Thứ Tư, 8/5/2024
Khoa học
Thứ Năm, 4/10/2018 14:43'(GMT+7)

Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung nâng cao năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

 Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung thúc đẩy nâng cao năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ các ngành kinh tế, phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị… Đây là những thông tin được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết tại buổi họp báo thường kỳ Quý III/2018, diễn ra ngày 4/10, tại Hà Nội.

Nâng cao năng lực tiếp cận Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Bộ đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công “Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0” - Industry 4.0 Summit 2018 với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Diễn đàn đã trao đổi về thực trạng triển khai và ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 tại Việt Nam, đề cập đến một số xu hướng nổi bật về công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, nâng cao năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 với chủ đề “Sức mạnh Thăng Long - Trí tuệ Việt Nam” đã tập trung trao đổi các công nghệ chủ chốt của Cuộc cách mạng 4.0 trong các ngành, lĩnh vực, tạo diễn đàn để các nhà khoa học của Việt Nam ở nước ngoài trong nhiều lĩnh vực giới thiệu các nghiên cứu, thành tựu và xu hướng phát triển công nghệ của thế giới, đề xuất ứng dụng cho Việt Nam. Việt Nam bước đầu đã hình thành các nhóm chuyên gia mạnh trong cùng ngành như: Trí tuệ nhân tạo, robotics – cơ điện tử, blockchain… để cùng nhau trao đổi chuyên sâu, đề xuất các hoạt động, dự án hợp tác cụ thể với các cơ quan, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài hoặc hình thành các đầu mối đại diện theo từng quốc gia để làm cầu nối, thu hút, mở rộng mạng lưới chuyên gia Việt Nam trên khắp thế giới.

Đặc biệt, Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm việc với các bộ, ngành để đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, xây dựng khung Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển và ứng dụng các công nghệ đặc trưng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tập trung vào trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn…

Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, để tận dụng thành công cơ hội của cuộc cách mạng cần tập trung cho nguồn nhân lực, đầu tư mạnh trong đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là quá trình dài đã diễn ra chứ không phải “đột xuất” xuất hiện, cách mạng 4.0 thực chất là “dòng chảy” phát triển khoa học và công nghệ, điều này đã diễn ra trên thế giới và “dòng chảy” này đang diễn ra tại Việt Nam, vì vậy, Việt Nam cần tập trung vào việc phát triển trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, robotics – cơ điện tử, blockchain… Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý nhà nước, là đầu mối của Chính phủ trong triển khai Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển, nghiên cứu công nghệ mới, thúc đẩy các bộ ngành triển khai kế hoạch hành động từng bộ, ngành để thích ứng với những thay đổi do Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Điểm nhấn trong quá trình thực hiện là việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đây chính là nguồn lực để Việt Nam có thể đi nhanh, đi tắt, đón đầu trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam tập trung thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ các tổng công ty, các tập đoàn, doanh nghiệp dẫn đầu, doanh nghiệp đầu tàu, doanh nghiệp mạnh như: FPT, Viettel, VNPT… Những đơn vị này mạnh về tiềm lực kinh tế, không cần hỗ trợ tiền từ ngân sách Nhà nước mà hỗ trợ họ về chính sách và cùng phối hợp với các viện, trường đại học tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp có tiềm lực yếu, Bộ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong nước, hỗ trợ ưu đãi trong nâng cao năng lực và hoạt động chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, Bộ chú trọng đầu tư hỗ trợ nhóm doanh nghiệp khoa học và công nghệ, những doanh nghiệp này lấy thành tựu khoa học và công nghệ làm trung tâm trong phát triển, đây là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển.

Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia
 
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Thời gian qua, Bộ tập trung vào việc triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Bộ tổ chức thành công Diễn đàn mở với chủ đề: “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018). Bộ phối hợp tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học” để tạo cơ hội kết nối hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kết nối với khu vực doanh nghiệp và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học.

Nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” - Techfest 2018 để tăng cường kết nối cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong nước với nhà đầu tư quốc tế. Techfest là sự kiện hàng đầu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, thu hút sự quan tâm và tham gia của cộng đồng khởi nghiệp quốc tế. Techfest 2018 sẽ diễn ra tại Đà Nẵng từ 29/11-1/12. Đặc biệt, trong khuôn khổ Techfest 2018, sẽ có "chuyến xe" khởi nghiệp xuất phát tại hai đầu Bắc - Nam và dừng lại tại 11 địa điểm khởi nghiệp trọng điểm trong cả nước. Trên chuyến xe, các doanh nghiệp, các startup gọi vốn thành công sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu sản phẩm tại điểm khi hành trình dừng lại... 

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) đã nghiên cứu thành công vắc xin cúm mùa (với 3 chủng A/H1N1, A/H3N2, cúm B) và vắc xin cúm đại dịch A/H5N1. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, sản xuất lâu dài của IVAC dưới sự hỗ trợ của ngân sách khoa học và công nghệ cùng với sự tài trợ của tổ chức Quốc tế: WHO, PATH, BARDA-Hoa kỳ. Từ năm 2003, khi dịch cúm gia cầm A/H5N1 xuất hiện ở Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất vắc xin trong nước tập trung trí tuệ và nguồn lực để nghiên cứu phát triển vắc xin Cúm A/H5N1 phòng bệnh cho người.

 Năm 2005, Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 bằng công nghệ trên trứng gà có phôi” do Bộ Khoa học và Công nghệ giao Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì đã khởi động việc nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm ở Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, Cơ quan Nghiên cứu và phát triển tiên tiến về Y sinh học thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi con người Hoa Kỳ đã tài trợ kinh phí thông qua tổ chức PATH hỗ trợ kỹ thuật, giúp đỡ IVAC sản xuất vắc xin cúm đạt chuẩn WHO-GMP, thử nghiệm lâm sàng (TNLS), nâng cao năng lực quản lý chất lượng, hoạt động cảnh giác Dược. Từ năm 2014, trong khuôn khổ Chương trình sản phẩm quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin cúm mùa ở quy mô công nghiệp”, đến nay nhiệm vụ đã nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc. Theo đó, hai loại vắc xin cúm A/H5N1(IVACFLU-A/H5N1) và vắc xin cúm mùa (IVACFLU-S) do IVAC sản xuất đã hoàn thành 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, đang hoàn thiện việc đăng ký lưu hành để đưa sản phẩm ra phục vụ cộng đồng./.

Thu Hà/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất