Hội nghị MCM năm nay do Nhật
Bản chủ trì, có chủ đề “Cùng kiến tạo thay đổi: Dẫn đầu thảo luận toàn
cầu với cách tiếp cận khách quan và đáng tin cậy vì mục tiêu tăng trưởng
bền vững và bao trùm”. Đây là Hội nghị quan trọng nhất của OECD trong
năm 2024 với sự tham gia của Bộ trưởng các nước thành viên OECD và một
số nước khách mời. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị
với tư cách Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD (SEARP) nhiệm
kỳ 2022-2025. Lễ kỷ niệm 10 năm Chương trình SEARP là một trong những
điểm nhấn trong chương trình Hội nghị năm nay.
Hội nghị đã công bố Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024.
Theo đó, OECD nhận định kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi tích cực
song tăng trưởng ở mức khiêm tốn (duy trì mức 3,1% năm 2024, tương đương
2023 và tăng 3,2% năm 2025). Kinh tế Mỹ và các nước mới nổi là đầu tàu
tăng trưởng toàn cầu. Lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến, niềm tin của khu
vực tư nhân được cải thiện, tỉ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng thương
mại theo hướng tích cực,… Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu vẫn còn chịu
nhiều rủi ro với tác động của các vấn đề địa chính trị (xung đột tại
Ukraine, Trung Đông…), của chính sách tiền tệ thắt chặt ở các nền kinh
tế lớn, rủi ro về tài chính và vấn đề nợ… OECD khuyến nghị: (i) Các nước
cần thận trọng triển khai chính sách tiền tệ để bảo đảm kiềm chế lạm
phát trong dài hạn; (ii) Bảo đảm cân đối cán cân thanh toán để tăng
cường nguồn lực cho các mục tiêu khí hậu và phát triển; (iii) Củng cố
các nền tảng để tăng năng suất thông qua khoa học công nghệ, đổi mới
sáng tạo, ứng dụng AI…; (iv) Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt trong
thúc đẩy thương mại toàn cầu, phát triển cơ sở hạ tầng xanh và chuyển
đổi số…
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã thảo luận những biện pháp nhằm kiến
tạo một nền kinh tế, xã hội bền vững và bao trùm, thúc đẩy thương mại và
đầu tư toàn cầu tự do, công bằng, củng cố các nền tảng kinh tế vững
chắc, tự cường, thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải, tuần
hoàn và thuận lợi cho thiên nhiên, đẩy mạnh ứng dụng AI, phối hợp quản
trị dữ liệu toàn cầu…
Chúc mừng Argentina và Indonesia bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập
OECD, các nước đánh giá cao chính sách mở rộng thành viên của OECD với
việc kết nạp các nước đang phát triển trong những năm qua, giúp thực
hiện tốt hơn sứ mệnh của OECD ở phạm vi toàn cầu. Các nước OECD khẳng
định coi trọng vai trò của khu vực Đông Nam Á và đóng góp của Chương
trình SEARP trong việc đưa Đông Nam Á và OECD đến gần nhau hơn.
Tham dự Hội nghị lần này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã có hai bài phát
biểu quan trọng tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Chương trình SEARP và
Phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị.
Tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Chương trình SEARP, Bộ trưởng Bùi Thanh
Sơn đánh giá cao tầm nhìn của Nhật Bản khi khởi xướng thành lập Chương
trình SEARP. Qua 10 năm, Chương trình SEARP trở thành chương trình khu
vực thành công nhất của OECD với nhiều thành quả nổi bật trong đó có
việc Indonesia và Thái Lan xin gia nhập OECD. Với vị trí địa chiến lược
quan trọng và các nền kinh tế phát triển năng động, các nước Đông Nam Á
sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng đóng góp vào tăng trưởng và giải
quyết các thách thức phát triển toàn cầu. Bộ trưởng đề nghị, trong 10
năm tới,
Chương trình SEARP cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò cầu nối để
các nước Đông Nam Á tham gia sâu hơn và thực chất hơn nữa vào quá trình
quản trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực như chuyển đổi xanh, hợp
tác thuế, AI…., trở thành điểm đến của dòng vốn đầu tư chất lượng cao,
thúc đẩy quá trình cải cách để hướng tới các nền kinh tế có tiêu chuẩn
quản trị cao, thân thiện với môi trường và hài hoà về xã hội.
Tại Phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị với chủ đề “Hướng đến một
nền kinh tế và xã hội bao trùm và bền vững”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn
chia sẻ định hướng và tư duy phát triển của Việt Nam. Bộ trưởng nhấn
mạnh Việt Nam không tăng trưởng bằng mọi giá, luôn đặt con người là
trung tâm, chủ thể và mục tiêu của phát triển. Bộ trưởng đề xuất OECD đi
đầu trong thúc đẩy hợp tác toàn cầu, cụ thể: Một là, xây dựng một hệ
sinh thái toàn cầu sáng tạo tận dụng tốt hai xu thế song song là chuyển
đổi xanh và số, tập trung vào đổi mới sáng tạo, AI và chuyển đổi năng
lượng công bằng. Hai là, tạo dựng cơ chế chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng
năng lực để giúp các nước phát huy tối đa tiềm năng con người, khơi
thông các động lực tăng trưởng và thúc đẩy thịnh vượng bao trùm. Ba là,
thúc đẩy các nước OECD hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, công nghệ cho các
nước ngoài OECD triển khai các đột phá chiến lược, đặc biệt về con
người, hạ tầng và thể chế.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, đoàn Việt Nam cũng tham dự nhiều hoạt
động quan trọng khác, bao gồm Đối thoại cấp Bộ trưởng Diễn đàn các cách
tiếp cận giảm phát thải các-bon (IFCMA) và sự kiện “Hướng đến quản trị
AI an toàn, an ninh và đáng tin cậy: Thúc đẩy quản trị AI toàn cầu và
bao trùm”...
VIỆT NAM, THÀNH VIÊN TÍCH CỰC TẠI OECD VÀ CHƯƠNG TRÌNH SEARP
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thành lập năm 1960,
hiện có 38 thành viên, chủ yếu là các nước phát triển. Mục đích của OECD
là tăng cường hợp tác kinh tế, phối hợp chính sách giữa các nước thành
viên về các vấn đề kinh tế và phát triển. OECD có nhiều ảnh hưởng đến
các nước phát triển trong việc xây dựng chính sách hợp tác và phát triển
kinh tế ở tầm toàn cầu. Ngoài các chương trình hoạt động với các nước
thành viên, OECD có một số cơ chế với sự tham gia của các nước không
phải thành viên như Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm phát triển OECD,
v.v.
Từ năm 2007, OECD thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với khu vực Đông Nam Á,
coi khu vực này là ưu tiên chiến lược. Được công bố theo sáng kiến của
Nhật Bản từ năm 2014, Chương trình khu vực Đông Nam Á (SEARP) trở thành
một trong 05 chương trình khu vực của OECD. Chương trình hỗ trợ tiến
trình cải cách kinh tế của các nước khu vực Đông Nam Á thông qua việc
chia sẻ kinh nghiệm phát triển, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền
vững và bao trùm thông qua 13 lĩnh vực hợp tác.
Từ khi thành lập, Chương trình đã trải qua hai
nhiệm kỳ Đồng Chủ tịch (Nhật Bản và Indonesia cho nhiệm kỳ 2014-2018,
Hàn Quốc và Thái Lan cho nhiệm kỳ 2018-2022). Việt Nam và Australia đảm
nhiệm cương vị Đồng Chủ tịch nhiệm kỳ 2022-2025.
Việt Nam là thành viên tích cực của Chương trình SEARP kể từ khi
Chương trình thành lập năm 2014. Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã
phối hợp với OECD tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo và qua đó tranh thủ
được sự tham gia của các chuyên gia OECD thảo luận, tư vấn về các vấn đề
cấp bách và ưu tiên trong phát triển kinh tế xã hội của nước ta như
nâng cao năng suất lao động, phát triển bao trùm, Cách mạng công nghiệp
4.0, hội nhập quốc tế, v.v.
Trong giai đoạn 2022-2025, Việt Nam và Australia đã chính thức tiếp
nhận vai trò Đồng Chủ tịch Chương trình SEARP. Các nước đã xác định 03
ưu tiên trụ cột cho Chương trình trong giai đoạn 2022-2025 là: (i) Phục
hồi kinh tế ngắn hạn; (ii) Cải cách kinh tế trung hạn; và (iii) Tiến gần
hơn đến OECD; và 04 lĩnh vực ưu tiên là: (i) Tự cường kinh tế trước các
cú sốc; (ii) Cải cách giúp khu vực tư nhân phục hồi; (iii) Mở cửa về
thương mại và đầu tư; và (iv) Chuyển đổi xanh và số.
Việc Việt Nam lần đầu được tín nhiệm là Đồng Chủ tịch Chương trình
nhiệm kỳ 2022-2025 cùng Australia có ý nghĩa quan trọng. Đây là lần đầu
tiên ta đảm nhiệm vị trí chủ trì một cơ chế tiêu chuẩn cao của một tổ
chức Việt Nam không phải là thành viên, khẳng định sự ghi nhận vai trò,
vị thế quốc tế của Việt Nam, cũng như tin tưởng của các nước OECD và khu
vực đối với năng lực của Việt Nam trong gắn kết hiệu quả OECD và khu
vực. Trong nhiệm kỳ Đồng Chủ tịch, Việt Nam đã chủ trì tổ chức hai Diễn
đàn Bộ trưởng OECD -Đông Nam Á (năm 2022 và 2023) với chủ đề thiết thực,
gắn chặt với nhu cầu của các nước trong khu vực và phù hợp với ưu tiên,
thế mạnh của các nước OECD. Các Diễn đàn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ
các nước thành viên OECD và ASEAN, với hơn 1.000 khách tham dự và nhiều
đoàn cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng/Quốc vụ khanh, Đại sứ các nước OECD tại
Paris, Đại sứ các nước tại Hà Nội, các quan chức cao cấp, chuyên gia,
học giả và doanh nghiệp.
* Các nước thành viên OECD gồm Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Australia,
Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, New
Zealand, Na Uy, Áo, Bỉ, Chile, Cộng hòa Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary,
Iceland, Ireland, Israel, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Latvia, Litva,
Luxembourg, Mexico, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Thổ Nhĩ Kỳ,
Colombia, Costa Rica.
* Diễn đàn Cao cấp OECD – Đông Nam Á năm 2022 có chủ đề “Kết nối các
khu vực: Thúc đẩy quan hệ đối tác hướng đến chuỗi cung ứng tự cường và
bền vững”. Diễn đàn Bộ trưởng OECD – Đông Nam Á năm 2023 có chủ đề “Đầu
tư bền vững và chất lượng: Động lực mới cho quan hệ đối tác OECD - Đông
Nam Á”; Diễn đàn Đầu tư Việt Nam - OECD năm 2023 có chủ đề “Đẩy mạnh thu
hút đầu tư chất lượng cao phục vụ tăng trưởng xanh, thông minh và bền
vững"./.
TTXVN