Thứ Năm, 10/1/2019 8:39'(GMT+7)
Thành bại đổi mới giáo dục phụ thuộc rất lớn vào các thầy cô
Khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới đã được chuẩn bị rất công phu, bài bản nhưng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng thành, bại của chương trình phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo, những người sẽ thực hiện chương trình.
Chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất
Phát biểu tại Hội nghị Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh thành trên cả nước chiều 9/1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, định hướng tiếp cận của chương trình mới là phát triển năng lực thay vì nội dung. Cách tiếp cận rất công phu bài bản, mang tính quốc tế, đi vào từng môn học.
Chương trình kế thừa những điểm tốt của chương trình cũ và chỉnh sửa những bất cập, bổ sung những điểm mới để phù hợp với xu thế quốc tế.
Khẳng định việc xây dựng chương trình mới đã được thực hiện tốt nhưng ông Nhạ cũng nhấn mạnh: chương trình dù hay nhưng nếu người triển khai chương trình không được đào tạo, tập huấn bài bản thì cũng không thể phát huy hiệu quả.
[Bộ Giáo dục chính thức công bố chương trình giáo dục phổ thông mới]
Vị tư lệnh ngành giáo dục cho rằng thành bại phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo, những người sẽ thực hiện chương trình. Vì vậy, có hai nhiệm vụ sẽ được ngành đặt ra trong thời gian tới: Thứ nhất là công tác hướng dẫn, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Thứ hai là chuẩn bị về cơ sở vật chất để thực hiện chương trình.
Bộ trưởng cũng chia sẻ, rút kinh nghiệm từ những lần đổi mới trước, lần này Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để chuẩn bị đội ngũ nhà giáo cũng như cơ sở vật chất giảng dạy, những yếu tố này đang được triển khai ở các mức độ khác nhau.
Sớm có hướng dẫn cho các địa phương
Đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất cũng là hai vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra tại Hội nghị. Lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Bộ sớm ban hành cụ thể danh mục các thiết bị giáo dục cho từng lớp để địa phương kịp đưa vào dự toán đầu tư công của giai đoạn tới. Với những địa phương còn khó khăn thì cần có chính sách hỗ trợ về tài chính.
Việc bồi dưỡng giáo viên cũng cần được tiến hành sớm với nhiều giải pháp kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Các địa phương cũng đề nghị Bộ sớm có sách giáo khoa để giáo viên có cơ sở nghiên cứu về chương trình mới. Với những thành phố lớn có sỹ số lớp đông, Bộ cần sớm có hướng dẫn địa phương chuẩn bị.
Trước những băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết ngay sau Hội nghị, các vụ, cục sẽ có hướng dẫn rất cụ thể công việc cần phải làm, lộ trình phân công, phân cấp, phối hợp một cách tường minh để có thể triển khai nhịp nhàng.
Tiếp tục nhấn mạnh về vai trò của giáo viên, ông Nhạ chia sẻ: “Tôi vẫn cứ suy nghĩ rằng thành bại là do các thầy các cô. Tôi rất trăn trở về điều này. Chúng ta có gần 1,2 triệu giáo viên đứng lớp, đây là lực lượng rất lớn, ngày đêm tâm huyết. Gần đây cũng có một số thầy cô, tuy chỉ là cá biệt nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư nguyện vọng của các giáo viên và uy tín của ngành.”
Ông Nhạ cho rằng cần phải có nhiều giải pháp để tạo động lực cho các thầy cô đổi mới.
“Chúng ta một mặt muốn các thầy cô phải đạt được chuẩn mới, đáp ứng yêu cầu mới nhưng bên cạnh đó cũng phải có động lực cho các thầy cô, chỉ yêu cầu một phía mà không quan tâm thực sự đến tâm tư nguyện vọng, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, chính sách, thì rất khó,” ông Nhạ nói.
“Về thang bảng lương, với điều kiện của nước ta cần có lộ trình, nhưng những việc đang gây áp lực cho các thầy cô mà nằm trong thẩm quyền của Bộ và các bộ ngành liên quan, các địa phương, thì phải làm,” ông Nhạ nhấn mạnh.
Cụ thể, ông Nhạ cho biết đã rà soát các thủ tục hành chính và tới đây sẽ quán triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, giảm áp lực về các vấn đề này cho giáo viên. Với những trường nào không thực hiện sẽ có chế tài xử lý. Việc thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi sẽ phải nghiên cứu từng bước để thực chất hơn.
Vị tư lệnh ngành giáo dục bày tỏ mong muốn cùng các địa phương, lãnh đạo các sở, trưởng các phòng giáo dục, các hiệu trưởng, tạo môi trường giáo dục thân thiện cho giáo viên, tránh những áp lực dồn nén, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc./.