Bộ Công Thương đang soạn thảo dự thảo Nghị định quản lý hoạt động bán hàng đa
cấp; theo đó quy trình cấp phép sẽ thay đổi và do Bộ Công Thương trực tiếp thực
hiện.
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 30/9 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Nguyễn
Phương Nam Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho hay, hiện
có 61 doanh nghiệp đang kinh doanh mặt hàng đa cấp, tuy nhiên do quy định trước
đây chưa chặt chẽ nên sau khi được cấp phép, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng
đến các thành phố lớn kinh doanh, dẫn đến khó kiểm soát.
Do vậy, Bộ Công
Thương sẽ kiến nghị sửa đổi lại theo hướng thay vì việc giao cho các địa phương
cấp cho doanh nghiệp tại địa phương mình thì thủ tục cấp phép sẽ được tiến hành
tại Bộ Công Thương và đưa việc kinh doanh mặt hàng này vào danh mục cấp phép có
điều kiện.
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, trong những năm gần đây,
hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp không những gây nhiều bức xúc trong dư luận
xã hội mà còn tạo ra nhiều vấn đề cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Trong khi đó, hiện nay chỉ có Nghị định 110/2005/NĐ-CP và Thông tư
19/2005/TT-BTM quy định về quản lý hoạt động này nhưng cả hai văn bản trên đều
đã được thực thi gần 8 năm, bộc lộ nhiều bất cập, không đáp ứng được sự phát
triển nhanh chóng của ngành bán hàng đa cấp.
Chính vì thế, Bộ Công Thương
đã xây dựng dự thảo Nghị định trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp của các quy định
trong Nghị định với quy định của Luật Cạnh tranh và đảm bảo hài hòa quyền, lợi
ích hợp pháp doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp;
hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bán
hàng đa cấp pháp triển đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước quản lý tốt
hơn ngành bán hàng đa cấp.
Ông Nguyễn Phương Nam cho biết, dự thảo Nghị
định mới sẽ xem xét cấm việc kinh doanh đa cấp theo hình "Kim tự tháp", nghĩa là
doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc
hoặc đóng một khoản tiền nhất định để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa
cấp; không được yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa dưới
bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; kinh
doanh theo mô hình "Kim tự tháp"... còn người tham gia cũng không được cung cấp
thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham
gia bán hàng đa cấp…
"Nghị định mới sẽ buộc các doanh nghiệp kinh doanh
mặt hàng này phải ký quỹ 5 tỷ đồng bằng tiền mặt tại một ngân hàng thương mại
nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính thay vì mức 1 tỷ đồng như quy định cũ," ông
Nam nhấn mạnh./.
Đức Duy
(Vietnam+)