Thứ Năm, 24/10/2024

Bốn vấn đề về phương pháp, cách làm trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình

Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Ảnh tư liệu

Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Ảnh tư liệu

 

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) xác định ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, đó là: Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Trọng tâm, xuyên suốt cả ba vấn đề trên là đối tượng tác động của Nghị quyết, chính là cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị. Vì vậy, trong các nhóm giải pháp và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết, bên cạnh các nhiệm vụ về tự phê bình và phê bình, nêu cao tinh thần tiền phong gương mẫu của cấp trên, về giáo dục chính trị, tư tưởng…, là một khối lượng lớn nhiệm vụ thuộc về công tác tổ chức và cán bộ.

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4, Ban Tổ chức Trung ương đã hết sức tập trung, dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu ban hành và thực hiện Nghị quyết. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao và căn cứ vào ba vấn đề Nghị quyết Trung ương 4 nêu, Ban Tổ chức Trung ương xác định hai nhóm công việc tiến hành, trong đó có loại công việc có thể tiến hành ngay và loại công việc cần phải có thời gian chuẩn bị.

1. Đối với công việc thứ nhất, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết (ngày 12-3-2012), Ban Tổ chức Trung ương cũng đã kịp thời ban hành hướng dẫn (số 11-HD/BTCTW ngày 14-3-2012) về kiểm điểm, tự phê bình và phê bình và mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng, từ Trung ương đến cơ sở đều phải tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình.

Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này nhằm trọng tâm vào việc ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Nội dung kiểm tra căn cứ vào 3 vấn đề cấp bách Nghị quyết nêu và Quy định về những điều đảng viên không được làm, đối chiếu với tình hình hiện tại của tổ chức và cá nhân, có liên hệ đến những năm trước đó để kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; phân tích, làm rõ tại sao những khuyết điểm, yếu kém đã chỉ ra từ nhiều năm nay nhưng chậm khắc phục, có mặt lại yếu kém, phức tạp thêm. Làm rõ thực trạng biểu hiện, mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và phương hướng đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái. Làm rõ những yếu kém của tập thể và cá nhân trong công tác tổ chức, cán bộ, trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, của cá nhân và giải pháp khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong thực hiện thẩm quyền trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) có những điểm mới về phương pháp và cách làm:

Thứ nhất là cấp trên phải gương mẫu kiểm điểm trước để cấp dưới noi theo; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp ủy viên và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau. Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải tự giác, gương mẫu kiểm điểm, tự phê bình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự sửa, cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng. Đối với từng cán bộ, đảng viên, căn cứ vào Quy định những điều đảng viên không được làm để tự soi xét, nhìn lại bản thân và gia đình mình, tự nhận thấy khuyết điểm và tự mình sửa chữa là việc có thể làm ngay không chờ đến khi tổ chức hội nghị kiểm điểm.

Thứ hai, trước khi kiểm điểm, các cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành lấy ý kiến góp ý (cho tập thể và cá nhân cán bộ, đảng viên) của các tổ chức có liên quan, chi ủy chi bộ nơi công tác, chi ủy chi bộ nơi cư trú và cá nhân cán bộ đã nghỉ hưu nguyên là cấp ủy viên, nguyên là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Cấp trên gợi ý kiểm điểm (nếu xét thấy cần thiết) đối với tập thể cấp dưới và cá nhân cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý (kể cả đảng viên đã nghỉ hưu). Đây là cách chúng ta vẫn thường làm vào dịp kiểm điểm tập thể và cá nhân giữa và cuối nhiệm kỳ đại hội đảng. Tuy nhiên, ở lần này, với mong muốn thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân, mà phạm vi, đối tượng lấy ý kiến được mở rộng hơn, không chỉ cấp dưới đóng góp ý kiến cho cấp trên mà mở rộng lấy ý kiến của các tổ chức và cá nhân ngang cấp. Đồng thời, ngoài các đối tượng cần lấy ý kiến nêu trong Hướng dẫn, các tập thể lãnh đạo có thể mở rộng thêm đối tượng lấy ý kiến đóng góp (nếu xét thấy cần thiết) hoặc các tập thể và cá nhân không thuộc đối tượng lấy ý kiến cũng có thể đóng góp ý kiến đối với tập thể và cá nhân cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị, địa phương khác (khi xét thấy cần đóng góp ý kiến).

Thứ ba, sau kiểm điểm, các cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân phải báo cáo, thông báo kết quả kiểm điểm tới các thành phần đã lấy ý kiến đóng góp. Bộ Chính trị, Ban Bí thư báo cáo kết quả kiểm điểm (tập thể và cá nhân) để Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, góp ý; ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả kiểm điểm để ban chấp hành đảng bộ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương thảo luận, góp ý; các cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị khác cũng phải báo cáo kết quả kiểm điểm với đối tượng lấy ý kiến, tương tự như cách làm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các tỉnh ủy, thành ủy nêu trên.

Thứ tư, những tập thể và cá nhân kiểm điểm, tự phê bình và phê bình không đạt yêu cầu thì phải kiểm điểm bổ sung hoặc kiểm điểm lại. Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo kiểm điểm bổ sung hoặc kiểm điểm lại đối với tập thể và cá nhân thuộc cấp mình quản lý, nếu xét thấy kiểm điểm không đạt yêu cầu. Đồng thời, qua kiểm điểm nếu xét thấy tổ chức và cá nhân nào có vi phạm đến mức phải xử lý thì thực hiện xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là căn cứ để xem xét, sàng lọc và xây dựng đội ngũ cán bộ của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, gắn với quy hoạch cấp ủy và quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý. Sau kiểm điểm lần này, việc thực hiện chế độ kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 được thực hiện thường xuyên hằng năm, gắn với kiểm điểm chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc hoạt động, bảo đảm sự sống của Đảng, chúng ta vẫn tiến hành thường xuyên, liên tục, nhưng nhìn chung chất lượng chưa cao. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Bộ Chính trị yêu cầu đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này phải được thực hiện với phương châm phòng ngừa, ngăn chặn, "trị bệnh cứu người", giúp nhau cùng tiến bộ, vì sự trong sạch, vững mạnh của mỗi cá nhân, tổ chức và sự nghiệp chung của Đảng; vừa giữ đúng nguyên tắc, có tính thuyết phục vừa phải kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục, không chủ quan, nóng vội, máy móc, cứng nhắc, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình không tự giác nhận và sửa chữa khuyết điểm, những trường hợp cố tình bao che sai phạm, khuyết điểm. Phải thực sự phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải gương mẫu, phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp, phê bình đúng đắn. Chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm phải chu đáo, chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, bảo đảm đạt kết quả thực chất; tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ; khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang cũng như lợi dụng để "đấu đá", trù dập, vu cáo lẫn nhau với những động cơ không trong sáng; nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình hoặc vu cáo. Kết quả kiểm điểm phải đạt được mục đích xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu và đoàn kết nội bộ tốt hơn, gắn bó với nhân dân mật thiết hơn, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả tốt hơn, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

2. Đối với loại công việc cần có thời gian để chuẩn bị, nhất là những vấn đề có liên quan đến Điều lệ Đảng, nguyên tắc hoạt động, cơ chế, chính sách... Ban Tổ chức Trung ương đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, để sớm tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, ban hành, như: Cơ chế hằng năm Ban Chấp hành Trung ương góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ban chấp hành đảng bộ các cấp góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; quy định về việc cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp trên nói chung phải kinh qua chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở cấp dưới; về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể theo hướng mở rộng đối tượng tham gia; những người hai năm liền không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp phải xem xét, cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ làm cơ sở cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Đổi mới quy trình lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ theo hướng mở rộng dân chủ, để cán bộ dự kiến bổ nhiệm được tự giới thiệu, thể hiện trình độ, năng lực của mình; quy định bảo đảm cơ hội tiến bộ cho những người có khuyết điểm hoặc bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nhưng đã thực sự nỗ lực phấn đấu, có thành tích hoặc được tín nhiệm. Xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và Đề án tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược. Xây dựng quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ.

Ban Tổ chức Trung ương cũng đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, sơ kết rút kinh nghiệm, hướng dẫn thực hiện và thực hiện thí điểm việc bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; tiếp tục thí điểm chủ trương bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, gắn với xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện chủ trương này có hiệu quả; sơ kết rút kinh nghiệm để có chủ trương về việc đại hội đảng bộ từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh trực tiếp bầu bí thư cấp ủy có số dư; thí điểm giao quyền cho bí thư cấp ủy lựa chọn, giới thiệu bầu bổ sung ủy viên ban thường vụ cấp ủy; thí điểm việc cấp trưởng lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý; hướng dẫn thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm từ cấp thứ trưởng và tương đương trở xuống phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp ủy có thẩm quyền xem xét, quyết định... Đồng thời tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách chính sách tiền lương, thu hút, tạo động lực và môi trường thuận lợi, lành mạnh để cán bộ, công chức yên tâm phấn đấu, cống hiến.

Ban Tổ chức Trung ương sẽ khẩn trương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan rà soát các cơ chế, chính sách về tổ chức, cán bộ, đề xuất bổ sung, sửa đổi, xây dựng mới để thực hiện các giải pháp nêu trong Nghị quyết; chủ trì phối hợp với Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan rà soát và kiện toàn tổ chức những cơ quan của Đảng, Nhà nước chưa phù hợp, hoạt động chưa hiệu quả; đánh giá hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng và đề xuất việc kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức này.

Trên đây là một số nội dung về kế hoạch của Ban Tổ chức Trung ương thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Ban Tổ chức Trung ương tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng và được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang của Đảng và sự tin cậy của nhân dân.

TÔ HUY RỨA (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương)

Nguồn: Báo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất