Trong quá trình tìm kiếm phạm vi, thật khó có nền tảng nào có thể đánh
bại được con số 1,7 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, hay đáng chú ý
hơn là hơn 1 tỷ người tiếp cận với dịch vụ ít nhất một lần mỗi ngày của
Facebook.
Liệu ích lợi của việc cho phép các nền tảng xã hội đăng tải sản phẩm báo
chí có bù đắp được những bất cập của nó hay không? Hầu hết các đơn
vị xuất bản sẽ trả lời có và đưa ra luận điểm “lành làm gáo, vỡ làm
muôi.”
Một số có cái nhìn lạc quan hơn, cho rằng các đơn vị xuất bản nên đi
đến nơi nào có độc giả, khán giả, chia sẻ doanh thu quảng cáo và tin
tưởng rằng họ có thể biến những người quan tâm nhất thời thành những độc
giả trung thành (và trả tiền lâu dài cho sản phẩm của họ).
Nhưng không thể loại trừ khả năng thể hiện tượng này rồi sẽ dẫn tới sự
phụ thuộc của báo chí vào truyền thông xã hội, gây mất kiểm soát và cuối
cùng là thiệt hại kinh tế?
Trong tuần vừa qua, Katherine Viner, biên tập viên của tờ The Guardian
đã có bài viết và nói về tác động của công nghệ tới ngành tin tức, trong
đó đưa ra luận điểm rằng “các công ty truyền thông xã hội đang trở nên
hùng mạnh, giữ vị thế áp đảo trong việc xác định nội dung đọc và khả
năng thu lợi của chúng ta.” Nỗi ám ảnh về thay đổi thuật toán và sự sẵn
sàng từ bỏ kiểm soát nội dung là những bằng chứng cho xu hướng này.
Cái tên tiêu biểu nhất trong số những công ty truyền thông xã hội được
Viner nhắc tới là Facebook. Tháng 9 tới đây sẽ đánh dấu 10 năm ngày nền
tảng do Mark Zuckerberg sáng lập nên được mở rộng ra ngoài phạm vi các
trường đại học.
Trong thập kỷ đó, Facebook đã chuyển mình từ một mạng xã hội mở thành
một nền tảng quảng cáo với mong muốn đăng tải – chứ không chỉ là chia sẻ
liên kết tới các nội dung. Ngày nay, Facebook có nhiều điểm tương đồng
hơn với AOL, CompuServe và Prodigy – những khu vườn kín cổng cao tường
của những năm 1990, luôn tự giả định rằng mọi thứ sẽ vận hành trong phạm
vi của bản thân nó – so với công ty Facebook của năm 2006.
Trong cuốn sách năm 2008 mang tên “The Future of the Internet and How to
Stop It” (tạm dịch: Tương lai của Internet và cách chặn đứng nó),
Jonathan Zittrain đã nhìn nhận AOL và các nền tảng tương tự khác như một
đối trọng với internet. Ông mô tả internet như một nền tảng “sáng tạo”,
một nền tảng “thúc đẩy sự cải tiến”, trái ngược với dịch vụ được các
công ty như AOL cung cấp mà ông gọi là “những thiết bị vô trùng nối với
một mạng lưới kiểm soát.”
Tại thời điểm viết sách, khung tham chiếu mấu chốt của Zittrain là chiếc
iPhone, được ra mắt một năm trước đó. Dù thừa nhận rằng chiếc iPhone
được thiết kế rất đẹp mắt, song ông cũng cảnh báo rằng sự kiểm soát bao
trùm lên cả phần mềm lẫn phần cứng của công ty này sẽ đi ngược lại với
“phần lớn những gì chúng ta coi là quý giá về mạng internet.”
Luận đề này không hề bị Zittrain tự bác bỏ khi Apple giới thiệu cửa hàng
ứng dụng (App Store) và cho phép người ngoài thiết kế các chương trình
cho iPhone. Ông chỉ ra rằng Apple vẫn tiếp tục tiến hành kiểm soát mạnh
mẽ nguồn cung cho cửa hàng của mình, thậm chí còn gỡ bỏ từ xa các ứng
dụng đã tài xuống trong thiết bị của người dùng.
"Mặc dù ý tưởng về các ứng dụng được nối với thiết bị là rất thuyết
phục, song tôi muốn đưa ra một xu hướng khác đang diễn ra trong thời đại
ngày nay: đó là việc ta đang tự nguyên nối bản thân mình với các ứng
dụng. Chúng ta, những người dùng, đang tụ hội quanh một bộ nhỏ những ứng
dụng mang lại phạm vi tiếp xúc mà ta cần. Phạm vi này không chỉ có ý
nghĩa với các nền tảng xã hội, mà còn có ý nghĩa với người sử dụng: một
mạng xã hội không có bạn bè, gia đình hay đồng nghiệp giống như một bữa
tiệc không có khách khứa, " ông nêu.
Và trong quá trình tìm kiếm phạm vi, thật khó có nền tảng nào có thể
đánh bại được con số 1,7 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, hay đáng
chú ý hơn là hơn 1 tỷ người tiếp cận với dịch vụ ít nhất một lần mỗi
ngày của Facebook.
Tuy nhiên phạm vi này không chỉ có mặt tốt mà còn có những hạn chế, đối
với các nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng các sản phẩm báo chí chất
lượng. Những nền tảng đóng, độc quyền và phụ thuộc chủ yếu vào thuật
toán này:
- Kéo dài góc nhìn thế giới của chúng ta bằng việc đưa ra những nội dung
được gợi ý từ các hành vi trước đó thay vì đưa ra những tiếng nói khác,
hay những bất ngờ và ngẫu nhiên về nội dung.
- Coi tầm quan trọng của tin tức giả và các sản phẩm báo chí chất lượng
là ngang bằng nhau. Điều này một phần là vì các công ty này khẳng định
rằng họ chỉ là những nền tảng, không phải là nhà phát hành. (Nhà báo
truyền thông Margaret Sullivan của tờ The Washington Post gọi Facebook
và các mạng xã hội khác là “truyền thông tin tức miễn cưỡng.”)
- Thưởng cho những người hiểu rõ nguyên lý tối ưu hóa, chứ không phải những người tạo ra các sản phẩm báo chí chất lượng.
- Tích trữ doanh thu quảng cáo, vốn có thể được chia sẻ một cách công
bằng hơn giữa các nhà sản xuất sản phẩm báo chí có nguồn thông tin phong
phú, sâu rộng.
Nếu không suy nghĩ kỹ, ta dễ dàng liên hệ xu hướng phân phối xã hội với
hiệp ước mà các nhà phát hành đã thỏa thuận với Google. Tuy nhiên, bất
chấp những thiếu sót của Google – một số hạn chế thậm chí đã thu hút sự
chú ý của các nhà quản lý Ủy ban châu Âu – mục đích chính của một công
cụ tìm kiếm vẫn là mở rộng mạng lưới chứ không phải đóng khung mạng lưới
đó lại. Nhiệm vụ của nó vẫn là đưa ra những đường dẫn tới môi trường
bên ngoài.
Một thập kỷ trước đây, các trang mạng xã hội được thiết lập với những
tính năng không mấy khác biệt so với ngày nay. Tuy nhiên, những mạng xã
hội mà trong đó, mô hình kinh doanh của nó ngày càng yêu cầu các nội
dung phải nằm bên trong khu vườn kín cổng cao tường – hay “chiếc lồng
khóa cửa” như theo cách diễn đạt của Viner – đang ngần ngại không muốn
đưa đường dẫn ra bên ngoài.
Sự thay đổi này tạo ra những tác động về thương mại cũng như biên tập
nội dung cho các nhà phát hành đang hướng tới việc xây dựng nên các thực
thể báo chí đa chiều, nhiều màu sắc, dựa trên thông tin xác thực, và ổn
định về tài chính./.
My Nguyễn (Vietnam+)