Thứ Sáu, 29/11/2024
Chính sách
Thứ Bảy, 19/9/2009 12:31'(GMT+7)

Bố trí dân cư vùng bị thiên tai, đặc biệt khó khăn: Vượt mục tiêu đề ra


Đây là đánh giá chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định 193/2006/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 – 2010 và định hướng đến năm 2015” trong 3 năm (2006-2008), diễn ra sáng 18/9.

Vượt mục tiêu đề ra cho 5 năm

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hồ Xuân Hùng, tuy là công việc khó khăn, phức tạp, song chương trình bố trí dân cư đã thực hiện vượt mức kế hoạch cả về thời gian và số lượng hộ gia đình cần được bố trí, sắp xếp. Kết quả triển khai 3 năm qua đã vượt mục tiêu đề ra trong 5 năm là trên 14.400 hộ (19,5%).

Hàng vạn hộ dân đã được di chuyển khỏi vùng thiên tai sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lũ, vùng đặc biệt khó khăn (thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở sản xuất), giúp cơ bản tránh được những thiệt hại về người và tài sản khi có mưa lũ; hạn chế phá rừng, di cư tự do; bảo vệ môi trường; củng cố an ninh quốc phòng tuyến biên giới đất liền, hải đảo.

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cho biết, dự án bố trí, sắp xếp dân cư đã xây dựng được nhiều điểm tái định cư phù hợp với tiêu chí phát triển nông thôn mới như: nhà ở phân lô theo quy hoạch, có công trình kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống nước sinh hoạt hợp vệ sinh, hệ thống thoát nước khu dân cư, công trình vệ sinh gia đình… đã cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở khu vực nông thôn.

Đời sống người dân khu tái định cư được cải thiện, cơ bản tốt hơn nơi ở cũ. Theo kết quả điều tra, khảo sát 400 hộ di dân ở tỉnh Bình Thuận về nhà ở, có 95% nhà ở bán kiên cố, 4,3% nhà tạm, hộ nuôi trồng thủy sản có thu nhập 55 triệu đồng/năm; nông dân sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản có thu nhập 50 triệu đồng/năm. Làng thanh niên lập nghiệp, các hộ cư dân trẻ có thu nhập bình quân 30 triệu đồng/năm, có hộ đạt 200 triệu đồng/năm…


Đời sống người dân khu tái định cư được cải thiện,
cơ bản tốt hơn nơi ở cũ.

Công tác triển khai dự án vẫn chậm, thiếu chủ động

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, các địa phương cũng bộc lộ một số tồn tại. Trước hết là việc thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư như: lập, thẩm định, phê duyệt dự án; thiết kế; dự toán công trình,… ở một số tỉnh còn lúng túng, thiếu chủ động, chờ khi Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư mới triển khai lập dự án nên chưa đáp ứng yêu cầu về thủ tục đầu tư trong xây dựng và tổ chức thực hiện vốn kế hoạch hàng năm cũng như bổ sung vốn di dân khẩn cấp ở các vùng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét,…; Giải ngân nguồn vốn chậm, thời gian thực hiện các dự án kéo dài, chưa đáp ứng yêu cầu di dân thực tế trên địa bàn.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư còn một số tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Hải Dương, Bình Phước, Bến Tre… triển khai còn chậm, đến nay chưa hoàn thành…

Trước thực trạng trên, Bộ NNPTNT đề nghị trong thời gian tới cần huy động lồng ghép nguồn vốn của các chương trình dự án này với các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng khu tái định cư theo tiêu chí phát triển nông thôn mới; kết hợp hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống bền vững.

Ngoài ra, cần kết hợp các hình thức di dân: Di dân vào vùng tập trung, thành lập các điểm dân cư mới ở nơi có điều kiện về quỹ đất; xen ghép vào các thôn (bản) hiện có và ổn định tại chỗ.

Trong điều kiện quỹ đất để xây dựng khu tái định cư mới tập trung hiện nay rất hạn chế nên tập trung thực hiện di dân xen ghép và ổn định dân cư tại chỗ, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, sớm ổn định đời sống các hộ gia đình vừa đáp ứng được nhu cầu di dân thực tế hiện nay.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 193/2006/QĐ-TTG ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ: Giai đoạn 2006 – 2015 thực hiện bố trí, sắp xếp lại 150.000 hộ dân. Trong đó giai đoạn 2006 – 2010 bố trí 75.000 hộ, bao gồm: 30.000 hộ vùng thiên tai và đặc biệt khó khăn về đời sống; 10.000 hộ vùng biên giới, hải đảo; 33.000 hộ dân di cư tự do; 2.000 hộ vùng xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.


(Cổng TTĐTCP)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất