Theo trang Medium, ngày 19/9 vừa qua, L’Obervatoire de ladéontologie de
l’information (ODI) đã tổ chức một hội nghị bàn tròn về chủ đề hoạt động
đưa tin của báo chí trong loạt vụ khủng bố hôm 14/7 tại Nice, Pháp. Đại
diện các hãng truyền thông, từ báo chí địa phương đến các công ty
truyền thông quốc tế đã chia sẻ những trải nghiệm của họ trong và sau
loạt vụ khủng bố.
Denis Carreaux, giám đốc biên tập của Nice-Matin, một tờ báo địa phương,
đã mở đầu hội nghị bằng việc đưa ra một số ý kiến về cách làm việc
trong một tình huống không được chuẩn bị trước như vậy.
"Chúng tôi đã không được chuẩn bị để đưa tin về loạt vụ tấn công tại
Nice. Trong 15 ngày, chúng tôi đã viết được 150 trang tin tức về vụ
việc, chưa kể đến nội dung web. Điều này là chưa từng có," Carreaux chia
sẻ.
"Khi chúng tôi biết tin đêm đó, rất nhiều hình ảnh và mô tả chi tiết bắt
đầu được gửi đến qua mạng xã hội chỉ vài phút sau khi vụ tấn công xảy
ra. Sự nhanh chóng đó là rất khác thường với chúng tôi."
Nicolas Vanderbiest, chuyên gia khủng hoảng và ảnh hưởng trên mạng xã
hội đến từ Đại học công giáo Louvain chỉ ra rằng số lượng tweet trong vụ
tấn công này không lớn nếu so với các sự kiện khác trên Twitter.
"Thực ra là không có nhiều tweet lắm; điều đó là bất thường với các nhà
báo, và lượng thông tin cũng không nhiều. Tổng cộng, chúng tôi chỉ có 3
tin đồn về tình huống bắt con tin, với một lượng tweet gốc có nội dung
rõ ràng. Điều quan trọng là phải dùng bộ lọc để loại bỏ nhiễu và đưa tin
hiệu quả hơn."
Loại bỏ nhiễu và xác minh thông tin
"Chúng tôi đã phải quay lại với các vấn đề báo chí cơ bản để tránh bị
cảm xúc chi phối, ngay cả khi rất khó làm điều đó. Chúng tôi đã làm việc
với hai nguồn thông tin chính: thông tin từ phóng viên tại hiện trường,
và thông tin từ các mạng xã hội. Chúng tôi phải sàng lọc xem tin tức
nào chính xác và tin tức nào thì không," Carreaux cho biết.
Nice-Matin đã nhận được cuộc gọi báo về tình huống bắt con tin. Tuy
nhiên, tòa soạn đã chọn không đưa tin về những khẳng định này. Carreaux
giải thích rằng đôi khi những nhân chứng trung thực nhất cũng có thể báo
tin sai.
"Mọi người đều sợ hãi, một số đã ẩn náu trong một nhà hàng, với những
cánh cửa bị khóa và rất nhiều cảnh sát có mặt. Đó là lý do vì sao một số
người tin rằng đã xảy ra tình huống bắt cóc con tin."
Một điều cần lưu ý nữa khi sử dụng mạng xã hội như một nguồn tin là sự thiếu tính đại diện.
"Những nhóm hoạt động tích cực nhất trên mạng xã hội thường rất sôi nổi,
nhưng họ không đại diện cho công chúng nói chung. Ở Pháp chẳng hạn, phe
cực hữu thường hay đăng đàn nhất trên mạng xã hội," Vanderbiest nói
thêm.
Trong những phút đầu tiên của vụ tấn công, các mạng xã hội đã tràn ngập
video, hình ảnh và tin tức. Nhiều hãng truyền thông đã đưa một số tin
sai, đáng chú ý nhất là chỉ ra một trang Facebook được cho là của tài xế
xe tải gây ra vụ việc (nhưng không phải như vậy). "Thương hiệu của
Nice-Matin đã giúp chúng tôi nói được với công chúng tin nào là thật và
tin nào là không; chúng tôi có trách nhiệm làm điều đó", Carreaux chia
sẻ.
Vanderbiest nói thêm: "Trong những tình huống như vậy, rất nhiều người
sẽ đặt ra câu hỏi: "Có thật vậy không?" Công chúng và truyền thông có
một mối quan hệ chặt chẽ. Công chúng sẽ tìm đến truyền thông trước tiên
để biết một tin tức có đúng hay không. Họ không hỏi cơ quan chức năng,
họ hỏi các nhà báo trực tiếp qua mạng xã hội. Điều đó có nghĩa là công
chúng tin vào các nhà báo trong những tình huống đó."
Về những lựa chọn biên tập cần được các nhà báo địa phương đưa ra trong
thời gian nhạy cảm, báo chí đã chọn không đăng bất cứ video nào ghi lại
vụ việc. Carreaux giải thích: "Hình ảnh chân thực nhất sẽ được chúng tôi
đăng lên trang nhất của báo in vào ngày hôm sau. Chỉ ra sự kinh hoàng
là điều quan trọng, nhưng cần phải làm điều đó với sự tôn trọng."
Đại diện Radio Canada, phóng viên Sylvain Desjardins cho biết: "Chúng
tôi ngay lập tức cử hai người, một từ Brussels và một từ Paris đến hiện
trường. Rất nhiều nội dung tin tức được đưa ra trên mạng xã hội. Họ đã
sử dụng chúng, nhưng với tư cách những nguồn tin tiềm năng thay vì những
thông tin đã được chính thức xác minh."
Desjardins cảnh báo: "Luôn phải sử dụng các quy tắc báo chí như nhau bất
kể nguồn tin là gì, và phải dùng ngôn ngữ có điều kiện nếu cần thiết.
Ban đầu, những hình ảnh khủng khiếp được hiểu như những mẩu tin hữu dụng
để cảm nhận rõ hơn về thực tế: Đó là một phản xạ khẩn cấp. Sau đó chúng
tôi bỏ những hình ảnh đó đi. Chúng tôi dùng đến phán đoán của mình, dù
như thế có nghĩa là sẽ đưa tin chậm hơn."
"Đối với chúng tôi, mạng xã hội là công cụ tuyệt vời, nhưng chỉ khi
chúng tôi sử dụng chúng dựa trên những nguyên tắc báo chí của mình mà
thôi. Chúng tôi sử dụng chúng cho việc đăng tin ngay lập tức, như một
nguồn tin và xác minh trực tiếp, cũng như tạo ra những tương tác giữa
con người - giúp các gia đình tìm người thân của họ, hay tìm các nhân
chứng. Lùi lại một bước chính là bài học lớn nhất của chúng tôi. Tôi tin
rằng hoạt động đưa tin của chúng tôi đã thay đổi từ sự kiện tháng Bảy
đó," Carreaux nói thêm.
Thảo luận về việc đưa tin tấn công khủng bố. (Nguồn: medium.com)
Những nội dung nên và không nên đưa tin
Đó là những lời mở đầu từ Grégoire Lemarchand, giám đốc truyền thông xã
hội của Agence France Presse (AFP), hãng tin với hơn 1400 nhà báo đang
làm việc. Ông nói thêm: "Bất cứ điều gì bạn làm cũng sẽ được đưa lên
mạng xã hội đầu tiên. Chúng tôi từng chỉ làm việc trên mạng xã hội khi
không thể huy động các phóng viên. Bây giờ thì chúng tôi làm việc ngay
tại hiện trường và trên mạng xã hội cùng một lúc."
Do AFP không làm mờ các hình ảnh, các biên tập viên thường xuyên phải
lựa chọn giữa những hình ảnh không gây sốc, cũng như "phải mang đến giá
trị biên tập cho độc giả. Kinh nghiệm có thể giúp xác định giới hạn
những gì có thể đăng lên và những gì không thể đăng", Lemarchand cho
biết.
Về cách sử dụng phương tiện truyền thông xã hội như một nguồn tin, ông
cho hay: "Chúng tôi phải nhanh chóng, xác minh thông tin, cũng như liên
hệ với những người liên quan để xin phép sử dụng nội dung, xác nhận
quyền tác giả... Sau đó phải làm gì khi bạn nhìn thấy những bức ảnh hay
video khủng khiếp? Không có quy tắc nào, mỗi yếu tố đều xứng đáng được
phản ánh. Mỗi hình ảnh đều có sự khác biệt của nó."
Khi được hỏi về những bài học quan trọng tại AFP sau vụ tấn công ở Nice,
Lemarchand chia sẻ: "Chúng tôi muốn đưa tin nhanh hơn mà không bị mắc
bẫy tin tức giả. Chúng tôi cố gắng tập huấn các quy trình xác minh cho
các nhà báo của mình. Phóng viên hiện trường đã quen với việc là nhân
chứng trong những tình huống khó khăn, nhưng khi hiện trường là mạng xã
hội, các biên tập viên cũng sẽ phải tiếp xúc với những hình ảnh thô. Họ
cũng cần phải được chuẩn bị sẵn sàng."
Lemarchand sau đó nói thêm: "Chúng ta [các nhà báo] có một vai trò mới.
Chúng ta không còn là những người đưa những tin tức mới nhất nữa. Chúng
ta là những người có khả năng xác minh tin tức và giải thích chúng. Đó
là vai trò của các nhà báo hiện nay."
Sự tiết chế
"Chúng tôi [20 Minutes, một tờ báo quốc gia và là công ty truyền
thông năng động nhất trên mạng xã hội tại Pháp] khởi đầu là một tờ báo
được bán tại ga tàu điện ngầm, chúng tôi luôn mang tin tức đến bất cứ
nơi đâu mà mọi người dành thời gian ở đó. Ngày nay, thời gian đó được
dành cho mạng xã hội. Ngày nay, một phần ba độc giả của chúng tôi tới từ
mạng xã hội," Anne Kerloc'h, tổng biên tập của 20 Minutes cho hay.
Khi được đề nghị chia sẻ kinh nghiệm với tư cách phóng viên trong sự
kiện ngày 14 tháng 7 ở Nice, bà cho biết: "Ưu tiên hàng đầu của chúng
tôi là an toàn; hệ thống báo động là trách nhiệm của chúng tôi: Chia sẻ
khuyến cáo của cơ quan chức năng, những thông tin thiết yếu ảnh hưởng
đến an toàn công cộng." Bà nói thêm: "Ưu tiên thứ hai của chúng tôi là
làm sạch những bài viết đã chuẩn bị đưa lên mạng xã hội." Getting rid of
other messages. Sadly we had some practice before.”
Tại 20 Minutes, việc sử dụng mạng xã hội là rất quan trọng, nhất là khi
đưa tin về một sự kiện như vụ tấn công hôm 14 tháng 7 ở Nice. Phần bình
luận trên Facebook được dùng để trả lời các câu hỏi từ người dùng, hầu
hết muốn biết về mức độ chính xác của tin đồn họ vừa nghe được.
"Trang Facebook của chúng tôi có hơn 2 triệu người hâm mộ và nhận được
hơn 20 nghìn bình luận mỗi ngày. Trong loạt vụ tấn công tại Paris hôm
13/11 năm ngoái, chúng tôi cũng đã nhận được vô số bình luận chia buồn
và bày tỏ sự đoàn kết. Nhưng sự kiện ở Nice thì khác: Đó là vụ tấn công
thứ ba trong năm, đã có nhiều trẻ em và thậm chí là cả gia đình bị sát
hại. Những bình luận đã trở nên giận dữ hơn, và chúng tôi phải nỗ lực
rất nhiều để tiết chế."
Khi được hỏi về kinh nghiệm tại 20 Minutes và loạt vụ tấn công tại Nice
đã thay đổi cách làm việc của các nhà báo như thế nào, Kerloc’h chia sẻ:
"Chúng tôi đã giữ được bình tĩnh trong một tình huống rất căng thẳng.
Trong những tình huống như vậy, chúng tôi sẽ ở trạng thái luôn học hỏi.
Cùng với thời gian, sự nhạy cảm của chúng tôi tăng lên và mỗi câu chuyện
tin tức cũng trở nên khác biệt. Mỗi ngày là một ngày mới để đặt ra
những câu hỏi mới."
Những bài học chủ chốt về mạng xã hội trong một vụ tấn công khủng bố:
- Đề cao sự an toàn nên là ưu tiên số một.
- Kiểm tra thông tin trước khi chia sẻ, sử dụng mạng xã hội như một
nguồn tin nhưng cần dựa trên các nguyên tắc cơ bản của báo chí.
- Dùng khả năng phán đoán để ra quyết định sẽ đăng tải và chia sẻ tin tức nào.
- Trả lời các câu hỏi, tương tác với độc giả, giải thích thông tin.
- Làm sạch danh sách các bài viết dự kiện về các chủ đề khác.
- Sử dụng bộ lọc trên Twitter để loại bỏ các tin gây nhiễu và thể hiện sự cẩn trọng./.
Mai Nguyễn/Vietnam+