Thứ Bảy, 23/11/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Bảy, 26/11/2022 16:1'(GMT+7)

Tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn

Giải pháp để phát triển các trung tâm logistics đô thị bền vững tại Việt Nam

Giải pháp để phát triển các trung tâm logistics đô thị bền vững tại Việt Nam

Theo Ban tổ chức Hội thảo, tốc độ tăng trưởng vượt bậc của thương mại điện tử trong thời gian qua đã dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam và thế giới, cùng với đó là sự xuất hiện của các hình thức dịch vụ logistics tiên tiến.

Theo tính toán của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), năm 2021, chi phí logistics vẫn chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa Việt Nam, trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%. Chi phí logistics cao không chỉ làm tiêu hao nguồn lực quốc gia, đẩy giá thành sản xuất và giá hàng hóa lên cao mà còn khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh trên thị trường.

Hội thảo chuyên đề “Tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn” là diễn đàn để doanh nghiệp lắng nghe và chia sẻ với những diễn giả đầu ngành, những người làm nghề tâm huyết, cùng đào sâu thực tiễn vào vấn đề tối ưu hóa chi phí logistics đang rất “nảy lửa” hiện nay, từ đó đề ra các giải pháp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics.

Phát biểu đề dẫn của TS. Trần Đình Thiên, đã chỉ ra một số vấn đề gây hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics và giải pháp dưới góc độ vĩ mô. Phần thảo luận với sự tham gia của các diễn giả hàng đầu bàn luận về một nội dung có tính thực tiễn cao, đó là xu hướng phát triển trung tâm logistics và lợi ích của trung tâm logistics đối với việc tối ưu hóa chi phí.

TS. Trần Đình Thiên phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

TS. Trần Đình Thiên phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Bà Fion Ng, Giám đốc Vận hành, Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW đã có bài phát biểu về phát triển trung tâm logistics đô thị bền vững. Qua đó, bà đã phân tích vai trò, đánh giá những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam hiện tại cũng như rút ra những bài học phát triển trung tâm logistics từ các quốc gia phát triển khác để áp dụng trong bối cảnh giai đoạn đầu phát triển các trung tâm logistics đô thị tại Việt Nam.

Theo bà Fion Ng, Logistics đô thị bao gồm tất cả các hoạt động cung cấp và giao hàng trong thành phố bao gồm chuẩn bị, lưu trữ, vận chuyển, phân phối sản phẩm đến các khu vực đô thị, những địa điểm mà về bản chất luôn bị hạn chế về mặt diện tích cho các hoạt động vận hành cụ thể.

Do đó, dưới tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân Thương mại điện tử (TMĐT) được kỳ vọng tại các khu vực đô thị trong nước vào những năm tới, các nhà cung cấp dịch vụ logistics đóng vai trò chính trong việc xây dựng và tối ưu hóa các mô hình logistics đô thị bền vững và lâu dài. Hợp tác chặt chẽ hơn giữa các đơn vị liên quan trong ngành logistics và các cơ quan chức năng là bước cần thiết để nhanh chóng chuyển đổi nhằm mục đích phục vụ người tiêu dùng cuối cùng đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sống.

Bà Fion Ng, Giám đốc Vận hành, Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW với bài phát biểu

Bà Fion Ng, Giám đốc Vận hành, Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW với bài phát biểu

Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW tự hào tiên phong trong việc xây dựng các trung tâm logistics thương mại điện tử mới, điển hình tại KCN Tân Phú Trung từ năm 2020.

Kể từ khi thành lập, BW luôn theo đuổi mục tiêu phát triển sản phẩm dành cho công nghiệp nhẹ và nhà kho hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường xuất phát từ làn sóng chuyển dịch cơ sở sản xuất trên thế giới về Việt Nam, xu hướng gia tăng nhu cầu của thị trường trong nước và sự phát triển vũ bão của thương mại điện tử. Điển hình có các dự án: Tân Phú Trung 1 với 28 nghìn m2 tổng diện tích cho thuê (GLA) là Trung tâm hoàn thiện đơn hàng hiện đại đầu tiên của Shopee tại Việt Nam, đã thực hiện bàn giao vào tháng 4 năm 2020.

Trung tâm logistics TMĐT của BW tại Khu Công Nghiệp Tân Phú Trung

Trung tâm logistics TMĐT của BW tại Khu Công Nghiệp Tân Phú Trung

Ngoài ra, BW luôn đón đầu trong xu hướng xây dựng các trung tâm Logistics phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cao của khách hàng. Điển hình có các dự án mới sắp ra mắt như BW Xuyên Á (kho xây sẵn 2 tầng) và BW Phú Nghĩa (kho xây sẵn 1 tầng).

Đồng thời, giải pháp đa tầng tại các trung tâm logistics đô thị cũng giúp tối đa hóa tổng diện tích sàn xây dựng tại các vị trí trọng điểm trong bối cảnh quỹ đất đô thị khan hiếm. BW đang xây dựng mạng lưới các trung tâm logistics đa tầng kết nối với hạ tầng đường cao tốc trọng điểm trong bán kính 30 km từ TP.HCM.

Logistics đô thị đã và đang chuyển đổi trong bối cảnh TMĐT tăng trưởng. Các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần và giao hàng có liên quan mật thiết đến sự phát triển của các doanh nghiệp trực tuyến. Cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng của TMĐT trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp logistics và giao hàng có tốc độ tăng trưởng vượt bậc lên đến 70% trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Đồng thời, các khoản đầu tư và triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến cũng được tăng cường.

Sự kiện chuyên đề “Tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn” thu hút đông đảo sự quan tâm
Theo bà Fion Ng, sự tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan chính là giải pháp cho các trung tâm logistics đô thị. Những nỗ lực của các bên liên quan trong ngành logistics đô thị đang được thực thi ở các thành phố trọng điểm hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều triển vọng mới, giúp hình thành một chuỗi cung ứng toàn diện từ kho hàng đến tay khách hàng cuối cùng.

Điều quan trọng cần làm là phải thiết lập một mạng lưới phân phối đô thị được tối ưu hóa, để có thể đảm bảo cho sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu tăng cao của những sàn TMĐT. Một khi việc xây dựng các trung tâm logistics đô thị được tối ưu hóa, lượng carbon thải ra có thể thấp hơn nhiều so với tình hình hiện nay. 

Như vậy, để hiện thực hóa những giải pháp được đề xuất trên trong nỗ lực phát triển các trung tâm logistics đô thị bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới, theo bà Fion Ng., chúng ta cần nhìn nhận và học hỏi những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển khác trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu, từ đó làm cơ sở áp dụng cho phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tiễn của Việt Nam. Cụ thể, các công bố về sáng kiến xe điện của các công ty logistics ở Châu Á Thái Bình Dương đã từng bước đem về nhiều kết quả đáng khích lệ trong nỗ lực tiến tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0.

Mặc dù tại Việt Nam, hệ thống sạc xe điện vẫn còn đang gặp nhiều thách thức khi áp dụng một cách đại trà nhưng những thành quả trong việc ứng dụng mô hình này trên thế giới sẽ tạo nền tảng và là động lực để các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam triển khai trong tương lai gần.

Kết thúc phần trình bày của mình, bà Fion Ng. một lần nữa nhấn mạnh để đối phó với tất cả các thách thức trong ngành logistics đô thị, việc tìm ra các phương thức vận chuyển mới sáng tạo và thân thiện với môi trường hơn (năng lượng điện, hybrid, v.v.) là điều cần thiết, nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến tiếng ồn và ô nhiễm không khí. Đây là các vấn đề đã và vẫn đang tồn tại nhức nhối đang tồn tại tại các khu đô thị ở nước ta. Vì vậy, sự nỗ lực chung tay, hợp tác của các bên liên quan và cộng đồng  chính là chìa khóa cho các giải pháp logistics sáng tạo khi tham gia xây dựng các trung tâm logistics đô thị bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thăng Long

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất