Chủ Nhật, 8/9/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Bảy, 26/11/2022 14:11'(GMT+7)

Chương trình bình ổn thị trường góp phần thúc đẩy phát triển, minh bạch, lành mạnh thị trường nội địa

Người tiêu dùng mua sắm thực phẩm bình ổn giá (bình ổn thị trường) tại siêu thị Co.opmart.

Người tiêu dùng mua sắm thực phẩm bình ổn giá (bình ổn thị trường) tại siêu thị Co.opmart.

Sau 20 năm triển khai thực hiện, Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ mục tiêu ban đầu là ổn định giá cả các mặt hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán với chương trình bình ổn giá năm 2002, đến nay, Chương trình bình ổn thị trường đã trở thành công cụ điều tiết giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu thông qua điều tiết cung-cầu hàng hóa, giảm đến mức thấp nhất các biện pháp can thiệp hành chính lên giá bán; phát huy vai trò quyết định của thị trường trong xác định giá hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông.

Nhiều năm nay, chương trình bình ổn thị trường tại Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần thúc đẩy phát triển, minh bạch, lành mạnh thị trường nội địa, trong đó các nhà bán lẻ như Saigon Co.op, MM Mega Market, Satra… đã góp sức không nhỏ cho công cuộc này.

Theo Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình bình ổn thị trường đã huy động tất cả các thành phần kinh tế đồng hành tham gia thực hiện. Trong đó, kinh tế tư nhân và khu vực vốn đầu tư nước ngoài đóng góp ngày càng lớn. Từ hình thức Nhà nước ứng vốn ngân sách cho doanh nghiệp dự trữ hàng hóa đã chuyển sang hình thức xã hội hóa, kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp. Từ dự trữ hàng hóa là giải pháp chủ đạo trong những năm đầu, đã thực hiện bình ổn thị trường trong dài hạn, tập trung thúc đẩy sản xuất trong nước theo hướng hiện đại, năng suất cao; bảo đảm nguồn cung dồi dào, bền vững.

Cùng với đó, phát triển nhanh hệ thống phân phối, nâng cao hiệu quả logistics, giảm chi phí trung gian, giảm chênh lệch giữa giá thành sản xuất và giá bán. Quy mô của Chương trình ngày càng mở rộng, danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn thị trường tăng từ một nhóm mặt hàng (lương thực, thực phẩm) lên 4 nhóm mặt hàng (lương thực, thực phẩm, sữa, dược phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ khai giảng năm học mới). Trong các năm 2021, 2022, Chương trình được bổ sung các nhóm mặt hàng phục vụ người dân phòng, chống dịch COVID-19.

Từ năm 2010 đến nay, Chương trình bình ổn thị trường được triển khai xuyên suốt cả năm; giá bán hàng hóa được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, bảo đảm hợp lý, luôn thấp hơn giá thị trường từ 5% đến 10%, có khả năng dẫn dắt thị trường…

Theo ông Nguyễn Đình Tuệ, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, khi tham gia Chương trình, doanh nghiệp được các cơ quan chức năng công nhận sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, bảo đảm an toàn; được vay vốn ưu đãi để bổ sung năng lực cạnh tranh trên thương trường. Doanh nghiệp còn được kết nối, ưu tiên đưa hàng hóa vào bán trong các kênh phân phối lớn để người tiêu dùng được tiếp cận, mua sắm hàng hóa một cách nhanh nhất.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực-Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Chương trình đã giúp các doanh nghiệp xác lập được sự tín nhiệm của đối tác, người tiêu dùng; nhiều doanh nghiệp gắn bó lâu năm với Chương trình đã lớn mạnh và phát triển về nhiều mặt, có sự tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô, doanh số và khẳng định được thương hiệu. Thông qua việc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các doanh nghiệp được tiếp cận các gói vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư nuôi trồng, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối, dự trữ, cung ứng hàng hóa… Hoạt động kết nối cung-cầu hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh…

Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) Nguyễn Anh Đức cho biết: Trong 16 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, tổng lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op bình quân đạt 10.000 tấn/năm, trong đó, các mặt hàng bình ổn thiết yếu chiếm 70 - 80% tỷ trọng. So với năm đầu tiên tham gia chương trình (2006), đến năm 2021, sản lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op đã tăng gấp 8 lần; tỷ lệ hàng Việt tăng từ 80% lên trên 90% trong cơ cấu hàng hóa, riêng các mặt hàng bình ổn luôn đảm bảo 100% là hàng Việt. Số lượng điểm bán bình ổn cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh thành khác, tăng từ 17 điểm bán (2006) lên hơn 600 điểm bán trên cả nước (riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh là 422 điểm bán).

Đặc biệt, thông qua những chương trình thiết thực như ký kết hợp tác phát triển giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành, các hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa”… Saigon Co.op thường xuyên thực hiện các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển nguồn hàng, đặc biệt là bao tiêu, tiêu thụ nông sản đặc trưng tại các vùng miền, hàng OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm, định hướng đầu ra… Qua đó kích thích phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố cũng như cả nước, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng tích cực hưởng ứng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, hàng năm có trên 1.000 chuyến bán hàng lưu động mang hàng hóa bình ổn đến với người tiêu dùng tại các vùng sâu vùng xa, khu chế xuất, khu công nghiệp, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh,…

Theo ông Nguyễn Anh Đức, trong giai đoạn tới, cần thúc đẩy nhanh việc áp dụng Quy chế triển khai Chương trình nhằm cụ thể hóa hơn nữa cơ chế, chính sách hỗ trợ, phân định trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia cho việc phát triển điểm bán và công tác quy hoạch, xây dựng hệ thống logistics… Cùng với đó, đẩy mạnh kết nối cung-cầu, phát triển chuỗi giá trị hàng hóa, chuỗi cung ứng; tăng cường kiểm soát chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa…
Đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cho rằng, cần mở rộng các khu vực chuyên kinh doanh hàng bình ổn thị trường tại các hệ thống bán lẻ để tăng lượng hàng hóa giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng bình ổn dễ dàng hơn. Các sở, ngành liên quan cần linh động, đơn giản hóa thủ tục trong việc tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải của doanh nghiệp được lưu thông hoạt động trong giờ cao điểm; linh động trong việc xem xét điều chỉnh giá bán trong thời gian sớm nhất dựa trên đề xuất trực tiếp của doanh nghiệp…

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh, Chương trình cần huy động được mọi nguồn lực tham gia, càng nhiều thành phần kinh tế tham gia thì thị trường sẽ được điều tiết hiệu quả và ổn định hơn so với việc thực hiện các giải pháp can thiệp hoặc biện pháp điều tiết tạm thời từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Muốn vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải tạo cơ hội cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia một cách bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tiếp cận vốn ưu đãi, thuận lợi trong cung ứng, phân phối hàng bình ổn cũng như bảo đảm giải quyết kịp thời những khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ triển khai, chuyển tải nhanh nhất các thông tin, thông điệp, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tham gia Chương trình để ngành ngân hàng thành phố phát huy hơn nữa vai trò cung ứng vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Cùng với đó, cập nhật kịp thời các quy định, chính sách ưu đãi của ngành ngân hàng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình để các sở, ban, ngành, tổ chức, cá nhân có thể nắm được quyền lợi, trách nhiệm liên quan trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi cũng như tháo gỡ vướng mắc phát sinh…/.

HOÀNG LIÊM

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất