Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Nguyễn Tất Đạt, Nghị định số
187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định thuốc thành phẩm
phòng và chữa bệnh cho người bao gồm cả vắcxin (trừ thuốc gây nghiện,
hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc phóng xạ) đã có số
đăng ký được nhập khẩu theo nhu cầu, không bị hạn chế về số lượng, trị
giá, không phải xin giấy phép nhập khẩu, không phải xác nhận đơn hàng
nhập khẩu của Bộ Y tế.
Vì vậy, để đảm bảo thông tin chính xác và thống nhất về việc cung ứng
vắcxin phục vụ phòng, chống dịch bệnh hiện nay, Cục Quản lý Dược đề nghị
các cơ sở tiêm chủng có nhu cầu tiêm dịch vụ vắcxin phòng bệnh sởi,
thủy đậu nói riêng và vắcxin nói chung cần chủ động thực hiện việc lập
dự trù, đặt hàng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu để
được cung ứng vắcxin mà không cần xin ý kiến Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược).
Cục Quản lý Dược yêu cầu giá mua vào của vắcxin tại các đơn vị trên phải
đảm bảo không cao hơn giá kê khai, kê khai lại của vắcxin với cơ quan
quản lý nhà nước về giá thuốc (Cục Quản lý Dược, Sở Y tế).
Theo ông Đạt, trong thời gian qua, việc lập dự trù, đặt hàng của một số
cơ sở tiêm chủng chưa kịp thời, dẫn đến việc thiếu vắcxin cho nhu cầu
tiêm chủng dịch vụ của nhân dân kèm theo việc giải thích không rõ ràng
dẫn đến hiểu lầm là Bộ Y tế không cấp phép kịp thời.
Về tình hình cung ứng thực tế vắcxin phòng bệnh sởi, hiện nay có 2 loại
vắcxin phòng bệnh sởi đơn giá và 6 vắc xin phòng bệnh sởi đa giá (sởi,
quai bị, rubella) có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực. Trong đó, vắc in
MVVAC (số đăng ký QLVX-0295-09) do Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắcxin
và sinh phẩm y tế sản xuất, với công suất 7,5 triệu liều/năm, có thể
đáp ứng đầy đủ và kịp thời cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia
và nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của nhân dân.
Về vắcxin phòng bệnh thủy đậu, hiện nay Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV
Dược phẩm Sài gòn (Sapharco) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Vắc xin,
sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đang có vắcxin phòng bệnh thủy đậu đủ cho
nhu cầu tiêm chủng./.
TTX