Chủ Nhật, 24/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 3/1/2018 14:56'(GMT+7)

Bộ, ngành và địa phương quyết liệt để giảm sâu tai nạn giao thông

Hiện trường một vụ tai nạn. (Ảnh: TTXVN)

Hiện trường một vụ tai nạn. (Ảnh: TTXVN)

Đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và sự vào cuộc thực hiện nghiêm túc, kịp thời của các bộ, ngành, địa phương.

Giảm sâu 3 tiêu chí

Con số tổng hợp của Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy năm qua, cả nước xảy ra 20.080 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.279 người, bị thương 17.040 người. Trong đó, 70 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 224 người chết, 207 người bị thương. So với năm 2016, tai nạn giao thông giảm 1.509 vụ (6,99%), giảm 406 người chết (4,67%) và 2.240 người bị thương (11,62%).

Đường bộ - tuyến giao thông chủ đạo, đồng thời cũng là tuyến xảy ra tai nạn giao thông nhiều nhất với 19.798 vụ, làm chết 8.089 người, bị thương 16.970 người. So với năm 2016, tai nạn giao thông đường bộ giảm 1.322 vụ (6,26%), 329 người chết (3,91%) và 2.064 người bị thương (10,84%). Trong số các vụ tai nạn xảy ra trên đường bộ, có 62 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 199 người, bị thương 189 người, tăng 3 người chết, giảm 33 người bị thương so với năm 2016.

Sự vào cuộc của các địa phương đã được thể hiện rõ nét. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí tại 51 tỉnh, thành phố, điển hình là Cà Mau giảm tới 9% số vụ, 28,3% số người chết và 10% số người bị thương so với năm 2016. Nhiều địa phương như Kiên Giang, Cao Bằng, Hà Giang, Đà Nẵng… có số người chết vì tai nạn giao thông giảm trên 20%. Thanh Hóa đã có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu địa phương khi để xảy ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn 5 địa phương là Cần Thơ, Hậu Giang, Tây Ninh, Lai Châu và Tuyên Quang, tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí, trong đó Lai Châu tăng tới 49% số vụ, 46,7% số người chết và 61,4% số người bị thương so với năm 2016.

Trên tuyến đường sắt đã xảy ra 164 vụ tai nạn giao thông, làm chết 133 người, bị thương 50 người. Đường thủy xảy ra 99 vụ, làm chết 45 người, bị thương 16 người; hàng hải xảy ra 19 vụ, làm chết 12 người, bị thương 4 người.

Theo báo cáo sơ bộ của Công an các địa phương, các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ phần lớn do lái xe vi phạm những quy tắc, quy định về an toàn giao thông như chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường làn đường, lái xe quá số giờ, chuyển hướng, vượt xe sai quy định, không tuân thủ các quy định về biển báo và hiệu lệnh giao thông, kỹ năng lái xe kém... Phương tiện gây tai nạn đa phần liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải, đặc biệt là xe khách, xe tải, một phần liên quan đến xe máy.

Các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra chủ yếu là do người điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm quy định an toàn giao thông khi vượt qua đường sắt tại các lối đi dân sinh. Hiện vẫn tồn tại 4.268 lối đi dân sinh bất hợp pháp, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới tai nạn giao thông đường sắt. Tính đến tháng 12/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các địa phương rào đóng, xóa bỏ được 227 lối đi tự mở, thu hẹp được 1.680/1710 lối đi tự mở.

Siết chặt quản lý phương tiện

Đến nay, trên hệ thống dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang quản lý có 386.870 xe của khoảng 55.000 đơn vị kinh doanh vận tải. Qua kết quả kiểm tra, đến hết tháng 11/2017, trên đường bộ có tổng số 1,2 triệu lượt phương tiện vi phạm quá tốc độ. Các đơn vị chức năng đã xử lý vi phạm đối với trên 23.800 phương tiện; trong đó thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn 1 tháng là gần 22.500 xe; thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải 23 đơn vị; từ chối cấp phù hiệu 1.319 xe.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên theo dõi, trích xuất dữ liệu, chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; hàng tháng xếp thứ tự và nêu công khai 10 địa phương có nhiều phương tiện vi phạm, thông báo cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo, xử lý. Do đó, tình hình vi phạm đã có nhiều chuyển biến, tỷ lệ các xe duy trì truyền dữ liệu trong tháng 11/2017 là 80% (so với tháng 1 là 71%), tỷ lệ vi phạm tốc độ giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Cùng với việc giám sát hành trình, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện cũng được các lực lượng chú trọng. Lực lượng Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã kiểm tra và phát hiện 32/35 đơn vị là đầu mối bốc xếp hàng hóa có vi phạm về xếp hàng hóa lên 106 xe vượt quá trọng tải cho phép, giao Thanh tra các Sở Giao thông Vận tải có liên quan xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng.

Các đơn vị chức năng của Cục Đường thủy nội địa đã triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra và phối hợp liên ngành cơ sở, phát hiện 35 trường hợp vi phạm về xếp hàng hóa quá tải trọng lên xe ôtô, xử phạt 25 trường hợp với số tiền 35,4 triệu đồng, buộc hạ tải 10 trường hợp. Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải triển khai 903 cuộc kiểm tra kiểm soát tải trọng phương tiện tại các cảng bến thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với lực lượng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thực hiện 160 cuộc kiểm tra kiểm soát tải trọng phương tiện.

Các Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định của ngành giao thông vận tải đã kiểm tra gần 270.900 xe, xử lý vi phạm đối với 28.268 xe, tước 9.596 giấy phép lái xe, xử phạt 258,6 tỷ đồng. Lực lượng công chức Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ đã tiến hành kiểm tra 748 xe, trong đó có 721 xe vi phạm, tước 529 giấy phép lái xe, xử phạt 24,1 tỷ đồng.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 48.584 trường hợp vi phạm về chở hàng quá trọng tải trên đường bộ, xử phạt 323,88 tỷ đồng, tạm giữ 4.334 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 20.579 trường hợp, hạ tải 18.311 trường hợp với 65.469 tấn hàng.

Công tác đăng kiểm, quản lý phương tiện giao thông cơ giới cũng được thực hiện chặt chẽ, minh bạch, dẫn đến chất lượng phương tiện khi tham gia giao thông ngày càng nâng cao, hạn chế tối đa tai nạn giao thông có nguyên nhân từ yếu tố kỹ thuật của phương tiện. Lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 282 trường hợp xe hết niên hạn sử dụng; kiểm tra, xử lý 3.956 trường hợp quá hạn kiểm định... Bộ Công an đã chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng ký xe, tập trung vào các vấn đề như siết chặt quản lý cấp biển số; thu hồi biển số xe 80A, 80B cấp cho các doanh nghiệp và biển số xe nền màu xanh, chữ và số màu trắng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; xử lý xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; thực hiện đăng ký xe 4 bánh có gắn động cơ xăng để chở khách tham quan du lịch trong khu vực hạn chế...

Chính sách, quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông ngày càng sát với yêu cầu thực tiễn; các công trình kết cấu giao thông trọng điểm đưa vào khai thác, đặc biệt là các bộ, ngành, đoàn thể và cơ quan truyền thông, báo chí đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân xây dựng văn hóa giao thông đã góp phần giảm tai nạn giao thông - ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá.

Theo báo cáo độc lập của Quỹ phòng chống thương vong châu Á, sau 10 năm thực hiện quy định pháp luật về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy (2007-2017) đã kéo giảm trên 15.300 người chết do tai nạn giao thông, trên 500.000 ca chấn thương đầu, giảm thiệt hại kinh tế do tai nạn giao thông gây ra khoảng 3,5 tỷ USD.

Ông Khuất Việt Hùng cho biết, chủ đề Năm an toàn giao thông 2018 là “An toàn giao thông cho trẻ em” với mục đích nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên. Mục tiêu là tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết, số người bị thương; giảm 10% số thương vong do tai nạn giao thông đối với trẻ em./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất