Sáng nay (30/12), Bộ GD&ĐT đã công bố trước báo chí kết quả thanh tra 24 trường ĐH, CĐ trong quý 4 năm 2011. Theo đó, quyết định đình chỉ tuyển sinh với 3 trường và đình chỉ tuyển sinh 12 ngành thuộc 4 trường.
3 trường bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 là Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Đông Đô và Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM. Lý do đình chỉ tuyển sinh 3 trường này là tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu quá cao và chưa có đất (với 2 trường Văn Hiến, Đông Đô), diện tích đất quá nhỏ (với CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM).
Đến năm 2013, 3 trường trên không khắc phục được các điều kiện đảm bảo chất lượng sẽ xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục.
4 trường bị đình chỉ tuyển sinh 1 số ngành đào tạo trong năm 2012 là Trường ĐH Chu Văn An (đình chỉ tuyển sinh 4 ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình, Tiếng Anh, Tiếng Trung, Việt Nam học); Trường ĐH Lương Thế Vinh (đình chỉ tuyển sinh 4 ngành: Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, Công nghệ thực phẩm; Bảo vệ thực vật; Khoa học thư viện) ; Trường ĐH Nguyễn Trãi (đình chỉ tuyển sinh 2 ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình, Kinh tế); Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng (đình chỉ tuyển sinh 2 ngành: Kế toán, Quản trị kinh doanh).
Lý do bị đình chỉ là do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ. Riêng với ĐH Kiến trúc Đà Nẵng còn có thêm lý do tỷ lệ sinh viên trên giảng viên quá cao.
Đến năm 2013, nếu các ngành trên vẫn không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến đình chỉ tuyển sinh thì sẽ bị xem xét thu hồi quyết định mở ngành đào tạo các ngành này.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng ban hành văn bản cảnh báo 3 trường chưa có đất là Trường ĐH Văn Hiến; ĐH Đông Đô và ĐH Nguyễn Trãi và ghi rõ, sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể nhà trường nếu đến năm 2013, các trường này vẫn chưa có đất xây dựng trường.
Đồng thời, ban hành văn bản cảnh báo các trường chưa xây dựng được cơ sở vật chất, gồm các trường ĐH: Hòa Bình, Chu Văn An, Kinh tế tài chính TPHCM; Quốc tế Sài Gòn. Đến năm 2013, nếu các trường này vẫn chưa xây dựng được trường theo cam kết sẽ đình chỉ hoạt động giáo dục và xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường.
Thông báo kết qủa kiểm tra tình hình thực hiện một số tiêu chí cơ bản của 24 trường, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, hầu hết các trường chưa thực hiện được cam kết. Các chỉ tiêu theo văn bản cam kết khi thành lập trường hầu hết đều cao, nhiều chỉ tiêu quá cao, khó thực hiện. Có trường chưa định hình được định hướng phát triển như trường ĐH Hà Hoa Tiên.
Tại thời điểm kiểm tra, số lượng giảng viên cơ hữu ở nhiều trường không đảm bảo. Trong số 24 trường đã kiểm tra, có 10 trường có dưới 100 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn, đặc biệt, 3 trường có số giảng viên cơ hữu chưa đến 60 người. Tỷ lệ sinh viên trên giảng viên của nhiều trường còn cao. Có 6 trường có trên 50 sinh viên trên giảng viên (CĐ CNTT TPHCM, Đông Đô, Tài chính Maketting, Văn Hiến, Công nghiệp Hà Nội, Kiến trúc Đà Nẵng); 2 trường có trên 80 sinh viên/giảng viên như ĐH Văn Hiến, (CĐ CNTT TPHCM.
Một số trường công lập tuyển sinh vượt quá quy mô cam kết như ĐH Kinh tế - Quản trị kinh doanh – ĐH Thái Nguyên vượt quá 126% cam kết. Có trường vừa tuyển sinh ĐH, vừa tuyển sinh CĐ, TCCN, dạy nghề như ĐH Công nghiệp Hà Nội, trong khi đó, một số trường tư thục có xu hướng tuyển sinh ngày càng ít đi.
Cũng theo ông Nguyễn Huy Bằng, qua kiểm tra có 41 ngành không có tiến sỹ, 12 ngành không có tiến sỹ và thạc sỹ, thậm chí có ngành chưa có giảng viên cơ hưu. Nhiều giảng viên chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Một số trường chưa xây dựng được cơ sở vật chất độc lập: 3 trường chưa có đất (ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô, ĐH Nguyễn Trãi); 3 trường có diện tích đất dưới 1 ha (CĐ CNTT TPHCM, ĐH Bà Rĩa – Vũng Tàu; ĐH Kiến trúc Đà Nẵng). Trường ĐH Hòa Bình đã có đất song khả năng xây dựng được cơ sở vật chất trong vài năm tới rất khó khả thi.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Bằng cũng cho biết, qua đợt thanh tra đã ghi nhận cố gắng của hầu hết các trường trong việc xin đất, xây dựng cơ sở vật chất, huy động kinh phí, xây dựng lực lượng để triển khai mở ngành đào tạo sau khi được thành lập hoặc nâng cấp. Các ngành đào tạo đều có giấy phép của Bộ GD&ĐT. Các trường công lập duy trì và phát triển mạnh quy mô. Có trường đã định hình một mô hình chất lượng cao với quy mô nhỏ song điều kiện tài chính, đội ngũ tốt như ĐH Quốc tế Sài Gòn. Có trường trang bị được nhiều trang thiết bị hiện đại như ĐH Công nghiệp Hà Nội và ĐH Công nghiệp TPHCM. 13 trường đã có trên 5ha đất trong đó có 6 trường có trên 20ha đất; 6 trường có trên 200 giảng viên cơ hữu, đặc biệt, ĐH công nghiệp TPHCM có 1992 giảng viên cơ hữu. 7 trường có dưới 25 sinh viên/giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn.
Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để thông báo chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với điều kiện thực tế của các trường, đặc biệt là điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hưu và cơ sở vật chất; nghiên cứu tiếp thu kiến nghị của các trường, rà soát các văn bản pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn; kiến nghị các bộ, ngành, địa phương quản lý các trường quan tâm tạo điều kiện cho các trường phát triển và tiếp tục kiểm tra các trường thành lập từ 1998 đến nay trong năm 2012.
Theo Báo GD&TĐ