Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 13/6, người thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn
của các đại biểu Quốc hội là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng
Tuấn Anh.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng
Hoàng Tuấn Anh tập trung làm rõ ba vấn đề là các giải pháp xây dựng nền văn hóa
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao phẩm chất đạo đức xã hội; biện pháp
khắc phục những tồn tại, yếu kém thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam, thương
hiệu du lịch Việt Nam; đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao, rèn luyện thân thể
của toàn dân góp phần nâng cao thể chất, sức khỏe, trí tuệ của người Việt
Nam.
Đưa du lịch Việt Nam trở thành lĩnh vực kinh tế mũi
nhọn
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh)
về những giải pháp "chặt chém" khách du lịch, chất lượng sản phẩm du lịch kém
hấp dẫn, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nêu rõ Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến
lược về phát triển du lịch Việt Nam và đã có Quy hoạch tổng thể về phát triển du
lịch Việt Nam. Đảng và Nhà nước đánh giá cao vai trò du lịch trong quá trình
phát triển kinh tế-xã hội. Trước hết, là việc thu ngoại tệ cho đất nước, góp
phần tăng trưởng GDP, tạo động lực cho các ngành khác phát triển. Nếu như năm
1995, chỉ đóng góp vào tăng trưởng GDP 3,21% thì đến năm 2012 du lịch đã đóng
góp vào GDP gần 6%.
Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm phát triển du lịch theo
Chiến lược đã được phê duyệt gồm du lịch Việt Nam phải nhanh chóng trở thành
lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng trưởng GDP; gắn phát triển du lịch với
bảo tồn các di tích lịch sử; tăng cường xã hội hóa...
Nói về những giải
pháp căn bản sắp tới để phát triển du lịch, Bộ trưởng cho rằng cần xem xét sự
hoàn thiện của chuỗi dịch vụ và sản phẩm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã
phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chuyển 5 trường trung cấp du
lịch thành trường cao đẳng nghề du lịch tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nhà Trang, Đà
Lạt... cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá; tổ chức liên kết
trong phát triển du lịch; quản lý nhà nước về du lịch, Bộ trưởng nhấn
mạnh.
Thừa nhận vẫn tồn tại tình trạng “chặt chém” du khách, gây sự thiếu
thiện cảm đối với ngành "công nghiệp không khói," Bộ trưởng cho biết nguyên nhân
là do sự phối hợp liên ngành chưa tốt; thiếu kiểm tra, giám sát những điểm du
lịch có nguy cơ mất trật tự, "chặt chém" du khách; các văn bản liên quan để xử
lý vi phạm, các mức độ xử phạt còn nhẹ.
Giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng
cho biết sắp tới Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để ban hành Nghị định tăng
mức xử phạt. Song, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh hiện tượng này không phải là phổ
biến ở tất cả các địa phương. Có nhiều địa phương không xảy ra tình trạng này,
Bộ trưởng giải trình.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa
Bình) về những giải pháp khắc phục yếu kém nội tại, đưa ngành du lịch phát triển
tương xứng với tiềm năng, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng tiềm năng du lịch
của Việt Nam là rất lớn, nhưng để tiềm năng trở thành hiện thực đòi hỏi một quá
trình tích lũy kinh nghiệm, nâng cao nhận thức của người dân...
Chưa tán
thành câu trả lời này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng trả
lời dứt điểm câu hỏi của đại biểu là đến năm 2020 theo chiến lược phát triển 10
năm thì du lịch Việt Nam có ngang tầm khu vực không? Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh
một lần nữa khẳng định để đạt mục tiêu này, đòi hỏi phải phấn đấu nhiều, nỗ lực
nhiều và cần có sự chung tay góp sức của người dân, của chính quyền các cấp và
đặc biệt là các doanh nghiệp.
Về các giải pháp tăng cường quản lý nhà
nước về du lịch, Bộ trưởng cho biết cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp
luật. Sắp tới Bộ sẽ sửa đổi Luật Du lịch và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính
về du lịch, triển khai quy hoạch vùng... Bộ trưởng mong muốn các địa phương phối
hợp trong việc quy hoạch phát triển du lịch.
Tăng cường kiểm tra,
giám sát hoạt động biểu diễn
Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An)
phản ánh đời sống xã hội hiện nay đang thiếu vắng các tác phẩm hay, tác phẩm
đỉnh cao. Giải thích vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nêu lý do tiềm lực của
đội ngũ sáng tác, nghiên cứu, lý luận và phê bình còn yếu; chính sách cho lực
lượng này chưa thật tốt; lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là điện ảnh hay
sân khấu, nghệ thuật truyền thống gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng cho biết
Bộ đã cùng các bộ, ngành khác xây dựng 5 đề án liên quan đến lĩnh vực này. Mới
đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 844 về đấu thầu, đặt hàng
các tác phẩm. Sắp tới sẽ có sự đặt hàng, lựa chọn tác phẩm và có chính sách
khuyến khích để nghệ sỹ cống hiến. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh
và Xã hội và Bộ Nội vụ sửa hai quyết định về tiền nhuận bút và tiền bồi dưỡng
luyện tập.
Nêu giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong
hoạt động biểu diễn, Bộ trưởng cho biết sẽ siết chặt từ khâu cấp phép đến duyệt
chương trình và hậu kiểm. Những chương trình biểu diễn không đảm bảo về an ninh
trật tự sẽ không cho tổ chức. Bộ sẽ hoàn thiện các văn bản về xử phạt hành chính
về lĩnh vực này theo hướng tăng mức xử phạt cao hơn. Ngoài rút giấy phép không
cho biểu diễn thì các nghệ sỹ ăn mặc phản cảm, hát "nhái," làm động tác để tạo
sự scandal thu hút khán giả sẽ đình chỉ biểu diễn hoặc phạt cấm biểu diễn từ 3
đến 6 tháng..., Bộ trưởng cho biết.
Trước một số chất vấn của đại biểu
Quốc hội về phát triển văn hóa đọc, đặc biệt trong giới trẻ hiện nay, Bộ trưởng
đánh giá hiện xã hội đang bị chi phối bởi nhiều loại hình vui chơi giải trí, đặc
biệt là lĩnh vực thông tin truyền thông. Trong khi đó, hệ thống thư viện của
Việt Nam không đồng đều. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã áp dụng biện pháp
luân chuyển sách từ thư viện tỉnh đến huyện và các xã.
“Công việc còn
lại là chúng ta cũng phải vận động nhân dân để nâng cao văn hóa đọc,” Bộ trưởng
nói.
Giải trình thêm cùng Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Thông
tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã nêu rõ hơn về ảnh hưởng, tác động của
thông tin, cụ thể là Internet tới văn hóa. Các giải pháp Bộ Thông tin và Truyền
thông sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới bao gồm tham mưu các cấp có
thẩm quyền, Chính phủ xây dựng nghị định mới về việc quản lý, cung cấp sử dụng
dịch vụ Internet.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết Bộ Thông tin và
Truyền thông sẽ có nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển Internet hơn nữa, quản lý
chặt chẽ hoạt động Internet, tạo điều kiện khai thác những mặt tích cực trên
Internet phục vụ cuộc sống. Bộ cũng có chế tài vừa khuyến khích, tạo môi trường
cho Internet phát triển, vừa xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đồng thời
tăng cường củng cố tổ chức bộ máy, trang bị thiết bị cơ sở cần thiết, nâng cao
trình độ đội ngũ nguồn nhân lực quản lý an toàn thông tin trên mạng cũng là
những giải pháp mà Bộ Thông tin và Truyền thông hướng tới.
Tại phiên giải
trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã tham gia làm rõ thêm một
số vấn đề liên quan. Bộ trưởng đánh giá công tác giáo dục đạo đức trong học sinh
sinh viên thời gian qua có những đổi mới tiến bộ, thu được nhiều kết quả. Tuy
nhiên, bên cạnh những thành công, tình trạng bạo lực học đường đang có diễn biễn
phức tạp, đạo đức học sinh có những diễn biến mới.
Theo Bộ trưởng, tình
trạng này có các nguyên nhân do tâm lý lứa tuổi muốn tự khẳng định mình; sự phát
triển nhanh kinh tế thị trường, kéo theo tác động tiêu cực đến hình thành và
phát triển nhân cách; những hành vi bạo lực xuất hiện nhiều trong đời sống xã
hội. Về phía nhà trường, nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh còn hạn chế,
chưa tạo lôi cuốn...
Đề cập tới các giải pháp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho
biết ngành giáo dục chủ động đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học, thi cử...
đối với các môn liên quan tới giáo dục đạo đức công dân; tăng cường giáo dục kỹ
năng sống cho học sinh, sinh viên; lồng ghép việc học tập và làm theo tấm gương
đạo đức Hồ Chí Minh với cuộc vận động mỗi thầy giáo là tấm gương đạo đức, tấm
gương tự học và sáng tạo...
Cùng với đổi mới phương pháp dạy học, Bộ
trưởng cho biết sẽ chỉ đạo tăng cường các hoạt động ngoại khóa ngoài giờ lên lớp
phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học, từng địa phương theo từng chủ đề, giúp cho
việc học văn hóa, rèn luyện sức khỏe hình thành nhân cách phối hợp đồng bộ với
nhau...
Đăng cai ASIAD 2019 có nhiều ý nghĩa
Trả
lời câu hỏi của các đại biểu về công tác chuẩn bị nhân lực, vật lực, đặc biệt là
sử dụng các công trình phục vụ thể thao ở các thành phố lớn phục vụ cho ASIAD
2019, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định việc Việt Nam trở thành nơi đăng cai
ASIAD 2019 là sự kiện không chỉ cử tri mà là vấn đề các nước khác quan tâm.
Bộ trưởng nhấn mạnh ý nghĩa của đăng cai ASIAD 2019 không chỉ về chính
trị và ngoại giao mà có ý nghĩa về kinh tế, văn hóa. Sự kiện này cũng thể hiện
việc tăng cường đầu tư của nhà nước cho thể thao cũng như tăng cường mở rộng đẩy
mạnh phong trào thể thao quần chúng cũng như thể thao đỉnh cao. Bộ trưởng tin
tưởng với kinh nghiệm đã tổ chức những lần Đại hội thể dục thể thao của Đông Nam
Á và châu Á, Việt Nam sẽ tổ chức thành công ASIAD 2019.
Một số ý kiến đại
biểu lo ngại số tiền chi cho đăng cai ASIAD lớn, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho
rằng đây là số tiền lớn trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay,
nhưng đăng cai ASIAD là cơ hội để Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước. Bộ trưởng
tin tưởng có cách xử lý các khó khăn, đồng thời nhấn mạnh tới những thuận lợi
Việt Nam có là hiện 80% cơ sở vật chất đang có đã đảm bảo sẵn sàng phục vụ
ASIAD.
Về các biện pháp để phát huy các nhà thi đấu ở các địa phương, Bộ
trưởng đề nghị mở rộng và tăng cường hơn nữa các loại hình thể thao và đặc biệt
là thể thao vui chơi giải trí; tập huấn cho các huấn luyện viên, hướng dẫn
viên... Bên cạnh đó, phải thành lập các liên đoàn, các hiệp hội để thu hút các
người dân tham gia. Hiện Việt Nam có 45.000 câu lạc bộ thể thao, trong đó có
6.000 câu lạc bộ bóng đá, theo Bộ trưởng sẽ phải tăng số lượng này thêm
lên.
Kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ qua thảo luận,
các đại biểu đều khẳng định văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam có nhiều tiến
bộ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với các ngành để có những
biện pháp tích cực phát huy sức mạnh của nền văn hóa dân tộc; đồng thời khắc
phục những tồn tại đã được các đại biểu Quốc hội nêu.
Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có những giải
pháp để nâng cao vị thế, tiềm năng du lịch Việt Nam, để du lịch Việt Nam phát
triển với tốc độ nhanh, với thương hiệu tốt, trở thành ngành kinh tế tác động
tích cực vào nền kinh tế nước nhà./.
Quỳnh Hoa-Khiếu
Tư (TTXVN)