Chủ Nhật, 5/5/2024
Ủy ban an toàn giao thông
Thứ Năm, 24/12/2020 15:5'(GMT+7)

Bộ Giao thông Vận tải tổng kết công tác năm 2020

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ GTVT.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ GTVT.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: Năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT đã bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, quyết liệt cải cách, đổi mới, triển khai đồng bộ các giải pháp, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, lĩnh vực công tác của ngành, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và xã hội, góp phần cùng Chính phủ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Trong đó, ngành giao thông đã có nhiều thành tựu nổi bật được xã hội và người dân ghi nhận.

Cụ thể, chất lượng, tính ổn định của các văn bản quy phạm pháp luật, đề án của Bộ GTVT trong giai đoạn này ngày càng được cải thiện; tai nạn giao thông giảm liên tiếp trong 5 năm liền trên cả 3 tiêu chí so với giai đoạn 2011-2016, công tác kiểm soát khí thải phương tiện đang lưu hành đã đồng bộ trên toàn quốc, công tác tổ chức sắp xếp, kiện toàn bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả; công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được đẩy mạnh, Bộ GTVT được đánh giá là một trong những bộ, ngành đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.

Về vận tải, trong 5 năm vừa qua, chất lượng dịch vụ vận tải có sự cải thiện vượt bậc, xuất hiện nhiều phương tiện hiện đại, chất lượng cao, nhất là vận tải hàng không, tăng gấp 5 lần năm 2011, cao nhất trong tất cả các lĩnh vực. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID–19, sản lượng vận tải giảm sâu so với cùng kỳ các năm trước, nhất là lĩnh vực hàng không. Tính đến hết tháng 11/2020, sản lượng vận tải ước đạt 1.606,312 triệu tấn hàng, giảm 6,2%; vận tải hành khách đạt 3.215,868 triệu lượt, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Về hệ thống kết cấu hạ tầng, thời gian qua, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng. Trong năm 2020, Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 19 công trình dự án mới. Kết cấu hạ tầng đường bộ có nhiều đột phá so với các lĩnh vực khác, đảm nhận vai trò chủ yếu trong kết nối vùng miền và quốc tế, Bộ GTVT đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 2011-2020 khoảng 1.074 km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163 km. Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598 km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỉ lệ mặt đường bê tông nhựa được nâng lên 64%.  

Đặc biệt, đường bộ cao tốc ở khu vực phía bắc đã hoàn thành các tuyến hướng tâm tới Thủ đô Hà Nội; tuyến đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn. Khu vực phía nam đã hoàn thành 2 tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây nối Đông Nam Bộ và phía bắc, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương nối với các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long; đang triển khai 2 tuyến Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận. Khu vực miền Trung đã hoàn thành 2 tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Liên Khương - Đà Lạt.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành giao thông trong năm 2020 vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Có thể kể đến như: Sản lượng, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải giảm sút trầm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhất là đối với lĩnh vực đường sắt và hàng không; số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm nhưng còn xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn còn diễn ra khá phổ biến, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng tai nạn; trong khi phương tiện tham gia giao thông tiếp tục tăng, cơ sở hạ tầng giao thông tuy được cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình ùn tắc giao thông ở thủ đô Hà Nội và TPHCM chưa giải quyết được triệt để đang là vấn đề bức xúc của xã hội.

Nguồn lực bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ, chưa tương xứng, đồng bộ so với định hướng, mục tiêu đặt ra. Vốn dành cho công tác duy tu, sửa chữa định kỳ còn thiếu so với nhu cầu; công tác bảo trì lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa còn khó khăn do quy định về đổ thải, có năm không giải ngân hết được số vốn đã bố trí. Một số mục tiêu đặt ra trong nghị quyết, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành GTVT đến năm 2020 chưa đạt, một số chỉ tiêu thực hiện còn chậm so với mục tiêu tại Nghị quyết 13-NQ/TƯ và quy hoạch đường bộ cao tốc.

Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn khó khăn, do các dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn, tính hiệu quả về mặt tài chính thấp, chưa có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, thiếu những chính sách khuyến khích đầu tư… dẫn đến việc trong thời gian qua, một số tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đã đến Việt Nam bày tỏ quan tâm đầu tư nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu, khảo sát thị trường.

Hệ thống GTVT vẫn còn thiếu đồng bộ, tính kết nối vẫn chưa cao, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả khai thác vận tải. Chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy nội địa còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Thị phần vận tải chưa hợp lý, số lượng doanh nghiệp vận tải, dịch vụ logistics có đủ năng lực dẫn dắt thị trường và cạnh tranh quốc tế còn ít.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2020 tình hình trong nước và thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Dù vậy, Việt Nam vẫn nổi lên với nhiều kết quả tích cực, trong thành công đó có đóng góp của ngành GTVT về hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, cải thiện vận tải để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp..

Các hoạt động đầu tư công giải ngân chậm do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có vướng mắc từ quy định pháp luật. Do đó, các dự án ngành giao thông dù triển khai chậm vì ngành giao thông làm thận trọng, dù chúng ta sốt ruột trước việc giải ngân đầu tư công chậm, nhưng việc triển khai các dự án cũng tạo ra nề nếp mới, chặt chẽ và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ cũng ghi nhận thành công của Bộ GTVT trong quản lý hoạt động vận tải đi vào nề nếp, nâng cao chất lượng phục vụ; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được cải thiện, tai nạn giao thông giảm nhiều năm liên tiếp…

Tuy nhiên, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, trong giai đoạn 2016-2020 các dự án giao thông khởi công mới, đặc biệt là theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) rất ít. Mục tiêu có 2.000km đường bộ cao tốc vào năm 2020 đã không đạt được, dự kiến phải tới năm 2022 mới xong, tức chậm hơn 1 năm so với yêu cầu. Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 do chưa chủ động, nên riêng công tác chuẩn bị mất 2 năm, tới khi được thông qua đã không còn nhiều thời gian để thực hiện.

Trong lĩnh vực đường sắt, lãnh đạo Chính phủ cũng đánh giá chưa được quan tâm đúng mức, nhiều dự án hạ tầng đường sắt chậm tiến độ, đặc biệt là dự án quan trọng như đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM. Trong khi vận tải hàng hoá chủ yếu qua đường bộ, do chua đầu tư đúng mức, chưa khai thác hết lợi thế của đường sắt, hàng hải và đường thuỷ, dẫn tới chi phí logistics còn cao, ảnh hưởng tới cạnh tranh quốc gia; sự kết nối liên vùng, kết nối giữa các loại hình vận tải với nhau cũng chưa tốt.

Với hàng không, dù đã được nâng cấp mở rộng triển khai trong năm 2020, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, nguy cơ quá tải, ùn tắc hàng không tại các cảng hàng không lớn như Tân Sơn Nhất và Nội Bài vẫn thường trực. Trong khi đó, có những cảng hàng không cần đầu tư để tạo động lực cho phát triển khu vực, như sân ba Điện Biên vẫn chưa được đầu tư đúng mức…

Giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT trong năm 2021 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành giao thông cần chủ động hơn trong xây dựng quy hoạch và kế hoạch, đặc biệt về đầu tư hạ tầng giao thông. Trong đó cần xác định nguồn vốn ngân sách chỉ khoảng 30%, phần còn lại phải huy động từ vốn đầu tư xã hội. Muốn đạt được huy đọng vốn xã hội phải xác định rõ trong quy hoạch tuyến đường nào, dự án nào sẽ đầu tư công, dự án nào kêu gọi hợp tác công – tư, có như vậy mới huy động được vốn xã hội vào hạ tầng giao thông.

Trong 5 năm tới (2021-2025) nhu cầu vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông lên tới khoảng 700 nghìn tỷ đồng, nhưng ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 1 nửa. Do đó, sẽ rất khó đạt các mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, nếu không kêu gọi vốn tư nhân và vốn nước ngoài. Chỉ riêng mục tiêu đạt 5.000km đường bộ cao tốc vào năm 2030 đã cần tới khoảng 300 nghìn tỷ đồng, hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM cũng cần tới 70-80 tỷ USD; chưa kể đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các sân bay.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cần thực hiện tốc các kế hoạch về đầu tư sân bay Long Thành, các dự án mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và các sân bay khác; hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền liên quan tới dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án giao thông đô thị. Bộ GTVT cần tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ liên quan tới đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiểm soát giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc; tái cơ cấu hoạt động vận tải để giảm chi phí logistics./.

Hoài Thu-Bộ Giao thông Vận tải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất