Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 4/8/2013 22:0'(GMT+7)

Luật chơi và cách chơi

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Cho phép nhập khẩu loại mặt hàng thực phẩm trong nước không hề thiếu, thậm chí ở nhiều địa phương còn khủng hoảng thừa, sẽ khiến cho ngành chăn nuôi, kinh doanh thực phẩm, mà trực tiếp là người chăn nuôi trong nước vốn đang khó khăn lại càng thêm khó. Việc hàng ngàn hộ dân, cơ sở, trang trại chăn nuôi gà ở miền Đông Nam Bộ bị ế hàng, thua lỗ trước sự tấn công thị trường ồ ạt của thịt gà ngoại nhập và gà thải lậu, đang là một bài học nhãn tiền. Cùng với đó, việc cho phép nhập khẩu nội tạng trắng (gồm lòng,  dạ dày, tràng, ngẩu pín gia súc, gia cầm...) đông lạnh sẽ kéo theo tình trạng nhập lậu mặt hàng này qua đường tiểu ngạch. Tình trạng nội tạng thối, bẩn, bị ướp, tẩy, rửa bằng hóa chất độc hại… theo đó sẽ gia tăng khó kiểm soát, gây nên những hệ lụy khó lường cho sức khỏe người tiêu dùng.

Giải thích việc cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng động vật đông lạnh, Bộ NN&PTNT cho biết, chúng ta phải tôn trọng và nghiêm túc thực hiện “luật chơi” của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), không được phân biệt, đối xử đối với các mặt hàng chung môi trường cạnh tranh thương mại của các đối tác. Chúng ta đã từng cấm nhập mặt hàng này, nhưng đã đến lúc không thể áp đặt ý muốn chủ quan của mình.

Như vậy, việc nhập khẩu mặt hàng gây nhiều tranh cãi này là việc bất khả kháng.

Để giải bài toán nhập khẩu nội tạng trắng động vật đông lạnh, chúng ta phải cùng lúc chuẩn bị thật tốt các điều kiện, yếu tố cần thiết cho “cách chơi” trên thị trường. Trước hết cần phải thiết lập, hoàn thiện, nâng cao năng lực kiểm soát, kiểm định, kiểm dịch của các lực lượng chức năng, hạn chế đến mức thấp nhất sự xâm nhập, trà trộn thực phẩm bẩn, hàng kém chất lượng vào thị trường. Sau khi gia nhập WTO, năng lực này của lực lượng chức năng Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, song vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu.

Phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng nắm rõ “luật chơi” trong WTO, phát huy nội lực, hợp tác nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi, chế biến trong nước. Vấn đề đặc biệt quan trọng là cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để trang bị cho người tiêu dùng những kỹ năng phân biệt hàng bẩn, hàng kém chất lượng để có sự lựa chọn đúng đắn khi mua sản phẩm.

Trong "sân chơi" WTO, chúng ta không thể đơn phương can thiệp vào “luật chơi” mà chỉ có thể tự mình điều chỉnh để thay đổi cách chơi cho phù hợp. Không phải đến khi nhập khẩu nội tạng trắng đông lạnh, mà trước đó chúng ta đã có nhiều bài học ở các mặt hàng khác, cả trong nhập và xuất khẩu.  Sắp tới, chắc chắn còn nhiều mặt hàng khác nữa, mà khi cho phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tương ứng trong nước sẽ bị ảnh hưởng lớn. Chính vì vậy, bên cạnh việc hoàn thiện, vận hành ngày một tốt hơn cơ chế tổng thể để nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại của cả nền kinh tế, cần có những chương trình bài bản, cụ thể cho từng loại, nhóm mặt hàng.

Vận động bằng tuyên truyền, thuyết phục bằng chất lượng sản phẩm chính là cách để người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt, để các mặt hàng của ta không bị thua trên sân nhà trước các đối tác, đối thủ trong môi trường WTO, đồng thời để người tiêu dùng không trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng kém chất lượng./.

Thanh Kim Tùng (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất