Thứ Ba, 24/9/2024
Văn hóa
Chủ Nhật, 29/1/2017 19:29'(GMT+7)

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL trải lòng “đầu năm” mới

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện

Dành cho báo chí cuộc trò chuyện đầu Xuân Đinh Dậu 2017, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: Trong năm 2017, ngành VHTT&DL cần nỗ lực, sáng tạo hơn nữa để chinh phục những đỉnh cao, kỷ lục mới.

Thể thao quần chúng là nền tảng cho thể thao thành tích cao

Năm 2016, đối với Thể thao Việt Nam là một năm thành công trên tất cả các đấu trường Olympic, khu vực, châu lục, trong tất cả các bộ môn.

Lần đầu tiên thể thao Việt Nam giành được một huy chương Vàng ở Olympic Rio 2016; cũng giành được huy chương Vàng, huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng ở Para Olympic Rio 2016.

Trong lĩnh vực bóng đá thì đội tuyển Futsal Việt Nam là một trong 16 đội lọt vào vòng chung kết tại Columbia; đội tuyển U19 quốc gia cũng giành giải Ba châu lục và giành quyền vào tham dự World cup U20 tại Hàn Quốc trong năm 2017.

Lần đầu tiên thể thao Việt Nam giành được huy chương vàng châu Á ở môn bơi lội do công của Nguyễn Thị Ánh Viên.

 Tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á diễn ra ở Đà Nẵng, đoàn thể thao Việt Nam cũng giành thành tích rất cao, đứng đầu các đoàn tham dự và rất nhiều kết quả, thành tích ở các bộ môn khác như bóng bàn, tennis, cầu lông...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, thành công của năm 2016 tạo động lực và niềm tin cho những người làm công tác tác thể thao của cả nước rằng trong điều kiện khó khăn, chúng ta có thể đạt được thành tích cao trên các đấu trường mà trước kia chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Trong năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung đẩy mạnh thể thao quần chúng đẩy mạnh phong trào rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại, tạo nền tảng của thể thao thành tích cao, nâng cao tầm vóc, sức khỏe của người dân.

Đối với thể thao thành tích cao, phát huy thế mạnh đạt được trong năm 2016, Bộ VHTT&DL sẽ tập trung vào những bộ môn có thế mạnh, phù hợp với thể lực, kỹ năng và tầm vóc của người Việt Nam như bắn súng, bơi lội, thể dục dụng cụ, vật... Bên cạnh đó, Bộ sẽ tập trung cao hơn, có trọng tâm trọng điểm hơn để vừa huấn luyện trong nước, vừa gửi đi nước ngoài để cố gắng giành thành tích cao ở đấu trường khu vực, châu lục và thế giới.

Tổ chức lễ hội phải gắn với phát triển du lịch

Trao đổi về những chỉ đạo trọng tâm đối với Mùa lễ hội 2017, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết Bộ yêu cầu các địa phương hạn chế những lễ hội gây phản cảm, những lễ hội bạo lực, như cướp phết, cầu trâu, chém lợn. Những lễ hội này cần phải được giảm bớt, cố gắng chấm dứt; tập trung để lễ hội hạn chế, tiến tới chấm dứt vấn đề thương mại hóa lễ hội tức là tổ chức tràn lan, lợi dụng di tích, di sản làm lễ hội để trục lợi, hành nghề mê tín dị đoan…

Đồng thời bảo đảm an toàn trật tự, vệ sinh môi trường trong lễ hội, chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong tổ chức lễ hội, tránh phô trương, hình thức, lãng phí. Mặc dù kinh phí là từ nguồn xã hội hóa mà cần tập trung vào tính thiết thực, hiệu quả khi tổ chức. Các lễ hội cần đảm bảo gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa, di tích.

Tổ chức lễ hội cũng phải gắn với phát triển du lịch, thu hút nhiều khách du lịch, tăng thêm nguồn thu cho địa phương, đất nước. Mục đích của tổ chức lễ hội là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của di tích, di sản nhưng đồng thời cũng là thu hút du khách.

Từ những kết quả tích cực của du lịch Việt Nam trong năm 2016, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng năng lực cạnh tranh của ngành du lịch đã được nâng lên, những vấn đề yếu kém trước đây nay đã được cải thiện hơn, đặc biệt là sau khi Năm du lịch quốc gia 2016 Phú Quốc – Đồng bằng Sông Cửu Long diễn ra thành công, có thể nói rằng hình ảnh của du lịch Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực.

Du lịch Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đối với hoạt động biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, đặc biệt nghệ thuật truyền thống, người đứng đầu ngành VHTT&DL khẳng định: Năm 2017, chúng tôi tiếp tục triển khai chương trình trên với quy mô lớn hơn và sẽ làm bài bản hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng để đưa các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống của các nhà hát, đoàn nghệ thuật địa phương trong cả nước vào Nhà hát Lớn biểu diễn phục vụ công chúng như dân ca quan họ Bắc Ninh, ví Dặm, ca Huế, dân ca, đờn ca tài tử…
 
Đối với chủ trương này, chúng tôi sẽ hình thành những đợt cao điểm, ví dụ như diễn kịch sẽ dành khoảng thời gian 2-3 tuần hoặc 1 tháng chuyên diễn những vở kịch có chất lượng cao của các nhà hát trong cả nước. Nghệ thuật truyền thống cũng tương tự như vậy. Việc tổ chức biểu diễn với tần suất liên tục trong một thời điểm để lôi kéo khán giả đến và cố gắng duy trì thường xuyên hơn. 

Từ nguồn bán vé thu được sẽ bù đắp các chi phí cho nhà hát, bồi dưỡng cho diễn viên. Còn với loại hình hiện nay khán giả chưa đông như nghệ thuật truyền thống thì bước đầu có thể xem xét hỗ trợ một phần kinh phí từ nhà nước…

Theo toquoc.vn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất