Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 28/9/2013 16:20'(GMT+7)

"Tái cơ cấu nông nghiệp là phải dựa vào người dân”

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tái cơ cấu đã đưa ngành nông nghiệp lên một tầm cao mới, nước ta đã đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực, phát triển theo chiều rộng thông qua tăng vụ, tăng diện tích và sản lượng; tái cơ cấu hiện nay gắn với an ninh lương thực nhưng đã có bệ đỡ để “rảnh tay” tập trung theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng lợi nhuận và phát triển bền vững.

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát tại Hội nghị tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vừa diễn ra ngày hôm qua (27/9) tại Hà Nội.

Phát huy tối đa lợi thế

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp được Chính phủ xem là nhiệm vụ ưu tiên trong đề án tái cơ cấu kinh tế quốc dân và trên thực tế ngành nông nghiệp đang có hai mặt trận chính, đó là mặt trận sản xuất với tái cơ cấu ngành và mặt trận nông thôn với xây dựng nông thôn mới. Đây chính là yêu cầu và là nhiệm vụ quan trọng mang tính cấp thiết, theo đó ngành nông nghiệp cần phát huy tối đa lợi thế của mình.

“Chúng ta đang lãng phí tài nguyên rất nhiều vì xuất khẩu nông sản của ta chủ yếu là xuất khẩu thô như gạo sau xay xát, cà phê nhân và hồ tiêu thô… Sắp tới cần phát triển các dịch vụ chế biến nông sản để nâng cao giá trị sản xuất,” Bộ trưởng nhận định.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi cần đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ để tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt nhằm nâng cao lợi nhuận sản xuất chứ không nhất thiết phải nuôi, trồng thật nhiều, chạy đua về con số.

Lấy ví dụ cụ thể Bộ trưởng nhấn mạnh, đơn cử như đối với ngành trồng lúa, mỗi mùa vụ khi xác định được lợi thế cạnh tranh về một số sản phẩm lúa gạo, chúng ta sẽ chủ trương cho người nông dân trồng chuyên canh phát triển giống đó trên cơ sở phù hợp với điều kiện tại địa phương. Như vậy, khi đưa ra thị trường vừa tạo được sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa tạo được tên tuổi sản phẩm và mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân. Tránh tình trạng thị trường bát nháo các sản phẩm mà đối tượng nhập khẩu không biết đến thương hiệu và mất khả năng cạnh tranh.

Cũng trong buổi Hội nghị, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn-Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn có ý kiến rằng, trên cơ sở phát triển đề án chung và rà soát quy hoạch thì ngành nông nghiệp cần tập trung tổ chức lại sản xuất. Kinh tế nông hộ từng mang lại hiệu quả cho sản xuất song đã đến lúc không thể duy trì và cần thay thế mô hình kinh tế nhỏ lẻ manh mún sang các hình thức hợp tác liên kết bằng việc hình thành các hiệp hội, tổ hợp tác, hợp tác xã và có sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp. 

Theo đó, vai trò của nhà nước là đàm phán những hiệp định quốc tế, làm qui hoạch, tạo hành lang pháp lý, những dịch vụ công như kiểm dịch, tài chính, bảo hiểm, thị trường, khuyến nông, khuyến khích những người trẻ có học thức về nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển tận dụng những lợi thế của mình để xây dựng theo hướng nền nông nghiệp hàng hóa, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn đề xuất.


“Để nông dân có tiền”

Về ý kiến đóng góp của Tiến sỹ Sơn, Bộ Trưởng Cao Đức Phát cũng nêu rõ, bản chất của tái cơ cấu nông nghiệp là tập trung vào những lĩnh vực mang lại cho người dân có nhiều lãi nhất, nghĩa là phải để nông dân có tiền mặt, tuy nhiên không quên các yếu tố an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường…

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, thực hiện tái cơ cấu là nhiệm vụ lớn, vừa là một quá trình, vừa là mục tiêu của ngành và có nhiều khó khăn đòi hỏi cần sự quyết tâm cao mới nhằm đưa nông nghiệp tiến lên một tầm cao mới, góp phần đưa đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thành công của nông nghiệp Việt Nam trong 20 năm qua chính là nhờ sự tập trung phát triển những mũi nhọn trong sản xuất. Tuy nhiên đã đến lúc nghiên cứu phát triển nhằm nâng cao cả về mặt giá trị lợi nhuận cho người nông dân.

Hội nghị đã nhất trí, cơ chế chính sách thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vừa phải theo cơ chế thị trường vừa phải đưa vấn đề trọng tâm đảm bảo cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng; chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng số lượng làm mục tiêu sang phấn đấu nâng cao chất lượng hiệu quả thể hiện bằng giá trị, lợi nhuận.

Kết luận tại Hội nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, tái cơ cấu nông nghiệp phải dựa vào dân và hướng vì lợi ích của người nông dân. Tái cơ cấu nông nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung chỉ thực sự thành công khi có sự tham gia đồng thuận của người dân, từ đó tạo sự gắn kết trong hợp tác kinh doanh và phát triển.

Năm 2012 sản lượng lúa đạt mốc 43,66 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu nông sản chính năm 2012 đạt 14,876 tỷ USD, tăng gấp 8 lần so với năm 2001.

Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu nổi bật trong năm 2012 gồm: Gạo 3,67 tỷ USD; cà phê 3,67  tỷ USD; cao su 2,86 tỷ USD, hạt điều 1,47 tỷ USD; sắn và các sản phẩm từ sắn 1,352 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê của tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO-2011): Sản lượng thịt lợn Việt Nam đứng thứ nhất Đông Nam Á với 42,2%; đứng thứ hai ở Châu Á với 5,1%; đứng thứ 6 trên thế giới với 2,82%. 

Sản lượng thịt vịt đứng hai vùng Đông Nam Á với 22,44% sau Malaysia; sản lượng mật ong tự nhiên đứng thứ nhất vùng Đông Nam Á, đứng thứ 3 Châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Năm 2012, Tổng sản lượng thủy sản đạt 5,8 triệu tấn; trong đó sản lượng khai thác đạt 2,6 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng 3,2 triệu tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,2 tỷ USD.

Thanh Tâm (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất