Cá ngừ đỏ, cá song và cá tuyết than cũng nằm trong số các loài bị đe dọa tuyệt chủng. Bà Maria del Mar Otero, thuộc chương trình IUCN-Địa Trung Hải giải thích việc sử dụng lưới quét đánh cá là một trong những nguyên nhân chính gây tác hại cho việc bảo tồn và duy trì tính bền vững của nhiều loài hải sản. Đó không phải là một kỹ thuật có chọn lọc. Lưới quét không chỉ bắt các loài cá lớn mà còn cả nhiều loài cá khác, trong khi hủy hoại đáy biển, nơi có nhiều loài cá cư trú. Kết quả là có gần một nửa các loài cá mập và cá đuối tại Địa Trung Hải-chiếm 9% đa dạng sinh học biển-có nguy cơ tuyệt chủng. Tại khu vực trên, tiềm năng sinh sản của loài cá ngừ đỏ đã giảm 50% trong 40 năm qua.
Theo UICN, cần phải củng cố các quy định đánh bắt cá, thiết lập các khu vực bảo tồn sinh vật biển mới và giảm hạn ngạch đánh bắt. Tuy nhiên, 48 nước thuộc Ủy ban quốc tế về Bảo tồn các giống cá ngừ ở Đại Tây Dương (CICTA) mới chỉ giảm số lượng đánh bắt cá ngừ đỏ cho phép tại Địa Trung Hải trong giai đoạn 2010-2011 từ 13.500 tấn xuống 12.900 tấn.
Ông Kent Carpenter, điều phối viên đánh giá các loài sinh vật biển trên thế giới của UICN giải thích: ‘‘Việc thiếu đồng bộ trong quy định hạn ngạch đánh bắt cá hiện nay kết hợp với những tuyên bố không đúng liên quan đánh bắt cá có thể đã ngầm phá hoại những nỗ lực bảo tồn loài cá trên tại Địa Trung Hải’’. Tổ chức phi chính phủ Robin des Bois bất ngờ khi thấy các tàu đánh bắt cá ngừ mang cờ Libi đang rời cảng Sète để tới vịnh Syrte trong khi nước này đã ngừng đánh bắt cá ngừ trong mùa vụ 2011.
Còn một điểm nữa bị chỉ trích đó là sự vắng mặt các biện pháp bảo vệ các khu vực tái sinh và thiếu thông tin về tình trạng bảo vệ 1/3 số lượng cá ở Địa Trung Hải.
Trong khi chờ các quyết định chính trị, nhiều công ty đã ký cam kết của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF) ngừng thương mại hóa cá ngừ đỏ tại Đại Tây Dương và Địa Trung Hải để cho phép phục hồi các khu vực bảo tồn./.
Theo báo 20minutes.fr (Bài dịch)