Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ,
phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 của Bộ TT&TT đặt mục tiêu xây dựng và
hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi
cho DN phát triển, trở thành động lực của nền kinh tế.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vừa ký quyết định ban hành "Chương trình
hành động thực hiện Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ
trợ, phát triển DN đến năm 2020 của Bộ TT&TT".
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Chương trình hành động của Bộ
TT&TT xác định rõ 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn là: Cải cách hành
chính, tạo thuận lợi cho DN; Đảm bảo quyền kinh doanh, quyền tiếp cận
bình đẳng nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN; Bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp cho DN.
Cụ thể, với nhóm giải pháp cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN,
cùng với việc thực hiện nghiêm Nghị quyết 19 của Chính phủ về những
nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao
năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và
Quyết định 225 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cải cách hành
chính giai đoạn 2016-2020, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT cũng được yêu
cầu phải nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ
điện tử để công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện cho DN giám sát hoạt
động của cơ quan nhà nước qua môi trường mạng.
Đồng thời, mở chuyên mục hỗ trợ phát triển DN trên trang thông tin
điện tử; công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh (nếu có),
kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của DN trên trang thông tin điện
tử của cơ quan, đơn vị mình. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và
đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm có đủ phẩm chất,
năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần hỗ trợ DN.
Đối với việc bảo đảm quyền kinh doanh, quyền tiếp cận bình đẳng nguồn
lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, theo Chương trình, các giải
pháp sẽ được tập trung thực hiện trong thời gian tới gồm có: rà soát các
quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm để điều chỉnh, bổ sung
hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của DN; xây
dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối DN theo cụm liên kết
ngành, chuỗi giá trị, kết nối với các DN lớn, DN đầu tư nước ngoài, định
hướng gắn kết đến thị trường quốc tế.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa các DN nhà nước; bán
vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ, gồm cả những DN
đang kinh doanh hiệu quả, tạo cơ hội cho khối DN tư nhân phát triển; hỗ
trợ, tạo điều kiện cho DN xã hội phát triển…
Với nhóm giải pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho DN, Bộ trưởng
giao Vụ Thông tin cơ sở chủ trì, phối hợp Cục PTTH&TTĐT rà soát,
hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông hoạt động đúng quy định,
phản ánh đúng tình hình; phát huy vài trò hỗ trợ DN tiếp cận thông tin,
xây dựng và quảng bá thương hiệu, tôn vinh DN hoạt động đúng pháp luật
và đóng góp vào phát triển KT-XH của đất nước.
Đồng thời, hai đơn vị này cũng được giao thống kê, tổng hợp các tin
bài phát hiện những hành vi tiêu cực, cản trở DN gửi các cơ quan có thẩm
quyền giải quyết và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
Các đơn vị thuộc Bộ TT&TT được yêu cầu trong chức
năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, nghiên cứu xây dựng Kế hoạch triển khai
và tổ chức thực hiện Chương trình hành động tại đơn vị; thường xuyên
kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu, nhiệm vụ và giải
pháp của Chương trình và Kế hoạch. Vụ Quản lý Doanh nghiệp được giao làm
đầu mối, chịu trách nhiệm đôn đốc và tổng hợp báo cáo kết quả thực
hiện "Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của
Chính phủ về hỗ trợ, phát triển DN đến năm 2020 của Bộ TT&TT" với
lãnh đạo Bộ./.
Theo ICTnews