(TG) - Bắt đầu từ tháng 7/2022, cứ vào ngày cuối của hàng tháng, Bộ Công Thương duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Đây là một phương thức xúc tiến thương mại hết sức hiệu quả, được các bộ, ngành, các địa phương đều hoan nghênh và đánh giá rất cao. Các hội nghị đều diễn ra theo phương thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và fanpage Facebook của Cục Xúc tiến thương mại, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và cộng đồng doanh nghiệp từ 63 tỉnh, thành trên cả nước quan tâm tham dự.
Nội dung các hội nghị bên cạnh tổng quan chung về bức tranh xuất nhập khẩu với những cập nhật mới nhất còn có các buổi tập trung chuyên đề cho các ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thế mạnh, mũi nhọn như nông- thuỷ hải sản, gỗ, gạo, cơ khí, dược liệu v.v… cũng như tập trung làm rõ các nhu cầu của một số địa phương.
Phương thức xúc tiến thương mại này được lãnh đạo Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm và luôn bố trí một lãnh đạo Bộ trực tiếp chủ trì cùng lãnh đạo các cục, vụ chức năng của Bộ.
Tham gia thảo luận tại các hội nghị, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thông tin cập nhật về tình hình thị trường nước ngoài; một số quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Đại diện các Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trao đổi nhu cầu hỗ trợ xúc tiến xuất nhập khẩu cụ thể về mặt hàng, về thị trường, kiến nghị đối với Bộ Công Thương và đặc biệt các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, hỗ trợ các ngành hàng làm tốt công tác thị trường, thực hiện xuất nhập khẩu hiệu quả, đóng góp vào thành tích chung của ngành Công Thương. Qua đó, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt được tình hình trong nước, nhu cầu hiệp hội, doanh nghiệp trong nước, đồng thời cập nhật những diễn biến mới, yêu cầu của thị trường ngoài nước.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ tháng 9/2023.
Từ những thông tin từ phía Thương vụ, các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước có thể có những định hướng và chuyển hướng cần thiết trong kinh doanh. Về cơ quan quản lý trong nước, đây là cơ hội để lắng nghe ý kiến của các Thương vụ nước ngoài và doanh nghiệp, địa phương, từ đó tham mưu chính sách phù hợp.
Ghi nhận tại các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước và các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trong nước cho thấy nhu cầu thông tin về thị trường, về chính sách, cùng những điều cần lưu ý trong xuất khẩu với doanh nghiệp trong nước là rất lớn.
Các hội nghị giao ban đã góp phần quan trọng cập nhật các thông tin này, nối dài cánh tay kinh doanh và xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam. Thông tin đã thực sự trở thành hàng hoá, nguồn lực giúp doanh nghiệp Việt Nam tự tin hơn khi thâm nhập các thị trường xuất khẩu.
Giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành cùng phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là ngành thủy sản, ưu tiên nguồn lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hồi phục sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp của ngành.
Bộ Công Thương đã và đang phối hợp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế tại các thị trường đã có các Hiệp định thương mại tự do, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu cũng như ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại
Sau các hội nghị với trách nhiệm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương đều tiến hành tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Trên cơ sở đó góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm của thị trường trong nước và phát triển xuất khẩu./.
Thành Lâm - Hà Vân