Thứ Tư, 9/10/2024
Thể thao
Thứ Năm, 31/12/2009 22:59'(GMT+7)

Bóng đá Việt Nam: Những sự kiện nổi bật của năm 2009

Niềm vui của các tuyển thủ bóng đá nữ Việt Nam sau chiến thắng trước Thái Lan ở trận chung kết SEA Games 25 - Ảnh: Trung Dân

Niềm vui của các tuyển thủ bóng đá nữ Việt Nam sau chiến thắng trước Thái Lan ở trận chung kết SEA Games 25 - Ảnh: Trung Dân

1 - Bóng đá nữ Việt Nam trở lại ngôi Hậu ở khu vực Đông Nam Á sau khi vượt qua Thái Lan trong trận chung kết nghẹt thở ở SEA Games 25. Bất phân thắng bại sau 120 phút thi đấu, hai đội phải giải quyết chiếc HCV bằng loạt sút phạt 11m luân lưu. Ba cú sút của Thái Lan đều chệch mục tiêu cần đến, trong khi đó, cả ba cú sút phạt của Kim Hồng, Văn Thị Thanh và Kim Tiến đều trúng đích! Chiếc HCV SEA Games trở lại với bóng đá nữ Việt Nam sau hai năm thuộc về người Thái.

2 - Lần đầu tiên, bóng đá Việt Nam đón nhận một tuyển thủ từng đoạt chức vô địch World Cup đến thi đấu - tiền vệ Denilson (Brazil). Một cuộc chuyển nhượng gây đình đám, làm tốn hao giấy mực của báo giới thể thao cả nước. Rốt cục, sau một tháng đầu quân cho Hải Phòng, ghi được một bàn thắng bằng đá phạt vào lưới Hoàng Anh Gia Lai trên sân Lạch Tray, tiền vệ Denilson bất ngờ ra đi.

3 - “Mối tình” giữa cầu thủ Việt kiều Lee Nguyễn với Hoàng Anh Gia Lai tan vỡ sau khi kết thúc V-League 2009. Một cuộc chia tay hết sức bất ngờ, bởi trước đó, mọi chuyện đều hết sức tốt đẹp với đôi bên. Giải thích lý do chia tay, gia đình của cầu thủ người Mỹ gốc Việt này cho rằng:”Lee Nguyễn không phù hợp với đội bóng phố núi…”. Tuy nhiên, đến hết ngày 31-12-2009, việc thanh lý hợp đồng giữa đôi bên vẫn chưa êm thấm: phía Hoàng Anh Gia Lai mời, nhưng người đại diện của Lee Nguyễn không đến thanh lý hợp đồng!

Cú đúp cho HLV Lê Huỳnh Đức và bóng đá Đà Nẵng trong năm 2009 - Ảnh: Sĩ Huyên

4 - Sau 17 năm dài chờ đợi, người hâm mộ Đà Nẵng mới có dịp chứng kiến đội nhà lên ngôi số một ở V-League. Không dừng lại ở đó, Đà Nẵng còn đoạt luôn danh hiệu vô địch Cúp bóng đá quốc gia. Cựu danh thủ Lê Huỳnh Đức tiếp tục lập thêm kỷ lục mới - HLV trẻ tuổi nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam đoạt hai danh hiệu vô địch trong cùng một mùa bóng. Cũng trong mùa bóng 2009, Lê Huỳnh Đức còn lập được kỷ lục khác - 3 tháng liền nhận giải thưởng HLV xuất sắc nhất.

Hậu vệ Xuân Hợp (15) tác giả bàn đá phản vào lưới nhà đang khóc nức nở sau trận chung kết thua Malaysia - Ảnh: Nguyên Khôi

5 - Sau bốn năm (hai kỳ SEA Games), đội tuyển bóng đá U-23 Việt Nam mới có mặt trở lại ở trận chung kết. Tiếc một điều, dù thắng Malaysia ở vòng đấu bảng (3-1), nhưng đoàn quân của ông Calisto lại thất bại trước đối thủ này ở chung kết (0-1). Trớ trêu ở chỗ, hai bàn thắng mà Malaysia ghi được vào lưới U-23 Việt Nam, đều do hai hậu vệ Việt Nam đá phản vào lưới nhà (Hoàng Quảng và Xuân Hợp).

6 - Bình Dương trở thành CLB chuyên nghiệp đầu tiên của bóng đá Việt Nam lọt vào đến vòng đấu bán kết AFC cup. Dừng bước ở vòng đấu này, nhưng biên niên sử của bóng đá nước nhà đã ghi danh Bình Dương với kỳ tích - CLB đầu tiên tiến sâu nhất ở một giải đấu tầm cỡ do AFC tổ chức.

7 - Thanh Hóa về đích ở hạng 14/14 đội ở V-League mùa này, nhưng họ vẫn xuất hiện ở V-League 2010 sau lúc nhận được quyền chuyển giao đội Thể Công (giải thể theo quyết định của Bộ Quốc Phòng)! Thể Công, một CLB bóng đá lừng lẫy, được yêu mến rộng rãi trên bình diện cả nước, chính thức bị xóa tên sau 55 năm thành lập và tồn tại.

Trong khi đó, dù giành được quyền trụ hạng nhưng Quân Khu 4 bị xóa sổ do không đủ kinh phí hoạt động. Phiên hiệu mới đã được khai sinh - Navibank Sài Gòn. Từ thành phố Vinh, toàn đội Quân Khu 4 đã chuyển vào tập luyện, thi đấu tại TP.HCM trong phiên hiệu mới.

8 - Bóng đá TP.HCM, một trung tâm bóng đá bậc nhất của cả nước, đón nhận một năm thất bại khi có tới hai CLB cùng rớt hạng. Sài Gòn United không trụ lại được ở giải hạng nhất ngay trong mùa bóng đầu tiên. Nối gót đàn em, đội bóng đàn anh TP.HCM chuyển xuống chơi ở giải hạng nhất.

Đội tuyển U-16 Việt Nam lọt vào vòng chung kết châu Á - Ảnh: Sĩ Huyên

9 - Tháng 10, bóng đá trẻ Việt Nam làm nên chuyện lớn ngay trên đất Thái Lan. Đầu tiên là việc đội tuyển U-16 giành vé thứ nhì của bảng để góp mặt ở vòng chung kết châu Á vào năm 2010. Một tháng sau đó, cũng tại Thái Lan, đến lượt đội tuyển U-19 Việt Nam giành được chiếc vé vớt (đội thứ ba có chỉ số phụ tốt nhất trong các bảng đấu vòng loại) lọt vào vòng chung kết châu Á.

10 - Tiền đạo Lê Công Vinh trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên sang thi đấu ở châu Âu (CLB Leixoes- Bồ Đào Nha) thông qua sự tiến cử của HLV Calisto. Trong bốn tháng ở châu Âu, Công Vinh ra sân thi đấu chính thức được  một trận, một trận khác vào sân từ băng ghế dự bị, ghi được 3 bàn thắng trong các trận đấu tập và giải hạng thấp.

11- Lần thứ ba, HLV Tavares (Brazil) đến với bóng đá Việt Nam, gần đây nhất là với V. Ninh Bình. Nhưng, ông thầy người Brazil này chỉ trụ lại với đội bóng vừa giành được quyền thăng hạng chuyên nghiệp đúng một tháng, rồi nói lời chia tay vào chiều 30-12 vì cảm nhận rằng Ninh Bình không phù hợp để ông làm việc. Cả ba lần đến với bóng đá Việt Nam của ông Tavares đều dang dở bởi nhiều lý do khác nhau.

(Theo Tuổi trẻ online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất