Thành công trong thu hút đầu tư
Bắc Ninh là một tỉnh có diện tích nhỏ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nơi có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời và sớm hình thành nhiều khu công nghiệp (KCN) tập trung. Ðó là những yếu tố mang tính lịch sử, truyền thống và hiện đại, là điều kiện rất quan trọng để công nghiệp tỉnh Bắc Ninh phát triển nhanh cả bề rộng và chiều sâu. Năm 1997, khi tái lập tỉnh, Bắc Ninh có xuất phát điểm kinh tế thấp với cơ cấu nông nghiệp chiếm 45,1%, dịch vụ 31,1%, công nghiệp-xây dựng 23,8%, thu ngân sách 164 tỷ đồng, GDP đầu người 144 USD/năm; chỉ có bốn doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký 117 triệu USD, kết cấu hạ tầng yếu kém, công nghiệp chỉ có các cơ sở sản xuất nhỏ, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 569 tỷ đồng, nhỏ hơn rất nhiều so với giá trị sản xuất bình quân của các tỉnh, thành phố trong cả nước, tỷ trọng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chỉ chiếm 14,92% GDP của tỉnh.
Nhờ thực hiện đường lối đổi mới và công nghiệp hóa, ngay sau khi tái lập, tỉnh Bắc Ninh đã sớm xác định mục tiêu chiến lược là phấn đấu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Ðể triển khai, tỉnh đã có sự lựa chọn tạo ra bước ngoặt mang tính đột phá, đó là quy hoạch và xây dựng các KCN tập trung; cụm công nghiệp làng nghề, đa nghề. Toàn tỉnh hiện có 15 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Ðến nay, có 9 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích thu hồi đạt hơn 79%.
Các KCN trên địa bàn đã thúc đẩy công nghiệp tăng trưởng cao theo hướng hiện đại. Năm 2012, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 12,3%, đứng thứ hai trong khu vực đồng bằng sông Hồng và đứng vị trí thứ chín cả nước. Trong đó, khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 77,82% cơ cấu GDP. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trong sáu tháng đầu năm 2013 đạt hơn 274 nghìn tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước 11 tỷ USD, đạt gần 78% kế hoạch, tăng 109% so với cùng kỳ, đứng thứ hai toàn quốc. Với nhiều lợi thế so sánh, trong một thời gian dài, Bắc Ninh luôn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến 31-12-2012, đã có 343 dự án (còn hiệu lực) được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 4,8 tỷ USD. Hiện Samsung là tập đoàn có vốn đăng ký đầu tư lớn nhất tỉnh với 2,5 tỷ USD. Ðây là một trong số ít dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam triển khai nhanh, đúng tiến độ, có đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của địa phương và kéo theo được nhiều doanh nghiệp FDI thuộc ngành điện tử, viễn thông.
Công ty Canon sau khi đầu tư vào KCN Thăng Long (Hà Nội) đạt được nhiều thành công cũng đã xây dựng tiếp hai nhà máy sản xuất tại KCN Quế Võ và Tiên Sơn (Bắc Ninh). Ông Cát-su-y-ô-si Sô-ma, Tổng giám đốc Công ty Canon Việt Nam cho biết: Bắc Ninh là tỉnh có nỗ lực rất lớn trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Các cấp, các ngành của tỉnh luôn đồng hành giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là việc thực hiện các thủ tục đầu tư mà doanh nghiệp nước ngoài gặp phải. Ðây cũng là điều khiến Canon chọn Bắc Ninh để tiếp tục mở rộng sản xuất.
Thành công trong thu hút đầu tư có vai trò quan trọng của Sở Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT). Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp về phát triển kinh tế và quản lý nhà nước về đầu tư, Sở KH và ÐT đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 tầm nhìn 2030; thực hiện nhiều chương trình xúc tiến đầu tư có hiệu quả; xây dựng Ðề án thu hút đầu tư đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó hướng đột phá là phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo nên lợi thế so sánh mới.
Ðẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ
Từ năm 2006, Công ty Canon đầu tư xây dựng hai nhà máy ở hai KCN Tiên Sơn và Quế Võ; năm 2009, Tập đoàn Samsung đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại KCN Yên Phong đã tạo ra bước ngoặt lớn không chỉ cho ngành công nghiệp điện tử mà còn cho toàn ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 gấp 30 lần năm 2006; năm 2012 gấp 5,5 lần năm 2010. Sự xuất hiện của các tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng thế giới về lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông đã làm thay đổi và tạo nên đột phá cho công nghiệp tỉnh Bắc Ninh nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng.
Tính đến năm 2012, toàn tỉnh có 126 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong các ngành công nghiệp hỗ trợ, chiếm 10,1% số DN thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo toàn tỉnh, gấp hai lần năm 2010, giải quyết việc làm cho 45,1 nghìn lao động, tăng 28,4 nghìn lao động so với năm 2010; giá trị sản xuất công nghiệp của các DN thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đạt 39.862 tỷ đồng, tăng gấp 6,9 lần năm 2010.
Mặc dù có những bước phát triển đáng ghi nhận nhưng công nghiệp hỗ trợ của Bắc Ninh mới chỉ ở giai đoạn phát triển sơ khai. Hiện nay, trong nước có khoảng 30 ngành kinh tế - kỹ thuật cần đến công nghiệp hỗ trợ thì Bắc Ninh đã xuất hiện hơn 15 ngành, nhưng hầu hết đều phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện ở nước ngoài để sản xuất, như ngành dệt may, điện tử, viễn thông, tin học, đúc phôi thép... Ðây là một trong những nguyên nhân làm giảm tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm mũi nhọn được sản xuất trên địa bàn tỉnh, nhất là nhóm các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại di động, máy in, máy vi tính và thiết bị ngoại vi.
Bên cạnh đó, sản phẩm hỗ trợ của Bắc Ninh nhìn chung còn nghèo nàn về chủng loại, giá thành lại cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu, do chi phí sản xuất cao. Năm 2012, 18 DN sản xuất phôi thép đã sử dụng hết 66,1 triệu kW giờ điện (tương đương 81,8 tỷ đồng); 1.756 tấn than đá (tương đương 6,5 tỷ đồng). Cùng với đó là nhân lực phục vụ công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, nguồn nhân lực giá rẻ không còn là một lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút FDI mà vấn đề cần phải quan tâm là làm thế nào sản xuất được các mặt hàng vừa có chất lượng tốt, vừa có giá thành rẻ mới có thể cạnh tranh được trước các sản phẩm nhập khẩu.
Theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, công nghiệp hỗ trợ được xác định là khâu đột phá để phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam trong quá trình CNH, HÐH. Ðối với Bắc Ninh, mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, viễn thông của cả nước và khu vực thì khâu then chốt là tập trung xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Với mục tiêu đưa Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015, hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao của cả nước, tỉnh Bắc Ninh xác định tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư vào tỉnh theo hướng chọn lọc và quy hoạch tổng thể có tầm nhìn xa. Trong đó, từng ngành, từng lĩnh vực phải rà soát và đề ra mục tiêu phát triển các sản phẩm hỗ trợ của ngành mình theo phương châm "làm đến đâu chắc đến đó".
Ðồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết: Ðể thu hút phát triển công nghiệp hỗ trợ cùng với việc quy hoạch kế hoạch dài hạn, trước mắt cần tập trung đổi mới các chính sách chủ yếu như: Tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất cho các DN sản xuất các sản phẩm hỗ trợ được thuê lâu dài và ổn định theo luật định để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; khuyến khích các ngân hàng thương mại dành sự ưu tiên nhất định về lãi suất và hạn mức tín dụng cho các DN hỗ trợ, nhất là trong trường hợp các DN đầu tư hiện đại hóa máy móc, thiết bị hay sản xuất các sản phẩm thay thế nhập khẩu. Xếp các DN sản xuất các sản phẩm hỗ trợ vào nhóm các DN được ưu đãi về thuế, để các DN này khi thành lập được hưởng thời gian miễn giảm thuế.
Cùng với những chính sách ưu đãi, khuyến khích, tỉnh Bắc Ninh cũng tập trung xúc tiến thu hút đầu tư từ thị trường Nhật Bản, quốc gia có trình độ phát triển công nghiệp hỗ trợ hàng đầu thế giới; thu hút, đào tạo những kỹ sư có đủ trình độ về kỹ thuật thực hành và thực tiễn, trang bị cho họ kiến thức cần thiết về công nghệ hiện đại; dành ngân sách thỏa đáng cử các kỹ sư đi đào tạo ở những quốc gia phát triển mạnh về công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau cũng như giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm hỗ trợ. UBND tỉnh phối hợp các sở, ngành, các cơ quan trung ương thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, xúc tiến đầu tư về phát triển các sản phẩm hỗ trợ của từng ngành, từng lĩnh vực; tổ chức các hội chợ, triển lãm về sản phẩm, thông qua đó làm cầu nối cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước liên kết, hợp tác với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc thành lập liên doanh để cùng nhau sản xuất các sản phẩm hỗ trợ. Ðây là cách thức rất hiệu quả mà các doanh nghiệp trong tỉnh có thể thông qua đó tạo thêm bạn hàng mới, mở rộng thị trường, tiếp cận được các công nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm hỗ trợ của mình. Một trong những giải pháp hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất các sản phẩm hỗ trợ tại Bắc Ninh là hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng. Việc hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đường giao thông KCN, viễn thông, lưới điện sẽ góp phần giảm bớt chi phí cho các nhà đầu tư, giúp cho hàng hóa (linh kiện, vật tư, phụ tùng...) thuận lợi hơn trong việc lưu thông, giảm bớt chi phí vận chuyển...
Đồng thời tỉnh sẽ thành lập hoặc giao một bộ phận chịu trách nhiệm theo dõi việc triển khai kế hoạch phát triển các sản phẩm hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực. Theo định kỳ, bộ phận này sẽ họp với đại diện các ngành để nắm được tình hình thực hiện, qua đó, góp phần giải quyết những vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện; đồng thời, tham mưu, đề xuất các kiến nghị, giải pháp để việc tổ chức thực hiện theo đúng lộ trình mà các quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đã đề ra.
THÁI SƠN VÀ PHƯƠNG BẮC/Nhân Dân