(TG) - Xe buýt là phương tiện vận tải công cộng (VTCC) chủ lực của Hà Nội, kể cả khi đường sắt đô thị được đưa vào khai thác. Một trong những mục tiêu phải đạt được để xe buýt phát huy hết năng lực, lợi thế của mình, thu hút hành khách sử dụng lâu dài, là phải có làn đường riêng để tăng tối đa vận tốc lưu thông.
Hà Nội hiện có 127 tuyến xe buýt với hơn 1.000 phương tiện, tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, 446/584 số xã, phường thị trấn; kết nối tới 62/71 bệnh viện, 190/283 trường THCS và THPT, 27/27 các khu công nghiệp, 7/9 tỉnh thành lân cận. Xe buýt cũng đã chứng tỏ vai trò, tầm quan trọng của mình trong đời sống xã hội của Thủ đô.
Tuy nhiên, có một thực tế là xe buýt đang khá chật vật với mục tiêu duy trì và tăng trưởng lượng hành khách qua mỗi năm. Anh Bạch Văn Dũng (Tả Thanh Oai, Thanh Trì) chia sẻ: “Hạn chế lớn nhất là xe buýt đi quá chậm. Đặc biệt trong giờ cao điểm, khi chúng tôi cần đến cơ quan đúng giờ nhất thì xe buýt phải chôn chân giữa tắc đường”.
Thạc sĩ giao thông đô thị Phan Trường Thành phân tích, vì không có làn đường riêng, phải lưu thông chung với một lượng phương tiện cá nhân quá lớn, trong khi “thân xác” cồng kềnh, lại phải dừng đỗ liên tục tại điểm đón khác nên tất nhiên xe buýt không thể đáp ứng kỳ vọng về thời gian di chuyển của hành khách. “Muốn xe buýt đi nhanh, cách tốt nhất là dành cho nó một làn đường riêng” - ông Thành nói. Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cũng cho rằng: “Làn đường riêng là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với xe buýt. Nếu không được đầu tư, phân tách, xây dựng, xe buýt sẽ ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề từ áp lực do các loại hình phương tiện khác mang lại”.
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho hay, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 201/KH - UBND ngày 16/10/2020, về Phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP, giai đoạn từ 2021 - 2030. Trong đó đặt mục tiêu từ nay tới năm 2030 sẽ xây dựng được 10 làn ưu tiên cho xe buýt. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ nghiên cứu tổ chức 5 làn ưu tiên với 22,6km; giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục nghiên cứu tổ chức 5 làn ưu tiên nữa.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu dành riêng một làn đường chỉ cho xe buýt lưu thông chưa hẳn là phương án tối ưu. Thạc sĩ giao thông đô thị Vũ Hoàng Chung đề xuất: “Có thể tổ chức một làn đường dành cho xe buýt và xe máy lưu thông hỗn hợp, phân tách hẳn với làn đường dành cho xe ô tô. Như vậy sẽ khả thi và dễ tổ chức giao thông hơn”. Thạc sĩ Phan Trường Thành phân tích, việc tổ chức một làn đường hỗn hợp cho xe buýt, xe máy đi chung chưa thể khẳng định có hiệu quả hay không, nếu quan tâm, TP có thể thí điểm thực tế, đánh giá thật kỹ. “Trước mắt, Hà Nội cần nỗ lực tạo mọi điều kiện cho xe buýt hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt là tổ chức làn đường riêng, mở lối thoát khỏi áp lực ùn tắc cho loại hình VTCC chủ lực này mới mong thu hút được người dân từ bỏ xe cá nhân để sử dụng nó lâu dài” - ông Thành nhấn mạnh.
Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho biết, hiện Sở và các đơn vị liên quan đang khảo sát, nghiên cứu, xây dựng phương án thực hiện Kế hoạch số 201/KH - UBND, trong đó có tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt. Tuy nhiên, để thực hiện được cần nghiên cứu rất kỹ và có phương án tổ chức giao thông phù hợp, tối ưu./.
N. Hải