Hơn 400 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công thương được ban hành
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, kể từ khi Ngày Pháp luật được ghi nhận và công bố lần đầu tiên năm 2013, Bộ Công Thương nói chung và Vụ Pháp chế nói riêng đã nghiêm túc triển khai và tích cực tham gia hưởng ứng. Nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương về vị trí, vai trò quan trọng của Hiến pháp, pháp luật, ý thức thượng tôn pháp luật cũng như năng lực xây dựng, áp dụng và thi hành pháp luật ngày càng được nâng cao.
Hằng năm, Ngày Pháp luật được tổ chức tại Bộ Công Thương với chủ đề và các khẩu hiệu hành động phù hợp, nội dung có trọng tâm, trọng điểm, cùng với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, kiểm tra, theo dõi việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực công thương. Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương đã tập trung vào các hoạt động hoàn thiện thể chế, rà soát, hệ thống hóa, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp.
Trong 10 năm qua, hơn 400 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công thương đã được ban hành, trong đó Vụ Pháp chế đã chủ trì soạn thảo một số văn bản như Luật Quản lý ngoại thương, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Nghị định về kinh doanh khí… qua đó tạo lập hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại.
Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật trong nước, Vụ Pháp chế được Lãnh đạo Bộ giao phụ trách công tác pháp luật quốc tế, bao gồm: chủ trì đàm phán các nội dung về pháp lý – thể chế, giải quyết tranh chấp và rà soát pháp lý các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia bao gồm Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA…; nghiên cứu, đề xuất việc gia nhập Công ước của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và triển khai kế hoạch thực thi Công ước trên thực tế; phối hợp với các đơn vị soạn thảo, đàm phán, đóng góp ý kiến, rà soát, hệ thống hóa các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Cũng theo ông Sơn, suốt 40 năm qua, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự đảng, Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ Công Thương, sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong và ngoài Bộ, sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của lãnh đạo, công chức Vụ Pháp chế qua các thời kỳ, Vụ Pháp chế đã từng bước phát triển và trưởng thành, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ngày càng hiệu quả, chất lượng. Vụ Pháp chế luôn giữ vai trò nòng cốt là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương trong công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), đảm bảo tính thống nhất, khả thi, minh bạch trước khi được ban hành và đi vào thực tiễn cuộc sống.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, năm 2022 là năm thứ 10 cả nước thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội.
Cùng với các cấp, các ngành trong cả nước, những năm qua, Bộ Công Thương và các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với các hoạt động thiết thực, hiệu quả. Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Hiến pháp, pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng kỷ luật, kỷ cương cũng như năng lực xây dựng, áp dụng pháp luật của cán bộ, công chức, người lao động trong Ngành có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật ngành Công Thương, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước của Ngành trong tình hình mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội đất nước và mở rộng hội nhập quốc tế.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng ghi nhận sự đóng góp quan trọng, tích cực của Vụ Pháp chế trong công tác xây dựng, hoàn thiện thế chế, phổ biến, giáo dục và kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực công thương.
Lực lượng nòng cốt tham mưu quản lý pháp luật ngành Công Thương
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế của Bộ đã luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị, đoàn kết, sáng tạo, không ngừng nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; là lực lượng nòng cốt tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành Công Thương.
Vụ đã thực hiện tốt công tác thẩm định, rà soát, hệ thống hoá và hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật và kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật về công nghiệp và thương mại, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế trong Ngành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, bảo đảm thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Ngành.
Đồng thời, cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu vấn đề, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, tác động nhiều mặt đến hoạt động của ngành Công Thương nói chung, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Bộ nói riêng; đặc biệt, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) đã thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.
Xuất phát từ những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục và thực thi pháp luật ngành công thương trong thời gian tới, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo, công chức Vụ Pháp chế và các đơn vị trong Ngành tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng và hoàn thiện thể chế, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới"; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thi hành pháp luật trong Ngành để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ với tinh thần "Thượng tôn pháp luật", hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Hai là, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và của Bộ, bảo đảm đồng bộ, khả thi, ổn định nhằm kịp thời tham mưu thể chế hóa các Luật mới được Quốc hội ban hành để sớm đưa các quy định của Luật vào cuộc sống. Khẩn trương hoàn thành nghiên cứu, xây dựng các luật có liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ngành, góp phần hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Ba là, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác phối hợp giữa Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan (cả trong và ngoài ngành) trong quá trình xây dựng, phổ biến và theo dõi thi hành pháp luật. Chú trọng tổng kết thi hành pháp luật và đánh giá tác động chính sách để đề xuất việc hoàn thiện pháp luật; chủ động tham vấn rộng rãi ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học và các đối tượng chịu sự tác động của chính sách; tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin về các đề xuất chính sách, tạo sự đồng thuận của xã hội trong quá trình xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bốn là, chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên trong học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật theo nguyên tắc “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và ý thức chấp hành, gắn với giáo dục đạo đức liêm chính, trách nhiệm giải trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong thực thi công vụ ở mỗi cơ quan, đơn vị và toàn Ngành.
Năm là, Vụ Pháp chế cần chủ động hơn nữa trong vai trò là đơn vị nòng cốt tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành Công Thương; tăng cường theo dõi, đôn đốc tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị, kịp thời tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện; chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ chỉ đạo thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác pháp chế trong Ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Nguyễn Long