Thứ Hai, 25/11/2024
Thể thao
Chủ Nhật, 29/9/2013 0:1'(GMT+7)

Bóng đá Việt Nam đang ở đâu?

Bóng đá Việt Nam cần học cách trân trọng những thất bại lớn hơn là những chiến thắng nhỏ. Ảnh: Quang Nhựt

Bóng đá Việt Nam cần học cách trân trọng những thất bại lớn hơn là những chiến thắng nhỏ. Ảnh: Quang Nhựt

Bóng đá, môn thể thao vị thành tích, tất nhiên không thoát khỏi cái vòng kim cô này, dù đáng ra, nó cần được nhìn nhận một cách khách quan hơn, với những trường hợp cụ thể. 

Chiến thắng hôm nay…

Trong quá khứ, các đội tuyển bóng đá trẻ Việt Nam từng không ít lần gặt hái thành công ở các giải đấu cấp khu vực, thậm chí là châu lục. Ví như vòng chung kết U16 châu Á được tổ chức tại Đà Nẵng năm 2000, giải đấu mà Văn Quyến và đồng đội từng hạ đo ván U16 Trung Quốc với tỷ số 3-2, để trở thành một trong bốn đội bóng trẻ mạnh nhất châu Á. Khi đó, ông trưởng đoàn đội tuyển U16 Việt Nam đã vội cao hứng rằng bóng đá Việt Nam không thua kém bất cứ cường quốc châu lục nào ở vạch xuất phát và chỉ chậm hơn ở đích đến! Thêm vài chiến tích khác ở Đông Nam Á nữa…

Nhận xét này không phải không có lý, nhưng ngẫm ra, nó cũng… bình thường thôi! Phần lớn những cầu thủ trẻ trên thế giới, chứ chẳng riêng gì ở Việt Nam, đều bắt đầu tập bóng đá từ năm 10 tuổi, đến năm 15-16, họ bắt đầu chơi những trận chính thức có tính cạnh tranh. Các đội tuyển “U” quốc gia, vì thế thường tập trung vào một học viện hay lò đào tạo nào đó, chứ không phải là sự cóp nhặt sau các giải đấu trong nước. Đội tuyển U16 Việt Nam ở vòng chung kết năm 2000, hầu hết đều là cầu thủ của lò Sông Lam Nghệ An, được ăn tập với nhau từ tấm bé và đương nhiên rất hiểu nhau, đã gây được tiếng vang trên sân nhà.

Đội bóng đó cũng tựa như đội tuyển U19 Việt Nam, với nòng cốt là lứa đầu tiên của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG, vừa chơi tưng bừng ở giải U19 Đông Nam Á và chỉ chịu thua trên chấm đá luân lưu trong trận đấu tranh ngôi vô địch với chủ nhà Indonesia. Trước và trong khi giải đấu diễn ra ở xứ vạn đảo, thầy trò huấn luyện viên Guillume Grachen đã tạo nên cơn sốt thực sự ở quê nhà, thậm chí còn được kỳ vọng sẽ giúp bóng đá Việt Nam cất cánh. Cuộc sống phải chăng luôn vội vã, nên kỳ vọng cũng vội vã, để rồi chúng ta bỏ qua những đánh giá sát sườn hơn về năng lực hữu hạn của nền bóng đá và của cả con người?!

Sau rất nhiều những trải nghiệm thất bại, rất nhiều những cuộc bể dâu sau lần lên đỉnh, hoặc gần lên đỉnh, cả những đối chiếu với các nền bóng đá khác trong khu vực Đông Nam Á, rõ ràng, chiến tích hay chiến công hôm nay của bóng đá trẻ không đồng nghĩa với thành công ngày mai. Thái Lan, Singapore và cả Malaysia đã vô địch chán ở khu vực rồi, nhưng họ đã bơi tới đâu ở châu lục?

Hay thành công ngày mai?

Chúng tôi lưu tâm đến vế thứ hai, trong lời nhận xét của ông trưởng đoàn đội tuyển U16 Việt Nam năm 2000 hơn, rằng bóng đá Việt Nam luôn chậm hơn ở đích đến. Ngoài những giới hạn liên quan đến các yếu tố cơ địa của người Việt, còn quá nhiều những nguyên nhân quan trọng khác. Đó là thái độ tiếp nhận thành công và thất bại; một môi trường đủ lành mạnh để nuôi dưỡng những mầm ươm, các giải đấu ở tầm cao để phát triển những tài năng và cả những giao thoa với các nền bóng đá phát triển khác… Nói tóm lại, chúng ta thiếu những chiến lược phát triển dài hơi, mà chỉ lăm lăm cho thành tích ở thì hiện tại.

Trong khoảng năm, bảy năm đổ lại, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã đem đến Việt Nam rất nhiều các lớp huấn luyện viên bằng A, chứng chỉ hành nghề cao nhất dành cho các huấn luyện viên bóng đá, như một cách phổ cập cho nền bóng đá vùng trũng. Một động thái khác, năm 2007, AFC đã quyết định trao cho bốn nước thuộc khu vực Đông Nam Á quyền đăng cai Asian Cup, đồng nghĩa với suất vào thẳng vòng chung kết giải bóng đá châu lục. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất giành quyền chơi tứ kết và thua Iraq, đội sau đó đã trở thành nhà vô địch. Cùng năm đó, Olympic Việt Nam đã lọt vào tới vòng loại thứ ba Olympic Bắc Kinh…

Bất cứ chiến công nào cũng đáng trân trọng cả. Tuy nhiên, những cột mốc ở tầm cao đáng ra phải được xem trọng hơn, so với chức vô địch khu vực hay những lần tiến sát ngôi vương khác của các đội tuyển trẻ. Việc đội tuyển Việt Nam có thể chơi sòng phẳng với Bahrain, UAE…, rõ ràng là đáng được cổ vũ hơn, nếu chúng ta chỉ đấu với Malaysia, Singapore hay Indonesia. Tại vòng chung kết giải đấu trên sân nhà năm đó, thầy trò huấn luyện viên Alfred Riedl đã thua Nhật Bản ở vòng bảng và Iraq ở tứ kết, nhưng chúng ta thu về những bài học bổ ích hơn nhiều so với ngôi vương AFF Cup một năm sau đó.

Tuy nhiên, thực tế lại là một câu chuyện khác. Căn bệnh thành tích khiến các đội tuyển trẻ bị biến thành những chuyên gia săn tiền thưởng và danh hiệu; bệnh thành tích cũng khiến cho các giải bóng đá chuyên nghiệp có nguy cơ bị phá nát… Không có nhiều những bài học được rút ra và cho đến thời điểm này, bóng đá Việt Nam đã thụt lùi một bước đáng kể so với chính các nước láng giềng.

Sau cơn địa chấn ở vòng chung kết U16 châu Á năm 2000 mang tên Việt Nam, bóng đá trẻ Việt Nam còn tiếp tục tiệm cận được vài chiến tích nữa. Trận thắng đội tuyển Hàn Quốc, khi ấy đang là đương kim đệ tứ anh hào thế giới, tại vòng loại Asian Cup 2004, với bàn thắng duy nhất của ngôi sao tuổi 20 Phạm Văn Quyến, là một cột mốc thú vị; chức vô địch U20 Đông Nam Á năm 2007 và chúng ta chào đón một thế hệ cầu thủ tài năng khác như Trọng Hoàng, Văn Bình, Quang Tình, Đình Hiệp, Mạnh Dũng…; rồi việc Olympic Việt Nam đi đến vòng đấu loại thứ ba Olympic Bắc Kinh 2008… Nhưng điểm lại, 13 năm qua đi và chừng 20 năm kể từ sau khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại, chỉ một lần chúng ta chạm tới đỉnh ở tầm đội tuyển quốc gia, đó là chức vô địch AFF Cup 2008. Nhiều hay ít?!


Theo Thể thao & Văn hóa 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất