Đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, Bộ TT&TT sẽ quản lý theo
hướng trung lập về công nghệ. Như vậy, Bộ TT&TT chỉ cấp băng tần
cho các doanh nghiệp, nhưng dùng băng tần đó cho công nghệ nào do nhà
mạng tự quyết định.
Tại Hội thảo quốc tế 4G LTE 2016 được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Anh
Tuấn, Phó Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số vô
tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, Bộ TT&TT sẽ có những thay đổi
trong chính sách quản lý tần số. Theo đó, Bộ TT&TT quản lý theo
hướng trung lập về công nghệ. Bộ TT&TT chỉ cấp băng tần cho các
doanh nghiệp, nhưng dùng băng tần đó cho công nghệ nào như 3G, 4G, 5G…
do nhà mạng tự quyết định. Bộ TT&TT không quy định cụ thể băng tần
đó dùng cho công nghệ nào.
Trả lời ICTnews xung quanh vấn đề tần số cho 4G, nguyên Thứ trưởng Bộ
TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, xu hướng quản lý tần số theo hướng
trung lập về công nghệ đã được đặt ra từ trước. Chẳng hạn như 3 nhà mạng
lớn là Viettel, VinaPhone, MobiFone hiện đã được cấp băng tần 1800 MHz
và đang thử nghiệm 4G trên băng tần này. Nếu theo tinh thần trung lập về
công nghệ các nhà mạng có thể sử dụng những băng tần đã được cấp phép
để triển khai cho những công nghệ mới như 4G.
Cũng tại Hội thảo này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, Bộ
TT&TT coi trọng sự phát triển của thông tin di động băng rộng, góp
phần phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam đã xây dựng chiến lược xây dựng
chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng băng rộng 3G, 4G phủ đến 95% dân cư,
có giá cước hợp lý phù hợp với cơ chế thị trường. Các mạng di động đã
phủ kín 3G trên toàn quốc. Bộ đã cấp phép thử nghiệm 4G cho 4 doanh
nghiệp. Cả 3 doanh nghiệp lớn là Viettel, MobiFone, VNPT đang thử nghiệm
và hoàn tất thủ tục xin cấp phép 4G sử dụng băng tần 1800 MHz.
Chỉ
đạo tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT vào ngày
12/7/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn yêu cầu các nhà mạng
phải khẩn trương đánh giá kết quả thử nghiệm 4G, đánh giá tất cả các chỉ
tiêu về chất lượng dịch vụ, mức độ gây can nhiễu, sau khi đánh giá phải
sớm thực hiện quy trình xử lý hồ sơ cấp giấy phép viễn thông của doanh
nghiệp, đề nghị các nhà mạng cố gắng hoàn thiện sớm.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho hay, mới đây Phó Thủ
tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về vấn đề triển khai 4G. Phó Thủ
tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong năm 2016 phải cấp phép cung cấp dịch vụ
4G. Do đó nếu các nhà mạng làm nhanh báo cáo kết quả thử nghiệm sẽ cấp
phép sớm. Cố gắng cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 sẽ chính thức cấp phép
cho doanh nghiệp đủ điều kiện, việc cấp phép triển khai 4G phải đảm bảo
bình đẳng giữa các nhà mạng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh
tranh lành mạnh với nhau.
"Theo quy định, Bộ TT&TT sẽ thẩm định và cấp phép sau 15 ngày
nhận được hồ sơ hoàn thiện, trên cơ sở nhà mạng làm nhanh thì Bộ
TT&TT cấp phép sớm, việc này tùy thuộc vào chính các nhà mạng", Bộ
trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị này, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel cho
biết, Viettel đã sản xuất được thiết bị 4G, nhiều thiết bị này được
triển khai tại Việt Nam. Viettel cũng hoàn thành thử nghiệm thiết lập
mạng và cung cấp dịch vụ 4G tại Vũng Tàu, phối hợp với Cục Viễn thông
thực hiện đo kiểm chất lượng dịch vụ 4G để kết thúc việc thử nghiệm. Vì
vậy, ông Hoàng Sơn đề nghị Bộ TT&TT tạo điều kiện cấp phép 4G cho
Viettel vào đầu tháng 9 tới.
Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cũng kiến nghị Bộ
TT&TT sớm cấp phép triển khai cung cấp dịch vụ 4G. Việc triển khai
4G giúp Hà Nội sớm hiện đại hóa hạ tầng viễn thông, làm nền tảng để xây
dựng Chính phủ điện tử, cung cấp các dịch vụ hành chính công một cách
thuận lợi hơn./.
Theo ICTnews