Phương án 1 là giữ nguyên như năm 2017 với ba bài thi thành phần riêng biệt. Kết thúc bài thi này thí sinh tiếp tục làm bài thi sau. Bài sẽ có điểm thành phần từng môn và điểm tổng toàn bài. Các trường tiếp tục xét tuyển như năm 2017.
Phương án 2 là chuyển hướng môn tổ hợp sang tích hợp đánh giá năng lực. Theo đó, thay vì tách riêng ba bài thi thành phần như năm 2017, bài thi sẽ trộn lẫn kiến thức các môn thành một đề hoàn chỉnh. Điểm thi được thống nhất toàn bài thi, không chia thành điểm thành phần.
Với phương án này, các trường khi xét tuyển sẽ phải thay đổi tổ hợp môn. Trường có thể chọn hai hoặc ba bài thi trong số bài thi của Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, trong đó bắt buộc phải có một bài thi Toán hoặc Ngữ văn. Các trường cũng có thể chọn một bài thi Văn hoặc Toán và một hoặc hai đầu điểm thi năng khiếu (điểm đánh giá năng lực) do trường tổ chức, hoặc điểm khác do trường lựa chọn, quy định trong đề án tuyển sinh.
Theo Bộ GD&ĐT, việc đưa ra phương án mới đối với bài thi tổ hợp sẽ giúp việc tổ chức thi và chấm thi đơn giản, dần phát triển thành bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh.
Ngoài dự kiến thay đổi về đề thi tổ hợp, Kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ được Bộ giữ nguyên như 2017. Tức là thí sinh sẽ vẫn thi ba bài thi bắt buộc gồm Toán, Văn, Anh và hai bài thi tự chọn là Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Trong đó Khoa học Tự nhiên bao gồm Lý-Hóa-Sinh. Khoa học Xã hội gồm Sử-Địa-Giáo dục công dân với khối THPT và Sử-Địa với khối Giáo dục thường xuyên. Trừ môn Văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm khách quan.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT có thể dự thi các bài thi độc lập hoặc tự chọn để lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng như đối với Kỳ thi THPT quốc gia 2017./.
Theo chinhphu.vn