Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 28/9/2013 16:18'(GMT+7)

Chiến lược Hợp tác phát triển mới giữa Thuỵ Sĩ với Việt Nam

Lê công bố Chương trình Hợp tác phát triển mới của Thuỵ Sĩ với Việt Nam giai đoạn 2013-2016.

Lê công bố Chương trình Hợp tác phát triển mới của Thuỵ Sĩ với Việt Nam giai đoạn 2013-2016.

Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Hà Nội vừa tổ chức công bố Chương trình Hợp tác phát triển mới với Việt Nam giai đoạn 2013-2016. Theo đó, Thụy Sỹ sẽ tăng viện trợ phát triển cho Việt Nam trong 4 năm tới lên 123 triệu CFH - Frăng Thụy Sỹ (tương đương 130 triệu USD, tăng 50% so với giai đoạn 2009-2012).

Tính đến năm 2012, Thụy Sỹ đã đóng góp khoảng 340 triệu CHF (tương đương 360 triệu USD) cho các chương trình phát triển ở Việt Nam.

Lý do Thụy Sỹ quyết định tăng thêm viện trợ ngân sách cho Việt Nam trong giai đoạn 2013-2016, theo như Ngài Andrej Motyl, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam bày tỏ là bởi vì: “Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, nhiều đối tác quốc tế đã chuyển hợp tác sang quốc gia khác, hoặc cắt giảm viện trợ vì họ cho rằng Việt Nam đã “trưởng thành”. Nhưng Thụy Sỹ lại nghĩ khác. Từ năm 1960 đến nay, trên thế giới mới chỉ có 16 quốc gia (trong đó có Thụy Sỹ) vượt qua được “bẫy thu nhập trung bình” để trở thành nước phát triển. Trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Thụy Sỹ mong muốn và sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh nghiệm và những kỹ năng giúp Việt Nam sớm thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.

Để phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam đến năm 2020, giai đoạn 2013-2016, Thụy Sỹ sẽ giảm dần các chương trình hợp tác về xóa đói, giảm nghèo, đồng thời mở rộng hợp tác phát triển sang kinh tế, tập trung vào 5 lĩnh vực chính, bao gồm: Xây dựng khung chính sách chất lượng phục vụ tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững; nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy các chính sách thân thiện với môi trường; quản trị địa phương và sự tham gia của người dân; nông nghiệp và an ninh lương thực.

Hai cơ quan của Chính phủ Thụy Sỹ là Cơ quan Hợp tác và phát triển Thụy Sỹ (SDC) và Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) đã và sẽ tiếp tục tích cực phối hợp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho Việt Nam. Trong tổng số ngân sách khoảng 123 triệu CHF Thụy Sỹ sẽ viện trợ cho Việt Nam giai đoạn 2013-2016 thì SECO dự kiến cung cấp 100 triệu CHF, SDC cung cấp 23 triệu CHF. Với nguồn tài chính này, SECO và SDC sẽ hợp tác với nhiều cơ quan của Việt Nam gồm các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, các tổ chức ở địa phương, khu vực doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, thân thiện môi trường ở Việt Nam.

Dự kiến, các hoạt động hợp tác trong giai đoạn 2013-2016 sẽ tác động trực tiếp mang tính tích cực đến các lĩnh vực quản lý tài chính công, phát triển ngành tài chính, phát triển thương mại bền vững, sản xuất và tiêu dùng thân thiện với môi trường, vấn đề cạnh tranh, tiếp cận vốn, qui hoạch đô thị lồng ghép, cải cách hành chính, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho người nghèo...

Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam khẳng định: “Thụy Sỹ là một đối tác có tính xây dựng. Việt Nam mới là nước có mức thu nhập trung bình thấp (GDP bình quân đầu người năm 2013 dự kiến khoảng 1.600 USD/người), quá trình phát triển vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực, môi trường... của Việt Nam còn có những bất cập. Việc Thụy Sỹ tăng viện trợ ngân sách cho Việt Nam và mở rộng hợp tác sang hỗ trợ phát triển kinh tế là hết sức có ý nghĩa, cần sử dụng hiệu quả nguồn lực này”./.

Việt Anh

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất