Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo báo cáo không chính thức từ Lào, hiện nay tại các tỉnh biên giới của hai nước, tình hình dịch sởi diễn ra rất nghiêm trọng.
“Có thể nói rằng với sởi, mầm bệnh vẫn tồn tại trong cộng đồng và vẫn xuất hiện lẻ tẻ các ca mắc, đặc biệt trong dịp Đông-Xuân này, có khu vực số ca mắc và tử vong sởi của Lào tăng cao, chúng tôi không nắm con số chính xác nhưng chúng tôi đã liên hệ với phía nước bạn. Chúng tôi rất lo ngại có thể sởi sẽ quay lại,” vị Thứ trưởng Bộ Y tế phân tích.
Theo ông Long, nguyên nhân là do nguy cơ lây lan bệnh sởi từ khu vực biên giới của Lào sang Việt Nam rất có thể xảy ra. Vì người dân Lào sang Việt Nam khám chữa bệnh nên việc lây bệnh từ biên giới của Lào sang Việt Nam là khó tránh khỏi.
Bên cạnh đó, tại khu vực biên giới của Trung Quốc - nơi bệnh sởi xuất hiện từ cách đây ba năm - nước bạn đến thời điểm này vẫn chưa hoàn toàn khống chế được triệt để bệnh sởi.
Vì vậy, để phòng chống dịch sởi có thể bùng phát trở lại từ khu vực biên giới, theo ông Long, Bộ Y tế quyết định triển khai chiến dịch tiêm vắcxin sởi-rubella ngay cho toàn bộ các tỉnh miền núi giáp giới với Lào, Trung Quốc.
Thông thường chiến dịch tiêm vắcxin sởi-rubella yêu cầu tiêm cho trẻ từ 1-5 tuổi, 5-10 tuổi hay 10-14 nhưng riêng với các tỉnh khu vực biên giới với hai nước trên, Bộ Y tế yêu cầu tiêm đồng bộ cho trẻ từ 1-14 tuổi để đảm bảo việc tạo ra hành lang chắn, rào chắn tránh việc lây lan bệnh từ biên giới vào trong nước.
Ngành y tế hy vọng chiến dịch trên sẽ đảm bảo tạo miễn dịch cộng đồng tốt, chấm dứt được dịch sởi.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, mùa Đông Xuân, ngành y tế phải đối phó với dịch bệnh lây qua đường hô hấp, như cúm, cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người, cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, dịch sởi và một số dịch bệnh khác.
Để phòng chống dịch bệnh mùa Đông-Xuân, Bộ Y tế đã có kế hoạch chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp cần thiết trong việc giám sát và phòng chống dịch bệnh./.
Theo VietNam+