐ; tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà
nước, quản lý kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận
động, giáo dục và tổ chức thi đua yêu nước trong đoàn viên và NLĐ; đẩy mạnh phát
triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng giai cấp công
nhân ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu được đại hội
xác định, yêu cầu đặt ra đối với các tổ chức công đoàn phải chủ động, tích cực
đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả trong từng hoạt động cụ thể. Các
tổ chức công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh, triển khai sâu rộng, thực hiện có hiệu
quả các nội dung phong trào thi đua, cụ thể hóa, phù hợp với đặc điểm, tình hình
của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương; lồng ghép, gắn kết chặt chẽ
với việc triển khai thực hiện các cuộc vận động lớn và triển khai có hiệu quả
Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Phát huy đầy đủ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ
chức công đoàn, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Đẩy mạnh công tác hoạt động xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho
đội ngũ CNVC, NLĐ. Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, bám sát phương châm
hành động “Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, vì sự phát
triển bền vững của đất nước”, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động,
xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở thực sự vững mạnh.
Để khơi dậy và phát huy sự cố gắng, nỗ lực phấn
đấu của tổ chức công đoàn và đội ngũ CNVC, NLĐ, một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt
quan trọng là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền các
cấp. Cần xác định quan tâm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của
CNVC, NLĐ, chăm lo xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh là trách nhiệm chính
trị, là nhiệm vụ quan trọng của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và
các cơ quan chức năng; khắc phục triệt để tư tưởng coi đây là việc riêng của tổ
chức công đoàn; là việc “nội bộ” của người lao động trong từng doanh nghiệp, nhà
máy, xí nghiệp.
Xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và
các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào công nhân và hoạt động
công đoàn, cũng chính là điều kiện để khẳng định rõ vị trí, vai trò của tổ chức
công đoàn trong giai đoạn cách mạng hiện nay.../.
(Theo: QĐND)