(TG) - Ngày 31/1/2018, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Lễ phát động Phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam và triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới.
Đây là sự kiện quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân và thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực dinh dưỡng và sức khỏe.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em đã giảm đáng kể và bền vững, tình hình an ninh lương thực, thực phẩm được cải thiện rõ rệt. Tại kỳ họp thường niên lần thứ 65 của Liên hợp quốc, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn ở mức cao (24,3%, năm 2016) và có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc. Tỷ lệ thừa cân, béo phì đang tăng nhanh, nhất là ở khu vực đô thị. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý làm gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.
Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ và thực hiện có hiệu quả việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân. Tháng 1/2014, Việt Nam đã chính thức ra nhập Phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu (Scaling Up Nutrition - The SUN) của Liên hợp quốc để kết nối các chính phủ, các tổ chức của Liên hợp quốc, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các đối tác phát triển khác nhằm chấm dứt các thể suy dinh dưỡng trên toàn cầu.
Việt Nam cũng đã cam kết thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030 trong đó có mục tiêu "chấm dứt đói nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững". Tháng 11/2017, Việt Nam cũng đã ký Tuyên bố chung của ASEAN về chấm dứt các thể suy dinh dưỡng trong đó có các mục tiêu về sức khỏe và dinh dưỡng.
Để triển khai thực hiện các mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân trong Nghị quyết số 20/NQ-TW và Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về Công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân; Công tác Dân số trong tình hình mới cũng như Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 21/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Công tác Dinh dưỡng trong tình hình mới, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cần tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng và của mỗi người dân; xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam, ưu tiên vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng và phổ biến các khuyến nghị, các chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp với nhóm đối tượng, vùng miền; phối hợp cùng các bộ ngành liên quan thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng hợp lý; tăng cường giáo dục dinh dưỡng và vận động thể chất trong hệ thống trường học, rèn luyện thể dục thể thao tại cộng đồng...
Phát biểu tại buổi Lễ, bà Wivina Belmonte, Phó Giám ốc UNICEF khu vực châu Á Thái Bình Dương nhấn mạnh tầm quan trọng của dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời và vai trò quyết định của dinh dưỡng trong sự phát triển toàn diện của trẻ em qua các giai đoạn tuổi. Bà cũng đánh giá cao các hoạt động tích cực của Việt Nam trong phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu và thể hiện sự tin tưởng vào cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân...
"UNICEF cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường công tác điều phối đa ngành, nhằm đẩy mạnh sự hợp tác và đầu tư trong việc thực hiện các nguyên tắc của phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu. Chúng tôi cam kết mang đến các kinh nghiệm của UNICEF toàn cầu để hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân", bà Wivina Belmonte khẳng định./.
Duy Phong