Thứ Hai, 25/11/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 10/7/2012 15:40'(GMT+7)

Bộ Y tế đề nghị cần quyết liệt phối hợp quản lý các cơ sở hành nghề y học cổ truyền

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước tình hình hoạt động của nhiều cơ sở hành nghề y học cổ truyền phức tạp như hiện nay, cũng như để công tác thanh kiểm tra và quản lý các cơ sở khám chữa bệnh nói chung và các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh có yếu tố người nước ngoài nói riêng có hiệu quả, Bộ Y tế vừa kiến nghị: Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc đăng tin quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng và khám chữa bệnh; đồng thời chỉ đạo các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình chỉ được đăng tải những nội dung đã được ngành y tế tiếp nhận và đồng ý. Bộ Công an tăng cường phối hợp với Bộ Y tế trong việc xuất nhập cảnh và quản lý cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam để kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam hành nghề khám chữa bệnh không phép. Riêng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh phối hợp với ngành y tế trong việc cấp giấy phép lao động với chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và cùng tham gia theo dõi, quản lý.

Bộ Y tế cũng đã hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật để triển khai thực hiện Luật khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức hướng dẫn các cơ sở y tế về việc tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho người hành nghề (kể cả người nước ngoài), cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám chữa bệnh theo qui định của Luật khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức bộ máy xét cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho người nước ngoài tại Bộ Y tế và sở y tế.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Y tế đã trực tiếp kiểm tra các phòng khám y học cổ truyền có thầy thuốc nước ngoài hành nghề tại tỉnh Đắc Lắc, thành phố Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Riêng thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội, định kỳ 6 tháng, Bộ Y tế cùng Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp với chủ sử dụng lao động và chủ cơ sở là người Việt Nam, thầy thuốc Trung y Trung Quốc và người phiên dịch để đánh giá tình hình hoạt động; đồng thời nhắc nhở các cơ sở, cá nhân khắc phục những tồn tại như: Hành nghề không phép; thực hiện giá khám bệnh và giá thuốc không đúng giá niêm yết; hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép; dùng thuốc không rõ nguồn gốc... Đồng thời, Bộ Y tế thường xuyên trao đổi thông tin với Bộ Công an; sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và phối hợp với công an tỉnh, thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để quản lý người nước ngoài.

Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường công tác quản lý các cơ sở hành nghề y dược cổ truyền nói chung và các phòng khám có thầy thuốc nước ngoài hành nghề nói riêng; tổ chức triển khai cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề khám chữa bệnh và cấp phép hoạt động cho cơ sở theo đúng qui định của Luật khám bệnh, chữa bệnh. Đặc biệt, văn bản tiếp nhận và nội dung quảng cáo sẽ được gửi cho Cục quản lý Phát thanh Truyền hình, Bộ Thông tin và Truyền thông để phối hợp theo dõi. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh nói chung và các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài nói riêng, xử lý nghiêm các cơ sở và cá nhân vi phạm để khắc phục những tồn tại trên.

Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, qua đợt kiểm tra vừa qua tại các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền có thầy thuốc người nước ngoài hành nghề đã phát hiện nhiều vi phạm như: Có thầy thuốc người nước ngoài hành nghề khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về y tế cho phép; không niêm yết giá hoặc thu tiền khám và chữa bệnh cao hơn giá niêm yết; hành nghề quá phạm vi chuyên môn, có thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không đảm bảo chất lượng; quảng cáo không đúng khả năng chuyên môn, không đúng nội dung đã được ngành y tế phê duyệt; đơn thuốc không được dịch ra tiếng Việt; phiên dịch chưa đảm bảo tiêu chuẩn và điều kiện qui định.

Ngày 10/9, Vụ Y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết: Đến hết ngày 29/6/2012 cả nước có 41 thầy thuốc Trung y Trung Quốc đang hành nghề tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trong đó thành phố Hồ Chí Minh có 11 người hành nghề tại 7 cơ sở, thành phố Hà Nội có 7 người hành nghề tại 5 cơ sở, thành phố Hải Phòng có 4 người làm việc tại 3 cơ sở, thành phố Cần Thơ có 4 người, các tỉnh còn lại có từ 1 đến 2 người./.

Thu Phương - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất