Thứ Năm, 28/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Ba, 27/9/2016 14:11'(GMT+7)

Từ năm 2017, Hà Nội phân cấp quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông

Việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, KT-XH trên địa bàn Hà Nội trong đó có lĩnh vực TT&TT tại Quy định mới ban hành sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 (Ảnh minh họa)

Việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, KT-XH trên địa bàn Hà Nội trong đó có lĩnh vực TT&TT tại Quy định mới ban hành sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 (Ảnh minh họa)

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký quyết định ban hành Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Cùng với việc ban hành Quy định phân cấp  quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, KT-XH trên địa bàn Hà Nội, quyết định của UBND Thành phố cũng nêu rõ, việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, KT-XH trên địa bàn Hà Nội tại Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Các quy định phân cấp quản lý nhà nước về các lĩnh vực KT-XH do UBND TP Hà Nội đã ban hành nếu trái với nội dung quy định tại quyết định này đều bãi bỏ.

Mục tiêu của quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, KT-XH trên địa bàn Hà Nội là nhằm phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền địa phương; vừa tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính tích cực, chủ động cho cơ sở, vừa bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của chính quyền thành phố; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố để phục vụ nhân dân tốt hơn, phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Theo đó, UBND Thành phố quy định cụ thể về phân cấp quản lý nhà nước trên địa bàn Hà Nội với các lĩnh vực hạ tầng, KT-XH gồm: đường bộ; chiếu sáng công cộng; công viên, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ; thoát nước đô thị và xử lý nước thải; vệ sinh môi trường; bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm đón-trả khách, vận tải hành khách tuyến cố định và vận tải hành khách công cộng; cấp nước sạch; thủy lợi; đê điều; rừng; TT&TT; giáo dục đào tạo, dạy nghề; văn hóa, thể thao, du lịch; y tế; công tác phục vụ tang lễ.

Trong đó, đối với quản lý TT&TT, theo quy định phân cấp mới ban hành, Thành phố quản lý đầu tư hạ tầng CNTT dùng chung và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm dùng chung cho các cơ quan quản lý nhà nước ở cả 3 cấp của Thành phố (cấp Thành phố, cấp huyện, cấp xã).

Bên cạnh đó, Thành phố cũng chịu trách nhiệm quản lý sau đầu tư với các nội dung công việc như: duy tu, bảo trì hạ tầng CNTT dùng chung và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm dùng chung cho các cơ quan quản lý nhà nước ở cả 3 cấp quản lý của Thành phố; duy trì các đài phát thanh truyền hình thuộc Thành phố; đồng thời quản lý cấp phép xây dựng các công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động (trạm BTS) trên địa bàn; quản lý các hoạt động báo chí, xuất bản và các đài phát thanh truyền hình thuộc Thành phố theo thẩm quyền.

Ở cấp huyện, theo quy định phân cấp mới được ban hành, các huyện sẽ quản lý việc đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đối với các đài phát thanh, truyền thanh cấp huyện, cấp xã trên địa bàn; phối hợp quản lý và khai thác hạ tầng kỹ thuật CNTT, các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung được Thành phố triển khai tại đơn vị; quản lý, duy trì, bảo trì, vận hành các đài phát thanh, truyền thanh cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.

Ngoài ra, cấp huyện cũng được Thành phố phân công quản lý các hoạt động của đài phát thanh, truyền thanh cấp huyện, cấp xã trên địa bàn theo thẩm quyền.

Trước đó, ngày 3/8/2016, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Nghị quyết 08 về việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, KT-XH trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có lĩnh vực TT&TT. Nghị quyết quy định, việc phân cấp quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực trên địa bàn Hà Nội phải đàm bảo các nguyên tắc như: Đúng quy định pháp luật hiện hành quy định tại Khoản 2 Điều 11 và Khoản 1 Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Đảm bảo tính kế thừa những ưu điểm, khắc phục các nhược điểm trong quy định phân cấp giai đoạn 2011-2015 và phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế, khả năng, năng lực quản lý của từng cấp; Đảm bảo tính đồng bộ, tính hệ thống, tính liên tục, không trùng, không sót trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý nhà nước. Trách nhiệm, quyền hạn của cấp chính quyền nào thì cấp đó phải làm.

Đồng thời, việc phân cấp quản lý cũng phải đảm bảo nguyên tắc tạo điều kiện tối đa cho cấp huyện phát huy cao nhất tính sáng tạo, linh hoạt, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp; đảm bảo phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa ngành với ngành và giữa ngành với cấp trong quản lý theo ngành, lĩnh vực và quản lý theo địa bàn; Đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, gắn quyền hạn với trách nhiệm giải quyết công việc và cải cách hành chính trong các lĩnh vực được phân cấp; gắn với trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền địa phương. Gắn phân cấp quản lý với tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thực hiện sau phân cấp…/.

Theo Chinhphu.vn



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất