Thứ Năm, 10/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 13/6/2010 19:58'(GMT+7)

Bộ đội Biên phòng Lai Châu giúp dân cai nghiện ma tuý

Cán bộ phòng PCTPMT BĐBP Lai Châu và Quân y đồn BP phát thuốc cai nghiện cho người cai nghiện.

Cán bộ phòng PCTPMT BĐBP Lai Châu và Quân y đồn BP phát thuốc cai nghiện cho người cai nghiện.

Theo Quyết định số 397, UBND tỉnh Lai Châu đã giao cho Bộ đội Biên phòng chủ trì phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức cai nghiện cắt cơn cho người nghiện ma tuý tại các huyện biên giới. Từ đầu năm 2008, Phòng Phòng chóng Tội phạm ma tuý - Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã tăng cường cán bộ có kinh nghiệm xuống cơ sở, phối hợp với các đồn Biên phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các khu dân cư. Đội công tác đến từng nhà có người nghiện ma tuý vận động họ tự nguyện cai nghiện. Mở đầu cho “chiến dịch” là ở những bản đặc biệt “nóng” về số người nghiện ma tuý như: Pa Ủ, Mù Chi, Tân Biên, Thăm Pa của huyện Mường Tè. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có 32 người nghiện ma tuý tự nguyện đăng ký tham gia cai nghiện tập trung tại Đồn Biên phòng.

Bước vào năm 2009, Phòng Phòng chống tội phạm ma tuý mở rộng diện cai nghiện trên phạm vi 11 bản và tổ chức thành 2 đợt tại các xã Sìn Súi Hồ (huyện Phong Thổ) và xã Pa Ủ (huyện Mường Tè). Đợt 1 có 40 người nghiện ma tuý tự nguyện đăng ký tham gia chương trình cai nghiện. Sau đó, tổ chức cai nghiện đợt 2 tại Đồn Biên phòng Dào San, huyện Phong Thổ.

Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã chủ động liên hệ với Sở Y tế và Sở lao động-Thương binh và Xã hội nhận và mua các loại thuốc cai nghiện. Đồng thời, đưa ra phác đồ cai nghiện hợp lý cho người nghiện ma tuý trong thời gian cai nghiện hai tuần. Bên cạnh đó, các đồn biên phòng được chọn làm điểm cai nghiện đã chuẩn bị chu đáo nơi ăn nghỉ, điều trị cho người đến cai nghiện. Các đơn vị còn huy động cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ chăn màn và điều động xe ô tô phục vụ đưa đón người nghiện từ địa phương đến địa điểm cai nghiện ma tuý tập trung tại các Đồn Biên phòng.

Sau 10 ngày điều trị cắt cơn và phục hồi nâng cao thể lực, hầu hết những người tham gia cai nghiện sức khoẻ đều trở lại bình thường. Sau khi kết thúc đợt cai nghiện, cán bộ đưa họ về với gia đình và cộng đồng, giao cho địa phương giám sát chặt chẽ sau cai nghiện. Đến nay, 100% đối tượng được cai nghiện trở về cộng đồng sống có ích và không có hiện tượng tái nghiện.

Anh Vàng Mủ Chờ, bản Tân Biên (huyện Mường Tè), năm 2008, sau khi được Bộ đội Biên phòng xuống tổ chức họp dân tuyên truyền, vận động về chính sách cai nghiện cho những người lầm lỡ, anh đã viết đơn tự nguyện tham gia chương trình cai nghiện. Sau 2 tuần, anh đã cắt được cơn nghiện và trở lại với gia đình. Từ đó đến nay, sức khoẻ anh vàng Mủ Chờ dần phục hồi, tập trung chăm lo cuộc sống gia đình và phát triển chăn nuôi, sản xuất.

Vàng Mủ Chờ là 1 trong số 15 người dân của bản Tân Biên đi cai nghiện năm 2008, đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào trong số này tái nghiện, cuộc sống gia đình họ đang dần ổn định.

Anh Lù Vân Sèo, sinh năm 1971, bản Tri Sáng, xã Sìn Súi Hồ (huyện Phong Thổ), người đã nghiện ma tuý hơn 10 năm, đầu năm 2009, anh đã viết đơn đăng lý cai nghiện tập trung tại Đồn Biên phòng Sìn Hồ. Sau 10 ngày cắt cơn, phục hồi sức khoẻ về với gia đình và được sự giúp đỡ của địa phương, đến nay Lù Vân Sèo đã hoàn toàn đoạn tuyệt được với ma tuý.

Từ những kết quả đạt được qua 2 năm tiến hành cai nghiện cho đồng bào tại cộng đồng, trong thời gian tới, Bộ đội Biên phòng Lai Châu sẽ tiếp tục thường xuyên tiến hành các đợt cai nghiện và mỗi năm sẽ tăng thêm 2 đến 3 đợt cai nghiện tập trung để dần loại bỏ ma tuý ra khỏi cộng đồng dân cư vùng biên giới, giúp đồng bào xoá đói giảm nghèo bền vững./.

V.H
Cục phòng, chống TNXH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất