Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp điện tử, Bộ TT&TT xác
định ưu tiên số 1 cho phát triển nhân lực, xây dựng các cơ chế, chính
sách để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực Việt Nam hướng tới đạt chuẩn
quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo “Phát triển nhân lực điện tử Việt Nam – Nhật
Bản” do Bộ TT&TT tổ chức ngày 29/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ
TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh công nghiệp điện tử hiện có vị trí
then chốt trong nền kinh tế Việt Nam, tác động mạnh đến các ngành khác.
Thời gian qua công nghiệp điện tử Việt Nam đạt doanh thu xuất khẩu
điện tử, phần cứng hiện đứng trong top 12 thế giới, tốc độ tăng trưởng
trung bình hàng năm đạt 20-30%; nhiều tập đoàn đã đầu tư và liên tục mở
rộng quy mô như Intel, Samsung Electronic, Canon, Microsoft…
Cùng đó, hiện số lượng lao động trong ngành công nghiệp điện tử đạt
350.000 người. Năm 2016 ước tính doanh thu phần cứng điện tử đạt khoảng
46 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 16%. Riêng xuất khẩu điện thoại di động
đạt 30,8 tỷ USD, tăng gần 30%. Xuất siêu phần cứng điện tử đạt 12 tỷ
USD.
Công nghiệp điện tử cũng đã được lựa chọn là một trong 6 ngành chiến
lược trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, được cụ thể hóa thông
qua Quyết định 1290/QĐ-TTg ngày 1/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Kế hoạch hành động công nghiệp điện tử thuộc Chiến lược Công
nghiệp hóa Việt Nam – Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, là nước đi sau, công nghiệp
điện tử Việt Nam từ trước tới nay chủ yếu dựa vào những lợi thế như nhân
công dồi dào, chi phí thấp, người Việt khéo tay, kiên nhẫn, rất phù hợp
với yêu cầu của ngành công nghiệp điện tử.
Tuy nhiên trong giai đoạn tới, cuộc cách mạng số - cuộc cách mạng
công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới với tốc
độ nhanh, quy mô chưa từng thấy với hàng loạt công nghệ mới như in 3D,
robot, trí tuệ nhân tạo, Internet of Things…
Cùng đó, xu thế thị trường công nghiệp điện tử thế giới
trong giai đoạn tới sẽ hướng đến các sản phẩm công nghệ cao có kích
thước gọn nhẹ nhiều chức năng, hoạt động sản xuất sản phẩm điện tử dựa
trên tự động hóa, robot hóa sẽ ngày càng diễn ra mạnh mẽ.
“Thực tế đang đòi hỏi lực lượng lao động công nghiệp điện tử phải có
sự chuyển dịch phù hợp để phát triển”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn
mạnh.
Để nắm bắt được thời cơ của cuộc cách mạng số cũng như xu thế phát
triển của công nghiệp điện tử, Bộ TT&TT xác định ưu tiên số 1 cho
phát triển nhân lực, xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát
triển nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, chú trọng tăng nhanh tỷ lệ nhân
lực trình độ cao hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. Và để thực hiện thành
công cần có sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ ngành liên quan trong điều
chỉnh chính sách về đào tạo, nâng cao kỹ năng và phát triển nguồn nhân
lực.
Trong thời gian qua, giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều hợp tác
đào tạo phát triển nguồn nhân lực điện tử như “Dự án JICA-HaUI” của
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo nghề điện tử tiêu chuẩn Nhật
Bản, dự án HEDSPI của Đại học Bách khoa Hà Nội theo tiêu chuẩn ITSS Nhật
Bản…, đã đào tạo hàng trăm kỹ sư điện tử, CNTT đạt tiêu chuẩn quốc tế,
góp phần giúp thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu đối với nguồn nhân
lực trình độ cao./.
Theo ICTnews