Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đã đến lúc, ngành sư phạm phải chấm
dứt tình trạng đào tạo ra không sử dụng, đây vừa là trách nhiệm chính
trị vừa là trách nhiệm xã hội. Để làm được điều đó, không có cách gì
khác là phải đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng và yêu cầu chất lượng.
Ngày 27/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
đã chủ trì Hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm, với sự tham dự của
đại diện 30 trường đại học sư phạm, trường đại học có đào tạo sư phạm và
trường cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước.
Trong một ngày làm việc, Hội nghị tập trung thảo luận, xác định các giải
pháp đổi mới công tác tuyển sinh của các trường sư phạm; phương hướng
công tác mở ngành đào tạo sư phạm năm 2018; đồng thời, giao nhiệm vụ về
đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ nhà giáo đáp ứng chương trình giáo
dục phổ thông mới; tái cấu trúc các trường sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi
mới giáo dục; đề xuất chính sách học phí sinh viên sư phạm.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đã đến lúc,
ngành sư phạm phải chấm dứt tình trạng đào tạo ra không sử dụng, đây
vừa là trách nhiệm chính trị vừa là trách nhiệm xã hội. Để làm được điều
đó, không có cách gì khác là phải đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng và
yêu cầu chất lượng.
Theo Bộ trưởng, cần rà soát nhu cầu về đội ngũ giáo viên của từng địa
phương, đưa ra con số chính xác và cam kết sử dụng sau khi đào tạo. Từ
năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giao chỉ tiêu cho các trường dựa
trên nhu cầu sử dụng mà các địa phương đưa ra. Học sinh vào học ngành sư
phạm phải là những học sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018, điểm đầu
vào sư phạm nằm trong top đầu, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu
mà chấp nhận điểm đầu vào thấp.
Về việc khắc phục tình trạng dư thừa giáo viên của những năm trước để
lại, Bộ trưởng cho rằng, đây là việc chưa thể khắc phục ngay nhưng phải
làm từng bước. Các trường sư phạm cần chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn
các địa phương để xây dựng các chương trình đào tạo chuyển đổi sao cho
phù hợp. Trước yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ
trưởng đề nghị, các trường sư phạm nhanh chóng xây dựng danh mục giảng
viên sư phạm chủ chốt ở tất cả các môn học. Đội ngũ này cần tích cực
tham gia góp ý cho các môn học theo hướng kiến thức phải sát với thực
tiễn và kế thừa hiện hành; đồng thời, tham gia vào xây dựng chương trình
đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các trường phổ thông đáp ứng được yêu cầu
đổi mới.
Để có căn cứ cho quá trình triển khai bồi dưỡng, đào tạo giáo viên, Bộ
trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phải nhanh chóng hoàn thiện để ban
hành các chuẩn giáo viên, chuẩn cán bộ quản lý, chuẩn Hiệu trưởng, chuẩn
giảng viên sư phạm… Từ chuẩn mới có thể đo đếm chất lượng và có phương
án bồi dưỡng hoặc thay thế. Việc này phải làm theo hình thức cuốn chiếu,
không làm ồ ạt và chú trọng phương pháp đào tạo trực tuyến.
Đối với vấn đề tái cấu trúc các trường sư phạm, Bộ trưởng khẳng định,
đây là xu hướng tất yếu nhưng cần có lộ trình, trong đó, cần có khung
đánh giá kỹ thực trạng các trường sư phạm hiện nay để tìm ra những vấn
đề còn vướng và tham chiếu với kinh nghiệm của một số nước. Bộ trưởng
nhấn mạnh: Đây là thời điểm, cơ hội tốt nhất để tái cấu trúc, nâng cao
chất lượng đào tạo sư phạm. Vì vậy, từng trường sư phạm căn cứ vào nhu
cầu để có quy trình, cách đi phù hợp. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ trình Chính
phủ đề án tái cấu trúc các trường sư phạm.
Thảo luận tại hội thảo, lãnh đạo một số trường sư phạm cho rằng, thực tế
hiện nay, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của nhiều trường sư phạm
chưa đảm bảo cân đối về cơ cấu, trình độ và ngành nghề để đáp ứng nhu
cầu nhân lực của thị trường lao động, theo từng vùng miền, địa phương.
Các chính sách thu hút người có năng lực theo học sư phạm chưa hấp dẫn.
Hệ quả là nhiều ngành sư phạm cần có chỉ tiêu tuyển sinh nhưng không
tuyển sinh được. Điều kiện đảm bảo chất lượng của nhiều trường còn hạn
chế.
Từ thực tế này, giải pháp được nêu ra để triển khai ngay từ năm 2018 là
đào tạo sư phạm phải gắn với nhu cầu sử dụng. Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố xác định nhu cầu nhân lực sư phạm trong các giai đoạn trung và
dài hạn, xây dựng kế hoạch đặt hàng, tuyển dụng và phân công công việc
sau khi đào tạo. Các cơ sở đào tạo xây dựng đề án tuyển sinh cho từng
ngành đào tạo giáo viên trên cơ sở đề xuất của địa phương và năng lực
của cơ sở, đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định hiện
hành. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm theo cơ
chế đặt hàng dựa trên cơ sở nhu cầu của địa phương, năng lực của cơ sở
đào tạo.
Cùng với giải pháp về tuyển sinh, các giải pháp về tài chính cũng được
thảo luận theo hướng, ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở giáo dục đại
học theo định mức kinh tế kỹ thuật qua việc giao chỉ tiêu và kết quả
tuyển sinh. Việc giao chỉ tiêu cần rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở
đào tạo sư phạm, đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng, đồng thời cần có
chính sách điểm sàn riêng đối với ngành sư phạm để tuyển sinh được
những người khá, giỏi./.
(TTXVN)