Chú trọng công tác đào tạo báo cáo viên
Trung tá Lê Công Thành – Trưởng Ban Tuyên huấn (BĐBP tỉnh) mở đầu câu chuyện với chúng tôi về công tác tuyên tuyền bằng một câu nói khá hóm hình nhưng cũng thật đúng: “Tư tưởng không thông, đeo bình tông cũng nặng”, đối với đồng bào các dân tộc vùng biên giới, trình độ dân trí còn hạn chế thì dù làm bất cứ việc gì, muốn nhân dân đồng tình ủng hộ, công tác tuyên truyền vận động phải đi trước một bước”.
Xác định vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tham mưu xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, biện pháp, trách nhiệm của cấp uỷ, chỉ huy đơn vị và cơ quan chính trị trong công tác tuyên truyền, nhằm tạo sự thống nhất cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân biên giới về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới.
Trong đó, Đảng ủy Biên phòng tỉnh đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên. Kết hợp hài hòa giữa đội ngũ báo cáo viên lâu năm, có kinh nghiệm với đội ngũ cán bộ trẻ, kế cận, nhằm từng bước nâng cao trình độ, kỹ năng tuyên truyền chođội ngũ báo cáo viên...
Đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh có 13 báo cáo viên cấp Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, 28 báo cáo viên cơ sở (cấp Đồn). Đội ngũ báo cáo viên không quản ngại khó khăn, thường xuyên bám sát cơ sở, cùng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trong khu vực biên giới chấp hành, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, Hiệp định quy chế khu vực biên giới… Làm rõ âm mưu “Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch; xây dựng địa phương vững mạnh toàn diện.
Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền
Để công tác tuyên truyền đem lại hiệu quả thiết thực, ngoài “3 cùng” với nhân dân, các đồn đã đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các buổi họp dân bản, sinh hoạt chi bộ. Đối với các xã có đồng bào di cư tự do, theo đạo trái pháp luật thì tuyên truyền cá biệt từng thành viên, hộ gia đình. Đối với các xã kinh tế còn chậm phát triển thì tuyên truyền tập trung thông qua hệ thống loa phát thanh.
Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng (Phong Thổ)
cùng lực lượng dân quân xã tuần tra bảo vệ đường biên giới.
Được đánh giá là đơn vị có thành tích tốt trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, Thiếu tá Lầu A Vàng - Chính trị viên Đồn Biên phòng Dào San (huyện Phong Thổ) cho biết, những năm trước đây, địa bàn dân cư khu vực Đồn đóng quân luôn được đánh giá là địa bàn phức tạp về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các đối tượng xấu vẫn lén lút tuyên truyền, nhằm gây mất ổn định về an ninh trật tự. Đồn Biên phòng Dào San đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; thành lập thêm các tổ công tác địa bàn, huy động tối đa cán bộ trực tiếp xuống cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con tại các thôn, bản, nhất là các điểm bản phức tạp.
Cùng với đó, phát huy vai trò của Đài Truyền thanh Dào San trong định hướng nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó hàng năm quần chúng nhân dân đã cung cấp cho Đồn hàng trăm nguồn tin có giá trị, góp phần giữ vững ổn định biên giới quốc gia.
Cán Cbộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Pa Vệ Sủ (Mường Tè)
giúp nhân dân bản Phí Chi A, xã Pa Vệ Sủ di chuyển nhà ra khỏi vùng sạt lở.
Trong câu chuyện với Thiếu tá Lầu A Vàng, chúng tôi được biết, đầu năm 2008, Đảng ủy Đồn Biên phòng 281 đã phối hợp với UBND xã Dào San xây dựng Đài truyền thanh Dào San. Nội dung phát của Đài gồm các chuyên mục, người tốt, việc tốt; một số chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn chấp hành Luật ATGT. Đài được phát vào sáng chủ nhật hằng tuần trùng với ngày diễn ra chợ phiên, lại được biên dịch ra nhiều thứ tiếng nên số lượng người nghe rất đông....
Không dừng lại ở những chuyên mục cố định, các anh còn thường xuyên làm mới chương trình phát thanh bằng cách sưu tầm các tài liệu viết về phương pháp làm VAC, cách trồng cây thảo quả dưới tán rừng; tác hại của việc di cư tự do, nghe theo luận điệu của kẻ xấu, thả rông gia súc; xóa bỏ các hủ tục trong đám ma và đám cưới. Nhiều hộ gia đình ở các bản” Ma Can, Bản Hợp 1-2, Dền Thàng A-B trong cụm sau khi nghe hướng dẫn trên đài về phương pháp trồng cây thảo quả, chăn nuôi lợn, gà, đã tích cực làm theo và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Góp phần giữ vững vùng biên cương Tổ quốc
Trong 5 năm qua, đội ngũ báo cáo viên các cấp trong lực lượng BĐBP tỉnh đã tuyên truyền được 758 buổi cho 13.892 lượt cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc trên biên giới về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những thông tin quan trọng có liên quan đến hoạt động của BĐBP, các chính sách xã hội cho đồng bào vùng sâu, vùng xa biên giới... Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của CBCS và nhân dân các dân tộc trên biên giới đã được nâng lên một bước. Nhân dân yên tâm phấn khởi, gắn bó với bản làng, tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, cùng với BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.
Trung tá Lê Công Thành – Trưởng Ban Tuyên huấn (BĐBP tỉnh) cho biết: “Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15-10-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “Về tiếp tục đổi mới và nâmg cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”lực lượng BĐBP tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trong khu vực biên giới chấp hành, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Đặc biệt vận động nhân dân tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo,thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Qua đó, không ngừng củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân với Đảng, giữ vững và xây dựng vùng biên giới ngày càng ổn định và phát triển”.
Nguồn: Báo Lai Châu