Giáo viên là nhân tố quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục, nhưng
họ sẽ được bồi dưỡng, tập huấn như thế nào để có thể đáp ứng được yêu
cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới là vấn đề được rất nhiều
giáo viên cũng như lãnh đạo các sở giáo dục đào tạo quan tâm.
TRÁNH BỒI DƯỠNG KIỂU "TAM SAO THẤT BẢN"
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 10/2018, cả
nước có trên 1,16 triệu giáo viên mầm non và phổ thông. Trong đó, số
giáo viên mầm non là 309.770 người, giáo viên tiểu học là 395.848 người,
giáo viên trung học cơ sở là 305.815 người, giáo viên trung học phổ
thông là 149.710 người.
Như hơn một triệu giáo viên khác, cô Trần Thị Quỳnh Diệp, giáo viên
Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương đang chờ đợi chương
trình giáo dục phổ thông mới sắp được triển khai.
“Chương trình mới có rất nhiều thay đổi, chúng tôi đang mong tới các
khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ để có thể tiếp cận cụ thể hơn với nội dung,
phương pháp giáo dục mới”, cô Diệp chia sẻ.
Tuy nhiên, cô Diệp cũng cho rằng cách tập huấn, bồi dưỡng giáo viên của
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những thay đổi để có thể thiết thực và
hiệu quả hơn.
Với hơn 15 năm trong nghề, cô Diệp cho biết, hàng năm, cô và các đồng
nghiệp đều được tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng, nhất là trong các
dịp hè, nhưng hiệu quả bồi dưỡng không cao.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là việc các báo cáo viên
nhiều khi là những người không sát thực tế, có khi còn không hiểu
chương trình bằng chính giáo viên nên không chỉ ra được những điểm thực
sự mới cần bồi dưỡng. Phương thức tập huấn cũng rất đơn điệu nhàm chán.
“Nhiều khi chúng tôi chỉ đến để điểm danh cho có. Hoặc những khi có thể
nghỉ, giáo viên cáo ốm để không mất thì giờ. Không phải vì chúng tôi
không muốn học hỏi điều mới, mà vì thấy chương trình bồi dưỡng không
hiệu quả, nhiều giáo viên thậm chí tự bỏ tiền túi ra đi học các khóa học
nghiệp vụ bên ngoài”, cô Diệp chia sẻ.
Cô Diệp kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự chuẩn bị cho chương
trình bồi dưỡng giáo viên một cách bài bản hơn, cả về nội dung và cán bộ
tập huấn. Việc tập huấn nên được thực hiện theo cả hình thức trực tuyến
để giáo viên có thể lắng nghe trực tiếp từ những người xây dựng chương
trình, am hiểu chương trình, hơn là việc tập huấn theo nhiều cấp, từ
trung ương về tỉnh, từ tỉnh về các phòng giáo dục và các trường như hiện
nay để tránh “tam sao thất bản”.
Biểu đồ thể hiện số lượng giáo viên cần bồi dưỡng của từng bậc học
NỘI DUNG BỒI DƯỠNG CÓ THỂ ĐƯỢC XÂY DỰNG "TỪ DƯỚI LÊN"
Bồi dưỡng giáo viên thông tuyến cũng là đề nghị của nhiều lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo.
Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ cho rằng,
việc tập huấn thông tuyến sẽ giúp cho toàn thể đội ngũ giáo viên được
tham gia trực tiếp với cán bộ trung ương.
Ông Tường đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm triển khai lộ trình bồi
dưỡng giáo viên vì đây là nhân tốt quyết định triển khai thành công
chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giám đốc sở Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh thì khuyến nghị nên kết hợp giữa
bồi dưỡng trực tuyến và trực tiếp.“Vì bồi dưỡng trực tiếp thì có lợi thế
tạo cảm hứng cho giáo viên trong quá trình gặp gỡ, làm việc với cán bộ
bồi dưỡng, vốn là những người giáo viên ngưỡng mộ”, ông Vĩnh phân tích.
Tuy nhiên, ông Vĩnh cũng chỉ ra vấn đề bất cập trong bồi dưỡng trực tiếp
đại trà, việc bồi dưỡng thường được lựa chọn từ những giáo viên giỏi,
ưu tú. Điều này dẫn đến có người được bồi dưỡng nhiều lần, có người lại
ít được đi bồi dưỡng. “Giáo viên đã không giỏi lại còn đi sau nên càng
không hiệu quả. Tôi kiến nghị trừ đội ngũ cốt cán, còn lại cần lấy lần
lượt đội ngũ để đi bồi dưỡng”, ông Vĩnh nói.
Ông Vĩnh đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng trung tâm tư vấn và kho
dữ liệu lớn cho giáo viên để giáo viên gặp khó khăn vướng mắc có thể
chủ động trao đổi. Ông cũng lấy kinh nghiệm từ Đà Nẵng cho thấy, việc
bồi dưỡng không chỉ một chiều từ bên trên xuống mà nội dung bồi dưỡng có
thể được xây dựng từ dưới lên, do giáo viên đề xuất từ chính những khúc
mắc trong thực tế giảng dạy của họ. “Nên theo hai hướng, như vậy nội
dung sẽ thiết thực, bổ ích hơn”, ông Vĩnh chia sẻ.
Giáo viên sẽ được tập huấn theo nhiều hình thức để đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: Vietnam+)
SẼ TẬP HUẤN GIÁO VIÊN TRỰC TUYẾN
Trước những băn khoăn, kiến nghị của các giáo viên và lãnh đạo các sở
giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho
biết, hiện chương trình bồi dưỡng giáo viên đã được xây dựng và sẽ sớm
triển khai.
Bộ sẽ đổi mới trong công tác tập huấn. Việc tập huấn giáo viên sẽ được
thực hiện qua mạng Internet để có thể triển khai tới từng trường học,
từng giáo viên. Bộ sẽ khắc phục triệt để tình trạng tập huấn kiểu “điểm
danh, ghi tên”, tận dụng công nghệ thông tin thay vì tập trung về một
điểm vừa gây lãng phí vừa không hiệu quả như hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ lập nguồn dữ liệu, tài liệu, có thể theo
các dạng video, để giáo viên không chỉ tập huấn ở các khóa bồi dưỡng mà
còn có thể tự học mọi lúc mọi nơi. Trong các buổi trực tiếp, nội dung
chính sẽ là trao đổi những vấn đề thầy cô còn băn khoăn, chia sẻ những
vấn đề phát sinh trong thực tiễn của giáo viên để cán bộ tập huấn giải
đáp.
Không chỉ đổi mới về hình thức, phương pháp, nội dung tập huấn cũng sẽ
được rà soát lại để sát với thực tiễn, đúng với nhu cầu của giáo viên.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư
phạm Hà Nội, một trong 8 trường sư phạm chủ chốt phục vụ công tác đào
tạo, bồi dưỡng giáo viên cho hay, đơn vị này đã nghiên cứu Chương trình
giáo dục phổ thông tổng thể và Chương trình môn học giáo dục phổ thông
mới, từ đó xây dựng chương trình đào tạo sư phạm hiện nay và chương tình
bồi dưỡng giáo viên.
“Cách làm là
trước hết các trường sư phạm sẽ bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, sau đó bồi
dưỡng giáo viên. Hình thức bồi dưỡng có trực tuyến và trực tiếp, có đối
thoại để giải đáp thắc mắc của giáo viên ở bất cứ thời điểm nào. Việc
này có khó nhưng làm được và sẽ triển khai sớm và thầy cô không nên quá
lo lắng”, ông Minh nói./.
Phạm Mai (Vietnam+)