(TG)- Mặc dù có xu hướng giảm nhưng với tỷ lệ 45 3% nam giới hút thuốc
thì Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao trên thế
giới. Bên cạnh đó, trong khi tỷ lệ hút thuốc ở khu vực thành thị giảm thì ở khu
vực nông thôn lại không có sự thay đổi.
Tại Hội thảo "Phổ biến kết quả Điều tra lần thứ 2 về tình
hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2015" (GATS 2015)
diễn ra ngày 6/9 tại Hà Nội do Bộ Y tế tổ chức đã công bố các số liệu điều tra
GATS được tiến hành để đánh giá hiệu quả các hoạt động triển khai luật, đề xuất
các giải pháp can thiệp phù hợp đối với người sử dụng thuốc lá.
Sau
một thời gian thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá với nhiều biện pháp,
tỉ lệ người trưởng thành hút thuốc lá đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, ở khu vực
nông thôn tỉ lệ hút thuốc giảm ít hơn ở khu vực thành thị.
Kết quả Điều tra năm 2015 cho thấy, so với
năm 2010 tỷ lệ hút thuốc (bao gồm cả thuốc lá có khói và không khói) ở cả nam
và nữ có xu hướng giảm từ 23,8% xuống còn 22,5%. Trong đó tỷ lệ hút thuốc ở nam
giới giảm từ 47,4% xuống 45,3%. Đối với sản phẩm thuốc lá điếu, tỷ lệ hút ở cả
nam và nữ giảm từ 19,9% xuống 18,2%.
Tại khu vực thành
thị, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 47,7% xuống 42,7%. Tỷ lệ hút thuốc lá
điếu của cả nam và nữ ở khu vực thành thị giảm từ 22% xuống 18,8%. Sự giảm đáng
kể tỉ lệ hút thuốc ở nhóm nam giới tại khu vực thành thị cho thấy thành công
bước đầu của công tác truyền thông về tác hại thuốc lá, về các quy đinh của
Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá sau 3 năm Luật Phòng chống tác hại thuốc
lá có hiệu lực.
Tuy nhiên, điều tra
cũng cho thấy mặc dù có xu hướng giảm nhưng với tỷ lệ 45 3% nam giới hút thuốc
thì Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao trên thế
giới. Bên cạnh đó, trong khi tỷ lệ hút thuốc ở khu vực thành thị giảm thì ở khu
vực nông thôn lại không có sự thay đổi.
Tại các cơ sở y tế ở
khu vực thành thị, khi người bệnh đến khám đều được bác sỹ đặt câu hỏi có hút
thuốc không; đồng thời có tư vấn khuyên bệnh nhân từ bỏ việc hút thuốc. Nhưng ở
khu vực nông thôn điều này ít hơn - Phó giáo sư, Tiến sỹ Kim Bảo Giang, Phó viện
trưởng Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội cho
biết.
Bên cạnh đó, tỉ lệ hút thuốc thụ động dù giảm
rõ rệt tại hầu hết địa điểm công cộng như tại nơi làm việc giảm 13,3% (từ 55,9%
xuống 42,6%); trên phương tiện giao thông công công giảm 15% (từ 34,3% xuống
còn 19,4%). Tuy vậy, tỷ lệ này vẫn còn ở mức cao, tại nhà là 62%, tại nơi làm
việc là 42%; trong nhà hàng là 80%).
Mặc dù đã có những
chuyển biến tích cực nhưng do một số khó khăn như: Thuốc lá là sản phẩm gây
nghiện, lại được bày bán khắp nơi, mọi người đều dễ dàng có thuốc lá hút; ý
thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc nơi công cộng của nhiều người chưa tốt,
trong khi đó những người không hút thuốc cũng chưa dám lên tiếng nhắc nhở; công
tác thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá còn chưa
được thường xuyên.
Vì vậy, trong thời
gian tới sẽ đẩy mạnh thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng, chú
trọng tới các khu vực trong nhà của nhà hàng, quán bar, quán cà phê; tăng cường
truyền thông để duy trì và hướng tới thay đổi hành vi của người hút thuốc; tăng
cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định cấm hút thuốc tại
các cơ sở y tế, cơ quan hành chính nhà nước và các nơi công cộng trong nhà
khác. Đồng thời tăng cường hỗ trợ cho các địa phương để giảm tỷ lệ hút thuốc lá
trong nam giới tại các khu vực nông thôn, Tiến sỹ Bảo Giang nhấn mạnh./.
GATS 2015 là
Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá nhằm giám sát tình hình sử dụng
thuốc lá ở người trưởng thành tại các nước. Đây là lần thứ 2 Việt Nam tham gia
điều tra này. Điều tra lần đầu tiên được thực hiện vào năm 2010. Sau 3 năm kể
từ khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được ban hành, để đánh giá hiệu
quả các hoạt động triển khai Luật, đề xuất các giải pháp can thiệp phù hợp, vào
năm 2015, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm kiểm soát và
ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ - CDC và sự phối hợp của Tổng Cục Thống kê, Điều tra
lần thứ hai về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam
được thực hiện.
|
Nhật Minh