Thứ Sáu, 27/9/2024
Chính sách
Thứ Tư, 16/9/2009 20:30'(GMT+7)

Còn nhiều vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Luật BHYT

Những điểm mới của Luật BHYT

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), Luật BHYT với nhiều điểm mới được quy định, đó là những thay đổi cơ bản liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức chịu sự điều chỉnh của Luật. Từ 1/1/2010 mức đóng BHYT của sẽ tăng lên 1,5 lần so với mức đóng hiện hành, tương đương với 4,5% mức tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền lương tối thiểu. Riêng HSSV mức đóng BHYT là 3% mức lương tối thiểu.

Một điểm quan trọng nữa là vấn đề cùng chi trả, người bệnh tham gia BHYT khi KCB tại tuyến xã và chi phí cho 1 lần KCB thấp hơn 15% mức lương tối thiểu (khoảng 97.500 đồng), trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, lực lượng CAND sẽ được thanh toán 100% chi phí, nhóm đối tượng hưu trí, trợ cấp mất sức, bảo trợ xã hội, dân tộc thiểu số, người nghèo thời gian tới sẽ phải cùng chi trả 5%, các đối tượng còn lại sẽ cùng chi trả 20%...

Còn khi đi khám trái tuyến, người dân (kể cả trẻ dưới 6 tuổi) sẽ được chi trả với các mức 30, 50 và 70% chi phí tùy theo bệnh viện hạng 1, 2 hay 3. Quyền lợi của người tham gia BHYT cơ bản được giữ nguyên như quy định hiện hành, bổ sung quyền lợi đối với người nhiễm HIV/AIDS, khám sàng lọc và chẩn đoán sớm một số bệnh. Ngoài ra, với mục tiêu tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận dịch vụ y tế ngay từ cơ sơ, giảm quá tải cho tuyến trên, giảm chi phí không cần thiết cho người dân, Luật cũng quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu chủ yếu tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã và tương đương. Về vấn đề này, Bộ Y tế cũng xây dựng riêng Thông tư số 10/2009/TT-BYT hướng dẫn đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT.

Nhóm trẻ em dưới 6 tuổi, thay cho thanh toán thực thanh thực chi như trước, các cháu sẽ được cấp thẻ BHYT. Từ ngày 1/10/2009, BHXH Việt Nam cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc đổi thẻ cho trẻ dưới 6 tuổi…

Còn nhiều vướng mắc

Theo nhận định của đại diện một số bệnh viện, với quy định mới, khoảng hơn 90% số người tham gia BHYT sẽ phải cùng chi trả chi phí KCB các mức 5% và 20% sẽ có không ít vấn đề phát sinh. Để tính toán được phần người bệnh cùng chi trả, bộ phận thu phí sẽ phải thêm công đoạn xét xem đối tượng bệnh nhân thuộc đối tượng nào, mã thẻ BHYT là gì, đóng ở mức nào... Đây sẽ là khó khăn cho những bệnh viện chưa áp dụng được công nghệ thông tin.

Cùng với tình trạng quá tải ở hầu hết bệnh viện như hiện nay, việc này có thể khiến người bệnh phải tiếp tục điệp khúc xếp hàng, chờ đợi hàng giờ, có khi cả ngày để được khám bệnh và trả tiền cho bệnh viện. Theo ông Hoàng Minh Anh - Phòng kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Mắt Trung ương, thực hiện đồng chi trả đồng nghĩa với các bệnh viện phải tuyển thêm người để thu phần cùng chi trả. Ngoài ra, vấn đề cùng chi trả của nhóm đối tượng bảo trợ xã hội như trẻ em không nơi nương tựa, người già neo đơn, thậm chí đối tượng hưu trí phải cùng chi trả 5%, người dân tộc thiểu số… cũng có không ít ý kiến.

Đại diện của BV Nhi Trung ương cũng nêu một số những bất cập, như sự mất công bằng giữa trẻ dưới 6 tuổi và trẻ trên 6 tuổi, vì nhiều trẻ sinh ra từ tháng 1 đến tháng 9 hàng năm sẽ rơi vào tình trạng không có chế độ gì trong năm thứ 6 của trẻ vì chưa được học ở trường nào sẽ không được hưởng một chính sách nào về KCB, nếu chẳng may bị bệnh hiểm nghèo thì phải tự bỏ tiền chữa bệnh.

Ngoài ra, phóng viên báo chí đã đưa ra một số câu hỏi xung quanh việc thực hiện Luật BHYT như: Đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế tuyến huyện, xã có đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân? Vấn đề kiểm soát đồng chi trả khi thực hiện đồng loạt trên các đối tượng chi trả bảo hiểm y tế cho người bị tai nạn giao thông; vấn đề rút ruột bảo hiểm y tế (BHYT); việc chi trả BHYT cho trẻ dưới và trên 6 tuổi...

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT cho rằng, các địa phương có thể đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ chi phí cho nhóm bệnh nhân bảo trợ xã hội vì chắc chắn khó thu 5% cùng chi trả.

Theo bà Tống Thị Song Hương, việc quy định đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu chủ yếu tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã nhằm giải quyết các vướng mắc mà ngành y tế đang gặp phải như: quá tải, chuyển tuyến... Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp tham gia BHYT đều phải đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở tuyến huyện, xã. Điều này đã được quy định tại Thông tư số 10/2009/TT-BHYT (14/8/2009) của Bộ Y tế về hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Do vậy, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, phải lập danh sách cơ sở đủ điều kiện tham gia khám bệnh, chữa bệnh BHYT làm cơ sở để BHXH tỉnh, thành phố ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu; những người thường trú, tạm trú có thời hạn hoặc làm việc trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh không có cơ sở khám chữa bệnh BHYT hoặc các cơ sở đó không đáp ứng được việc khám chữa bệnh ban đầu cho người tham gia BHYT thì được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở tuyến tỉnh và tuyến Trung ương. Đặc biệt, Quỹ BHYT sẽ thanh toán đối với trường hợp tai nạn giao thông không vi phạm pháp luật; riêng những trường hợp chưa xác định được có vi phạm pháp luật hay không thì gia đình sẽ tự chi trả trước cho đến khi có kết luận của cấp có thẩm quyền sẽ được giải quyết về BHYT sau...

Về vấn đề đồng chi trả, Bà Hương cũng cho rằng, đây là việc nhằm kiểm soát chi phí khám chữa bệnh để cộng đồng tăng cường trách nhiệm về BHYT, đồng thời giúp cán bộ y tế và người bệnh thực hiện các dịch vụ cần thiết nhằm tránh lãng phí Quỹ BHYT... Để thực hiện việc đồng chi trả một cách hợp lý, giám đốc các phòng, khoa phải bố trí một cách khoa học ngay từ các phòng khám; đồng thời đào tạo, tập huấn cho các y, bác sĩ nắm chắc đối tượng và các mức cùng chi trả để tư vấn, trả lời cho người bệnh.

Về vấn đề rút ruột BHYT, ông Phạm Lương Sơn, Phó trưởng ban thực hiện chính sách (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: Rút ruột Quỹ BHYT là vấn đề đang gây nhiều nhức nhối cho ngành và cộng đồng. Để giải quyết tình trạng này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang thực hiện 3 giải pháp là: thay đổi phương thức thanh toán (từ thực thanh, thực chi sang thanh toán theo định suất); sẽ ban hành qui trình giám định chi tiết bảo đảm quyền lợi của người bệnh và hiệu quả sử dụng Quỹ; tăng cường về nhân lực bằng cách đào tạo các giám định viên chuyên môn trong công tác giám định.

Về vấn đề khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi, đại điện Vụ BHYT cũng khẳng định: trẻ em dưới 6 tuổi khi thực hiện khám chữa bệnh với kỹ thuật cao, chi phí lớn thì BHYT vẫn chi trả 100%. Riêng đối với các trường hợp trẻ quá 6 tuổi nhưng chưa đến thời gian đi học thì trẻ nên mua BHYT tự nguyện để được chi trả khi ốm đau. Đặc biệt, không có trường hợp nhiều mức đóng BHYT đối với học sinh, mà chỉ chia ra làm 2 khu vực là: thành thị và nông thôn.


Theo Bộ Y tế, hiện nay có 39,2 triệu người (chiếm 46% dân số), trong đó có 15,8 triệu là người nghèo tham gia BHYT. Luật BHYT chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, mở rộng ra 25 nhóm đối tượng, trong đó ngân sách nhà nước bảo đảm cho người nghèo, trẻ em, người có công, đồng thời hỗ trợ mức đóng BHYT cho các hộ cận nghèo, học sinh sinh viên. Người tham gia BHYT được mở rộng quyền lợi như khám, chữa bệnh (KCB) với kỹ thuật cao, phục hồi chức năng... Một số trường hợp trước đây không được Quỹ BHYT thanh toán như tai nạn giao thông, bệnh bẩm sinh và dị tật bẩm sinh, HIV/AIDS, nay cũng được thanh toán.

Theo VnMedia
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất